Chính trị

Tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh là thiết thực và phù hợp

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 19/05/2025 - 14:04

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính, việc tăng thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và "tăng hiệu quả trong quản lý".

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, (Đại biểu Quốc hội) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

nguyei-i-n-hui-i-u-chii-nh-hai-noi-i-i.jpg

Tăng hiệu quả trong quản lý Tòa án khu vực

Nêu ý kiến, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, tháo gỡ vướng mắc về mặt tố tụng, tổ chức Tòa án năm 2014. Tuy nhiên, do bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung nên việc sửa đổi luật là hết sức cần thiết, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đại biểu Chính nhấn mạnh, điểm nổi bật trong việc sửa luật lần này là tăng thẩm quyền về giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh và sắp xếp mô hình Tòa án nhân dân theo 3 cấp gồm TANDTC, Tòa án tỉnh, Tòa án khu vực.

Về thẩm quyền giám đốc và tái thẩm, Đại biểu Chính tán thành việc dự thảo luật giao thẩm quyền về giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án nhân dân tỉnh. Đây không phải là lần đầu tiên quy định này được đưa vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 đã có điều khoản quy định thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án nhân dân tỉnh. Quy định này đã phát huy hiệu quả trong quản lý và tổ chức xét xử của Tòa án tỉnh trong giai đoạn dài”- đại biểu Chính thông tin.

Đến Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã sửa đổi theo hướng không giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thay vào đó giao thẩm quyền cho TAND cấp cao.

“Theo luật cũ, khi phát hiện bản án có vi phạm trong giải quyết án, Tòa án tỉnh chỉ có chức năng kiến nghị TAND cấp cao xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc, tái thẩm. Một số Tòa án khi quyết định xem xét nhưng không kịp chuyển hồ sơ do khoảng cách địa lý quá xa. Có trường hợp, khi xem xét đã hết thời hiệu ảnh hưởng đến kết quả giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân”- Đại biểu Chính nêu bất cập.

Theo đại biểu, việc sửa đổi luật về quy định này là “thiết thực và phù hợp”. Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ tăng hiệu quả trong quản lý Tòa án khu vực, bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật. Kịp thời kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án khu vực có vi phạm pháp luật. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Kiến nghị bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án quân sự quân khu

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo luật lần này quy định, hệ thống Tòa án có Tòa án quân sự quân khu – tương đương Tòa án cấp tỉnh. “Trước đây, luật quy định thẩm quyền của Tòa án quân sự quân khu được giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực. Nhưng dự thảo luật lần này chưa quy định, tôi kiến nghị bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án quân sự quân khu đối với bản án, quyết định của Tòa án khu vực có vi phạm pháp luật, để đảm bảo tính thống nhất trong Tòa án"- Đại biểu Nguyễn Hữu Chính kiến nghị.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, điều 8, dự thảo luật bổ sung cơ cấu Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách (Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, gia đình và người chưa thành niên).

“Tuy nhiên, luật quy định Tòa án khu vực chỉ bao gồm Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, gia đình và người chưa thành niên. Không có Tòa Lao động. Nếu quy định như vậy, chỉ có Tòa án cấp tỉnh mới có Tòa Lao động. Có thể hiểu rằng, Tòa Lao động sẽ giải quyết sơ thẩm tại Tòa khu vực. Khi có kháng cáo, kháng nghị sẽ do Tòa Phúc thẩm- TANDTC giải quyết. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định, Tòa Phúc thẩm- TANDTC chỉ xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự. Không xử án lao động. Vậy chức năng xét xử phúc thẩm vụ án lao động của Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nào?”- Đại biểu Chính nêu vấn đề.

Từ đó, Đại biểu Chính kiến nghị sửa đổi luật theo hướng, tổ chức Tòa án khu vực có có Tòa lao động, Tòa án cấp tỉnh có chức năng xét xử phúc thẩm các tranh chấp lao động của Tòa án khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh là thiết thực và phù hợp