Nhịp cầu Công lý

Tp. Hồ Chí Minh: Bản án có hiệu lực pháp luật cần được thi hành

Xuân Thao 26/09/2023 13:42

Dù các cơ quan tham mưu đã đồng thời kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh giao các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện bản án có hiệu lực pháp luật nhưng một lần nữa việc thi hành lại bị… dừng. Dù hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn bị từ chối với lý do… “kỳ cục” (?)

Đồng tình kiến nghị thực hiện bản án

Vụ án hành chính đã được Báo Công lý phản ánh vào năm 2022 với nội dung cả hai cấp Tòa án đều chấp nhận khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hồng Điệp về việc hủy Quyết định số 153/QĐ-UBND-SHNN ngày 3/11/2009 của UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc xác nhận quyền sở hữu nhà nước căn nhà 161 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5. Bản án có hiệu lực pháp luật này được đánh giá là thấu tình, đạt lý đã chấm dứt hành trình gần nửa thế kỷ đi đòi lại tài sản cho mượn và khiếu kiện của gia đình bà Điệp.

Ngày 04/11/2021 Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 8336/VP-ĐT nêu ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố và UBND quận 5 “khẩn trương tổ chức thực hiện” và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND Tp. Hồ Chí Minh trước ngày 15/11/2021. Tuy nhiên cho đến nay, việc chỉ đạo này mới dừng ở văn bản.

img-4920.jpg

Trong khi bản án có hiệu lực đã 2 năm mà không được thi hành thì ngày 17/4/2023, Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị thống nhất với Sở Tư pháp hoàn thiện thủ tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hành chính này. Đến ngày 28/6/2023, Sở Xây dựng mới có văn bản gửi Sở Tư pháp về việc kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 310/2021/HC-PT nêu trên.

Ngày 21/7/2023, Sở Tư pháp có Công văn số 2745/STP- THPL, trong đó nêu: “Trường hợp Sở Xây dựng thấy có đủ căn cứ để xem xét lại bản án thì cũng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để cũng cấp cho các cơ quan khác theo quy định…Tuy nhiên trong khi chưa có quyết định xem xét lại, chưa có quyết định tạm đình chỉ, hoãn thi hành bản án có hiệu lực pháp luật thì báo cáo, đề xuất UBND Thành phố thi hành bản án theo quy định tại Điều 309, 311 Luật Tố tụng hành chính”.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Tư pháp và thực tế là chưa có quyết định tạm hoãn, xem xét lại bản án, ngày 7/8/2023, Sở Xây dựng có Công văn số 11957/ SXD-QLN&CS kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận 5 chủ trì phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố “khẩn trương tổ chức thực hiện bản án phúc thẩm số 310/2021/ HC-PT ngày 25/5/2021 của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật, theo đúng quy định”.

Các Sở đã tham mưu như vậy nhưng ngày 13/9/2023, Văn phòng UBND thành phố có Văn bản số 9895/ VP- NCPC nêu ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường chỉ đạo Sở Xây dựng, cho rằng nội dung tuyên xử là chưa rõ ràng và yêu cầu Sở Xây dựng làm thủ tục đề nghị được giải thích bản án…

Cần thực hiện đúng pháp luật

Về phía gia đình bà Điệp, sau khi có bản án phúc thẩm đã đề nghị UBND quận 5 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nhưng mãi đến ngày 14/2/2023, Phòng TN&MT quận 5 có Tờ trình số 98/TTr-TNMT gửi UBND quận nêu nội dung: “Chưa có văn bản liên quan đến việc hủy Quyết định số 153/QĐ-UBND-SHNN ngày 3/11/2009 của UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc xác nhận quyền sở hữu Nhà nước căn nhà 161 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5 ”. Từ đó, Phòng TN&MT đề xuất UBND quận trả hồ sơ, không cấp sổ đỏ cho gia đình bà Điệp dẫn đến khiếu nại phức tạp.

Theo gia đình bà Điệp, bản án đã có hiệu lực pháp luật là căn cứ để cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai. Việc Tòa án đã tuyên chấp nhận đề nghị của bà về hủy Quyết định 153/QĐ-UBND (nêu trên) tức quyết định đó đã không còn hiệu lực, không còn giá trị ngay khi Tòa án cấp phúc thẩm tuyên án. Đây là phán quyết của Tòa án là cơ quan tư pháp có hiệu lực. Do vậy việc Phòng TN&MT quận 5 cho rằng “chưa có văn bản liên quan đến việc hủy Quyết định số 153/QĐ-UBND-SHNN ngày 3/11/2009 của UBND Tp. Hồ Chí Minh” là không đúng pháp luật.

Theo dõi vụ việc này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng với tư cách là bên phải thi hành nhưng UBND thành phố đã thiếu đồng nhất trong việc chỉ đạo, thực hiện bản án. Ngay cả khi gần đây Sở Tư pháp và Sở Xây dựng đều kiến nghị chỉ đạo thực hiện bản án thì UBND thành phố cũng không chỉ đạo thực hiện.

Về lý do “dừng” để đề nghị giải thích bản án, luật sư Ứng cho rằng khi Tòa án hai cấp đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Điệp với nội dung đề nghị về việc hủy một quyết định hành chính thì quyết định đó đã không còn giá trị pháp lý. Việc tuyên án là rất rõ ràng và cụ thể của cơ quan tư pháp thì việc đề nghị “giải thích bản án” liệu có là lý do chính đáng khi mà nhiều năm, nhiều cơ quan đã “mổ xẻ”?

Về chỉ đạo “tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu, dự thảo văn bản trình UBND Thành phố” để đề nghị giám đốc thẩm, luật sư Ứng cho rằng cần xem xét về tính hợp pháp và khả thi. Bởi lẽ, dù trong thời gian luật định, không hề có trở ngại gì và có nhiều cơ quan tham mưu nhưng UBND thành phố không sử dụng quyền đề nghị giám đốc thẩm thì nay đã hết hạn từ lâu, động thái này liệu có phù hợp và có nên đặt ra nữa không?

Thiết nghĩ, bản án có hiệu lực cần được tôn trọng và thực thi theo quy định của pháp luật. Không thể vì những lý do không đúng quy định pháp luật mà trì hoãn việc thi hành gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân và ảnh hưởng đến nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh: Bản án có hiệu lực pháp luật cần được thi hành