Trong những năm vừa qua, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tại Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc công tác tổ chức thi hành án, đồng thời trở thành trung tâm của các hoạt động tác nghiệp. Để có được hiệu quả cao trong công tác thi hành án thì việc nắm vững các quy định pháp luật chính là yếu tố cốt yếu. Chi cục THADS huyện Đại Từ là một trong các đơn vị THADS được đánh giá cao trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp linh hoạt, chủ động
Để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động THADS, một đòi hỏi đặt ra là chấp hành viên phải chủ động, sáng tạo và linh hoạt, khéo léo trong xử lý các mối quan hệ phát sinh, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở. Điều này rất quan trọng bởi vì cấp ủy, chính quyền cơ sở là nơi gần nhất và trực tiếp quản lý, tác động đến mọi mặt của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quan hệ THADS.
Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có đơn vị hành chính và diện tích rộng nhất tỉnh (gồm 29 xã, thị trấn). Trong những năm gần đây điều kiện kinh tế phát triển đã kéo theo sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và làm phát sinh rất nhiều vụ việc thi hành án. Trong 07 tháng đầu năm 2023, Chi cục THADS huyện Đại Từ đã thụ lý giải quyết 946 việc với số tiền gần 31 tỷ đồng (đứng thứ 4 trong toàn tỉnh); đã thi hành xong 598 việc với số tiền gần 4 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 78,26% về việc và 22,60% về tiền /số có điều kiện thi hành.
Trong kỳ, các hoạt động phối hợp thực tiễn như: Phối hợp trong giải quyết, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức vận động, thuyết phục trong THADS, cưỡng chế thi hành án, kịp thời giải quyết giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS. Trong đó Chi cục phối hợp cơ quan Tòa án chuyển giao Bản án (chuyển giao 517 Bản án, Quyết định) đúng thời hạn, thống kê rà soát án tuyên không rõ, khó thi hành, thu tiền của đương sự tại các phiên xét xử của Toà án, xét miễn giảm thi hành án…
Phối hợp với Viện kiểm sát để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Chi cục THADS trong các hoạt động, phối hợp kiểm sát việc kê biên, cưỡng chế, xét miễn giảm thi hành án, giao các quyết định về thi hành án (trên 1 nghìn 200 quyết định)…; phối hợp với Công an huyện trong việc chuyển giao, xử lý vật chứng (chuyển giao trên 70 vụ việc), xác minh việc chấp hành án của đối tượng phải thi hành án (ký 89 giấy xác nhận thi hành án xong), chuyển thông tin đối tượng phải thi hành án để cơ quan Công an xây dựng lực lượng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế; phối hợp với Trại giam gửi trên 500 quyết định thi hành án...
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn tổ chức hòa giải, vận động, thuyết phục các bên đương sự, định hướng trọng tâm về các giải pháp và đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc phải tổ chức cưỡng chế huy động lực lượng mạnh như vụ Đinh Xuân Hiểu (xã Khôi kỳ), vụ Lê Văn Sơn (xã Phú Xuyên), vụ Nguyễn Đình Thi (xã Vạn Thọ), vụ Trần Thị Hương (xã Phú Cường)… với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Đảm bảo tốt công tác THADS tại cơ sở
Năm 2023, sự gia tăng của các vụ việc dân sự tại huyện Đại Từ về tiền dân sự phải thi hành (tăng gần 150% về tiền so với cùng kỳ năm 2022) đã gây rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Nguyên nhân của sự tăng mạnh về tiền phải thi hành đó là nhiều vụ việc dân sự phải thi hành số tiền rất lớn trong khi đó người phải thi hành án vỡ nợ, không có tài sản hoặc có thì lại thuộc tài sản của hộ gia đình nên việc xác minh, truy tìm tài sản rất khó khăn. Bên cạnh đó quy định của pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, kéo dài và để xác định được tài sản của người phải thi hành án thuộc hộ gia đình thì mất rất nhiều thời gian, công sức…mới có căn cứ để Cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản và tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Trần Thị Hồng Bắc, Chi cục trưởng - Chi cục THADS huyện Đại Từ cho biết: Để làm tốt công tác THADS tại địa phương cần tăng cường công tác phối hợp thông qua vai trò của Lãnh đạo Chi cục THADS huyện, lãnh đạo Chi cục chủ động trong việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các hoạt động thi hành án được phân công, giao nhiệm vụ; cùng Chấp hành viên bám sát cơ sở, tranh thủ mối quan hệ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các xã, thị trấn để kịp thời nắm bắt thông tin về thi hành án và các tác nghiệp thường xuyên của Công chức, chấp hành viên tại cơ sở, từ đó có định hướng chỉ đạo thi hành án đạt kết quả.
Bên cạnh đó, củng cố duy trì mối quan hệ phối hợp thông qua hoạt động của chấp hành viên. Chấp hành viên là người trực tiếp tổ chức giải quyết việc thi hành án, hoạt động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở là việc diễn ra thường xuyên, thể hiện ở việc xác minh điều kiện thi hành án, vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành hay tổ chức thỏa thuận thi hành án... Vì vậy, để củng cố và duy trì tốt mối quan hệ phối hợp với cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở, chấp hành viên phải nắm vững hồ sơ, các quy định của pháp luật về THADS, tạo mối quan hệ thường xuyên, liên tục để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đạt hiệu quả nhất.
Chấp hành viên chủ động trong mọi lĩnh vực công tác, để giải quyết một hồ sơ theo đúng trình tự thủ tục, tác nghiệp đầu tiên cơ bản tại cơ sở đó là phải có kế hoạch tổ chức đôn đốc, giải quyết thi hành án đối với từng vụ việc cụ thể, thống nhất với đại diện chính quyền cơ sở trước khi tiến hành, sau đó cần trao đổi về kết quả thực hiện, để đại diện Chính quyền cơ sở nắm được. Phối hợp chặt chẽ cơ sở từ xóm, xã, tham mưu cho lãnh đạo huyện để đưa ra cách giải quyết phù hợp cho từng vụ việc, đồng thời qua hoạt động này cũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về THADS trong nhân dân.
Duy trì tốt chế độ thông tin đa chiều, không chỉ chấp hành viên mà cả lãnh đạo cơ quan THADS phải thường xuyên bám sát, thực hiện chế độ thông tin đa chiều đối với các cơ quan, ban ngành, chính quyền cơ sở ; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là đối với người phải thi hành án. Chấp hành viên cần chủ động giải quyết hoặc kịp thời xuất để lãnh đạo đơn vị chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS tại cơ sở nói chung và hoạt động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở nói riêng, có như vậy mới phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, chính quyền cơ sở trong hoạt động THADS tại địa phương.