Ukraine xác nhận lệnh ngừng bắn được duy trì ở tỉnh Sumy; Chuyên gia y tế Mỹ cho rằng khó xóa sổ dịch COVID-19; Mắc COVID-19 nhẹ cũng ảnh hưởng tới não… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Ukraine xác nhận lệnh ngừng bắn được duy trì ở tỉnh Sumy
Ngày 8/3, Tỉnh trưởng tỉnh Sumy, miền Đông Bắc Ukraine, ông Dmytro Zhyvytsky cho biết lệnh ngừng bắn tạm thời nhìn chung đã được duy trì xung quanh thành phố Sumy, cho phép dân thường, trong đó có khoảng 1.000 sinh viên nước ngoài, được sơ tán qua hành lang nhân đạo. Phát biểu trên truyền hình, ông Zhyvytsky nêu rõ, đoàn xe gồm 20-30 chiếc xe tư nhân đã rời đi từng đợt.
Trước đó, cùng ngày, quân đội Nga đã thực thi "cơ chế im lặng" (lệnh ngừng bắn) để tạo điều kiện sơ tán dân thường theo các hành lang nhân đạo được mở tại thủ đô Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine gồm Cherhihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.
Ukraine đề nghị Nga mở các hành lang nhân đạo
Theo Sputniknews, ngày 8/3, Phó Thủ tướng Ukraine, bà Iryna Vereshchuk cho biết nước này đề nghị Nga mở các hành lang nhân đạo từ Volnovakha và Mariupol đến Zaporizhzhia, cũng như từ Kiev và Kharkov đến phía Tây Ukraine.
Trước đó, TASS cho biết, từ 10h (giờ Moscow, tức 14h giờ Hà Nội) ngày 8/3, quân đội Nga thực thi "cơ chế im lặng" (lệnh ngừng bắn) để tạo điều kiện sơ tán dân thường theo các hành lang nhân đạo được mở tại thủ đô Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine gồm Cherhihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.
Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ
Interfax dẫn tuyên bố của ông Alexander Darchiyev, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/3 nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối thoại chân thành và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau với Mỹ, đồng thời hy vọng mối quan hệ với Washington sẽ trở lại bình thường.
Phát biểu với hãng tin Interfax, ông Darchiyev nêu rõ Moscow “sẵn sàng cho một cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng lẫn nhau” nếu Washington sẵn sàng làm điều này. Theo ông, cần nhớ lại “nguyên tắc đã bị lãng quên” trong thời Chiến tranh Lạnh, cùng tồn tại hòa bình không được ép buộc lẫn nhau, cho dù giá trị và lý tưởng cách biệt.
Cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử tổng thống chính thức
Sáng 9/3, cử tri Hàn Quốc bắt đầu đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức để lựa chọn vị tổng thống thứ 20 của nước này.
Các cử tri sẽ đi bỏ phiếu tại 14.464 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày (theo giờ địa phương). Theo quy định sửa đổi mới được NEC công bố, các cử tri mắc COVID-19 hoặc đang trong thời gian cách ly có thể bỏ phiếu tại cùng những địa điểm như trên trong khung giờ từ 18h00-19h30.
12 ứng cử viên chính thức tranh cử tổng thống Pháp
Tối 7/3, Hội đồng Lập hiến đã công bố danh sách những chính khách đáp ứng đầy đủ các điều kiện để ứng cử vị trí tổng thống. Với 12 ứng cử viên, cuộc đua vào Điện Elysée chính thức được bắt đầu.
Chủ tịch Hội đồng Lập hiến Laurent Fabius cho biết trong số 65 gương mặt gửi đề cử, chỉ có 12 người đáp ứng đủ các điều kiện tranh cử để trở thành ứng cử viên chính thức, bao gồm 4 phụ nữ và 8 nam giới.
Chuyên gia y tế Mỹ: Khó xóa sổ dịch COVID-19
Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo đại dịch COVID-19 khó có thể sớm bị loại bỏ, do đó người dân cần phải tiếp tục linh hoạt áp dụng đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách nếu số ca nhiễm tăng cao trong khu vực sinh sống của mình.
Lời cảnh báo trên được đưa ra dù số ca mắc mới COVID-19, nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm trên khắp nước Mỹ.
Nghiên cứu tái khẳng định vaccine mRNA ngừa COVID-19 gây tác dụng phụ không nghiêm trọng
Đây là kết quả nghiên cứu mới với hàng triệu người tham gia, được công bố ngày 7/3 trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases.
Các chuyên gia nhấn mạnh kết quả nghiên cứu trên tiếp tục khẳng định tính an toàn của vaccine mRNA do các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna bào chế. Ông Tom Shimabukuro, một trong những tác giả nghiên cứu và làm việc tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, nêu rõ các số liệu một lần nữa cho thấy những phản ứng đối với cả 2 loại vaccine mRNA này nói chung đều nhẹ và mất dần sau một hoặc 2 ngày.
Mắc COVID-19 nhẹ cũng ảnh hưởng tới não
Một nghiên cứu hình ảnh mới đây chỉ ra những tác động do mắc COVID-19 thể nhẹ với não bộ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các hình ảnh chụp cắt lớp não bộ của hàng trăm người trước và sau khi bị mắc COVID-19. Kết quả cho thấy COVID-19 tác động “đáng kể” và “có hại” tới não bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo hiện chưa rõ những thay đổi này có dẫn tới những suy giảm nhận thức lâu dài hay không.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Nature, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ dự án theo dõi sức khỏe của 500.000 người tham gia tại Anh.
Người nhiễm Omicron có thể lây cho người khác trong ít nhất 6 ngày
Tạp chí medRxiv dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan bệnh cho những người đã nhiễm các biến thể trước đó và thời gian trung bình lây lan ít nhất là 6 ngày.
Theo Tiến sĩ Amy Barczak ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, người đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, dù không biết chính xác cần một lượng virus bao nhiêu để truyền bệnh cho người khác, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong vòng trung bình trong 6 ngày, "đôi khi có trường hợp lâu hơn”.
Chuyên gia Mỹ: Không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 và các ca tử vong sau tiêm
Trong một nghiên cứu về các tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19, các nhà khoa học tại Mỹ đã rút ra kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm liều vaccine cơ bản và các ca tử vong sau tiêm phòng. Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí y khoa Lancet.
Trung Quốc phát triển vaccine kép COVID-19 và bệnh cúm
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã phát triển một loại vaccine có tác dụng "kép" đối với cả virus SARS-CoV-2 và virus gây bệnh cúm.
Thông tin về vaccine mới mang tên là AdC68-CoV/Flu được công bố trên tạp chí Virology. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán Thượng Hải cho biết đã phát triển một kháng nguyên bằng cách kết hợp vùng kết nối kháng nguyên SARS-CoV-2 với cuống được bảo tồn của hemagglutinin H7N9 (glycoprotein kháng nguyên được tìm thấy trên bề mặt của virus cúm H7N9) và thể hiện bằng cách sử dụng vector là virus adeno của tinh tinh.
Moderna phát triển vaccine mRNA ngừa 15 mầm bệnh
Moderna ngày 7/3 cho biết từ nay đến 2025, công ty có kế hoạch phát triển và thử nghiệm các loại vaccine ngừa 15 mầm bệnh đáng lo ngại nhất thế giới, bao gồm các loai virus gây ra sốt Chikungunya, sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt xuất huyết Dengue, Ebola, sốt rét, sốt Lassa, MERS và COVID-19.
Hãng dược phẩm của Mỹ thông báo sẽ triển khai chương trình có tên gọi “Tiếp cận mRNA”, cung cấp công nghệ cho các phòng nghiên cứu học thuật để các nhà khoa học dễ dàng phát triển thêm nhiều loại vaccine mới đối phó với dịch bệnh trong tương lai.
Malaysia mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế từ ngày 1/4
Ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakop cho biết nước này sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4 tới.
Nhà lãnh đạo Malaysia cũng thông báo nới lỏng một số hạn chế, như cho phép các nhà hàng hoạt động qua 12h giờ đêm và dỡ bỏ giới hạn 50% sức chứa đối với các sự kiện tập trung đông người. Tuy nhiên, Malaysia vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và sử dụng ứng dụng quản lý dịch COVID-19 theo như yêu cầu khi tới các tụ điểm tại nước này.
Phương pháp xét nghiệm DNA có thể phát hiện cùng lúc nhiều bệnh di truyền
Nhóm nghiên cứu do Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia) chủ trì mới đây đã phát triển một phương pháp xét nghiệm gene (DNA) mới có khả năng giúp phát hiện cùng lúc 50 loại bệnh di truyền khác nhau.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Ira Deveson thuộc Viện Garvan, cho biết phương pháp xét nghiệm này đã xác định chính xác các bệnh như Huntington - bệnh di truyền hiếm gặp gây thoái hóa các tế bào thần kinh não, bệnh thần kinh vận động và nhiều bệnh di truyền khác.
G7 lên kế hoạch họp trực tuyến về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine tới an ninh lương thực
Chính phủ Đức cho biết nước này sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Nông nghiệp từ các quốc gia Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 11/3 tới, để thảo luận về tác động của căng thẳng Nga - Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu và cách ổn định tốt nhất thị trường lương thực.
Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới
Sau 10 ngày mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên.
Tờ Bloomberg dẫn số liệu của trang cơ sở dữ liệu Castellum.ai chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu cho biết kể từ khi Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu “tổng tấn công” vào ngày 22/2, Nga đã trở thành mục tiêu của 2.778 lệnh trừng phạt mới, nâng tổng số lên trên 5.530.
Nhiều dân thường thiệt mạng vì bạo lực sắc tộc tại CHDC Congo
Các nguồn tin địa phương và giới chức nhà thờ ngày 8/3 cho biết nhóm vũ trang Hợp tác xã Phát triển Congo (CODECO) đã tấn công một nhà thờ ở làng Kilo, tỉnh Ituri, miền Đông CHDC Congo, nơi những người di tản đang trú ẩn, khiến 18 dân thường thiệt mạng.
Tấn công đẫm máu tại Tây Bắc Nigeria
Ngày 8/3, các nguồn tin cho biết một nhóm tay súng đã phục kích và sát hại ít nhất 62 thành viên thuộc đội dân phòng tình nguyện tại bang Kebbi, Tây Bắc Nigeria. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra tại bang này kể từ giữa tháng 1 vừa qua.
HĐBA lên án vụ tấn công Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/3 đã kịch liệt lên án vụ tấn công nhằm vào một đoàn xe của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA) hôm 7/3, khiến 2 binh sĩ thiệt mạng và 4 người khác bị thương.
Đảng cầm quyền Nga đề xuất quốc hữu hóa các công ty nước ngoài đóng cửa
Thư ký Hội đồng chung của đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, ông Andrei Turchak đã đề xuất quốc hữu hóa các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài ngừng hoạt động ở nước này do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Anh sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022
Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
AFP dẫn thông báo được Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh - ông Kwasi Kwarteng - đăng tải trên Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu (dầu mỏ) của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh”.
Bulgaria phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga
Ngày 8/3, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết nước này không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga trong bối cảnh các nước phương Tây cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có việc ngừng nhập dầu mỏ và khẩu khí đốt của nước này, liên quan việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
IAEA: Không có nguy cơ về phóng xạ tại cơ sở hạt nhân ở Kharkov (Ukraine)
Ngày 8/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đã xảy ra các vụ pháo kích làm hư hại cơ sở hạt nhân tại thành phố Kharkov của Ukraine, song không gây ra "hậu quả liên quan phóng xạ".