Mỹ phong tỏa trụ sở Quốc hội để đối phó với biểu tình; Washington D.C sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm; WHO thất vọng vì Trung Quốc chưa cho vào điều tra COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Mỹ phong tỏa trụ sở Quốc hội để đối phó với biểu tình
Ngày 6/1, Cảnh sát quốc hội Mỹ (USCP) cho biết họ đã phỏng tỏa các tòa nhà Quốc hội Mỹ do tình hình căng thẳng với những người biểu tình và phiên họp xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã bị tạm ngừng. Động thái trên của USCP diễn ra trong bối cảnh người biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội đã đụng độ với cảnh sát và xông vào các tòa nhà Quốc hội, khiến các Thượng nghị sĩ phải ngừng tranh luận.
Trước tình hình căng thẳng này, Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowser thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng, Thủ đô Washington D.C sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h và có hiệu lực tới 6h sáng 7/1.
Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ khoá tới
Theo kết quả dự kiến từ hai cuộc bầu cử bổ sung ghế Thượng viện ở bang Georgia, Đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ khóa tới.
Trước khi có kết quả chính thức, đảng Cộng Hòa chiếm 50 ghế ở Thượng viện, phía đảng Dân Chủ có 48 ghế (tính gộp cả 2 phiếu Thượng nghị sĩ độc lập nhưng ủng hộ Dân chủ).
Quốc hội Hàn Quốc họp khẩn về vụ Iran bắt tàu chở hóa chất
Ngày 6/1, Ủy ban Đối ngoại và thống nhất Quốc hội Hàn Quốc đã họp khẩn liên quan tới việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi treo cờ Hàn Quốc khi đi qua Eo biển Hormuz.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đối ngoại Hàn Quốc Choi Jong-gon đã thông báo tình hình hiện tại của các thuyền viên và các biện pháp của chính phủ. Ông cho biết Seoul vẫn đang tiếp tục thảo luận với giới chức Iran và chuẩn bị các phương án pháp lý để giải quyết vấn đề.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công du 5 nước châu Phi
Theo Tân Hoa Xã, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thực hiện chuyến thăm chính thức 5 nước châu Phi từ ngày 4-9/1, với điểm đến đầu tiên là Nigeria. Dự kiến sau Nigeria, ông Vương Nghị sẽ thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles.
Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ các ứng dụng phần mềm bị Mỹ cấm giao dịch
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty nước này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cấm giao dịch với 8 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc.
Thế giới trên 87,5 triệu ca mắc COVID-19; dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp
Theo worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 87.501.718 ca, trong đó có 1.887.471 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 62.968.258 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 22.645.989 ca và 108.757 ca đang điều trị tích cực.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
WHO thất vọng vì Trung Quốc chưa cho vào điều tra COVID-19
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ nỗi thất vọng khi đến thời điểm hiện giờ, Trung Quốc vẫn chưa thông qua việc đưa đội điều tra quốc tế của tổ chức này vào để truy tìm nguồn gốc COVID-19.
Người đứng đầu WHO cho biết hai chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã bắt đầu khởi hành tới Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng ông đã liên lạc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, nhấn mạnh "sứ mệnh lần này là ưu tiên của WHO”.
EMA khuyến nghị cấp phép lưu hành vaccine COVID-19 của Moderna
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 6/1 đã thông qua khuyến nghị về việc cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc bào chế và phát triển.
Như vậy, vaccine của Moderna đã trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 được EMA khuyến nghị cấp phép lưu hành, sau vaccine Pfizer/BioNTech nhận được sự ủng hộ của cơ quan này hôm 21/12/2020. Theo quy định, vaccine của Moderna còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép để chính thức được lưu hành.
Hà Lan là nước cuối cùng trong EU triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 6/1, nữ y tá Sanna Elkadiri, 39 tuổi, đã trở thành người đầu tiên tại Hà Lan được tiêm phòng vaccine do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế theo chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU).
Ireland lên kế hoạch tiêm phòng vaccine của Moderna cho người dân
Ngày 6/1, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết nước này đang lên kế hoạch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho 10.000 người dân/tuần, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) "bật đèn xanh" cho loại vaccine này.
Ukraine điều tra thông tin về tiêm vaccine chưa được cấp phép
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal ngày 6/1 cho biết lực lượng cảnh sát và giới chức y tế nước này đang phối hợp điều tra về thông tin một số công dân nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 chưa được cấp phép lưu hành.
Ông Shmygal khẳng định cho đến nay chưa có bất cứ loại vaccine ngừa COVID-19 nào được cấp phép sử dụng tại Ukraine, do đó, ông khuyến cáo người dân không nên tiêm các loại dược phẩm không rõ nguồn gốc.
Đức đã đặt mua đủ vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân
Ngày 6/1, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố nước này sẽ nhận được hơn 130 triệu liều vaccine phòng ngừa COVID-19, đủ để tiêm cho tất cả người dân nước này.
Indonesia áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại từ 11-25/1
Ngày 6/1, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong khoảng thời gian từ ngày 11-25/1, đặc biệt là tại hai đảo Java và Bali, nhằm kiểm soát các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang gia tăng theo cấp số nhân tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hệ thống y tế Malaysia đối mặt nguy cơ quá tải
Sau 27 ngày liên tiếp có số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức 4 chữ số, ngày 6/1, Malaysia lại ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.593 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Malaysia đã cảnh báo về tình trạng quá tải của hệ thống y tế nước này.
Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu sớm hoàn tất kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã họp với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura về việc ứng phó dịch COVID-19.
Tổng thống Bồ Đào Nha tự cách ly
Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ngày 6/1 thông báo quyết định tự cách ly sau khi tiếp xúc với người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo tuyên bố được Văn phòng tổng thống chia sẻ trên trang thông tin chính thức của ông Rebelo de Sousa, nhân vật nhiễm SARS-CoV-2 mà Tổng thống tiếp xúc là thành viên của Casa Civil - cơ quan
gồm các chuyên gia tư vấn cho tổng thống. Hiện ông Rebelo de Sousa đang chờ kết luận của cơ quan y tế nước này về kết quả kiểm tra và thời gian ông phải cách ly.
Oman phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể của SARS-CoV-2
Ngày 6/1, Bộ Y tế Oman đã thông báo về trường hợp nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân là một công dân nước ngoài cư trú dài hạn tại Oman vừa từ Anh trở về.
Hàn Quốc tiêu hủy 13,6 triệu gia cầm vì dịch cúm
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ngày 6/1 cho biết nước này đã tiêu hủy 13,6 triệu con gia cầm như một biện pháp phòng ngừa nhằm đối phó với số ca gia cầm nhiễm cúm độc lực cao trong các trang trại địa phương ở nước này.
Sudan được tiếp cận hỗ trợ tài chính từ WB sau 27 năm
Trong chuyến thăm 1 ngày tới Sudan, ngày 6/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cùng quyền Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Hiba Ahmed ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ Sudan tiếp cận khoản hỗ trợ tài chính hằng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá hơn 1 tỷ USD.
Trước đó, ngày 14/12, Mỹ chính thức đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau 27 năm có tên trong danh sách này. Hai bên cũng đã đạt thỏa thuận bồi thường liên quan các vụ tấn công trước đây.
Indonesia triệt phá một hang ổ của nhóm khủng bố JAD
Ngày 6/1, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 20 phần tử khủng bố bị cáo buộc liên quan đến nhóm phiến quân Jamaah Ansharut Daulah (JAD) tại thành phố Makassar, thủ phủ tỉnh South Sulawesi, miền Đông nước này.
Tàu tuần tra hải quân Scotland chặn tàu đánh cá Ireland
Đài Phát thanh nhà nước Ireland RTE ngày 5/1 đưa tin tàu đánh cá của nước này ở Bắc Đại Tây Dương đã bị một tàu tuần tra của Scotland chặn lại với lý do Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU).
Tòa án Anh bác đơn xin được bảo lãnh tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks
Tòa án Anh ngày 6/1 đã bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi tòa án Anh bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.
EU kêu gọi Bosnia hỗ trợ hàng trăm người di cư sau vụ cháy trại tị nạn
Ngày 5/1, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Bosnia có trách nhiệm đối với hàng trăm người di cư nước này đang phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" trong thời tiết giá rét sau khi trại tị nạn của họ bị hỏa hoạn.
Ấn Độ: Bốn người thiệt mạng nghi do rò rỉ khí gas tại nhà máy thép
Ngày 6/1, một vụ nghi rò rỉ khí gas đã xảy ra tại nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp thép quốc gia Ấn Độ (SAIL) ở thành phố Rourkela, miền Đông nước này, đã khiến 4 lao động thiệt mạng.