Toàn cầu vượt trên 170 triệu ca mắc COVID-19; Khả năng miễn dịch kinh ngạc của vaccine phòng COVID-19, có thể là suốt đời; Trung Quốc yêu cầu điều tra phòng thí nghiệm Mỹ về nguồn gốc COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Tổng thống Biden đề xuất ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD nhằm 'định hình lại' nền kinh tế
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD nhằm tái tạo nền kinh tế Mỹ, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong tương lai.
Theo kế hoạch chi tiết của đề xuất, quỹ liên bang sẽ chi 6,011 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8,2 nghìn tỷ USD vào năm 2031. Chi tiêu cho dự luật cơ sở hạ tầng được đề xuất ban đầu ở mức 2,3 nghìn tỷ USD sẽ được giảm xuống còn 1,7 nghìn tỷ USD và 1,8 nghìn tỷ USD khác sẽ được sử dụng vào việc tăng cường giáo dục do nhà nước tài trợ và các dịch vụ xã hội nhằm xây dựng lực lượng lao động tốt hơn trong thế kỷ 21.
Mỹ: Đảng Cộng hòa thất bại trong việc ngăn chặn dự luật điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol
Ngày 28/5, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật nhằm thành lập ủy ban điều tra vụ tấn công vào Đồi Capitol ngày 1/6, do lo ngại dự luật sẽ tác động tiêu cực tới kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của đảng này trong năm 2022. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa chỉ giành được 35 phiếu ủng hộ, thiếu 10 phiếu cần thiết để vượt qua được trở ngại đầu tiên.
Tổng thống Đức tuyên bố ứng cử nhiệm kỳ thứ hai
Trong một tuyên bố ngắn tại Berlin, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, 65 tuổi, nêu rõ hiện là thời điểm đầy khó khăn, nước Đức đang đứng trước cuộc bầu cử quốc hội hết sức quan trọng với những biến động về chính trị và nhiều vấn đề phức tạp khác.
Ông nhấn mạnh thời điểm này chính là một bước ngoặt đối với nước Đức và ông muốn tranh cử với hy vọng có thêm nhiệm kỳ Tổng thống liên bang lần thứ hai để tiếp tục đồng hành cùng đất nước trên con đường hướng tới tương lai.
Tòa án Hiến pháp Mali công bố Tổng thống chuyển tiếp mới
Tòa án Hiến pháp Mali ngày 28/5 đã công bố Phó Tổng thống, Đại tá Assimi Goita, sẽ là Tổng thống chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi.
Thông báo của Tòa án Hiến pháp Mali khẳng định Đại tá Goita sẽ "thực hiện các chức năng của tổng thống chuyển tiếp lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho tới khi kết thúc".
Thế giới vượt trên 170 triệu ca mắc COVID-19
Theo worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 170.099.166 ca, trong đó có 3.536.533 người tử vong.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 152.084.442 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 14.478.191 ca và 93.340 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
UAE thành lập các bệnh viện 'kỹ thuật số' giai đoạn hậu COVID-19
Công nghệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và quốc gia này sẽ thành lập hàng loạt bệnh viện “kỹ thuật số” trong tương lai.
Theo ông Ali Juma AlAjme, Giám đốc Cục Y tế kỹ thuật số thuộc Bộ Y tế UAE, công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp cơ quan y tế UAE kiểm soát đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn. Trong tương lai, quốc gia này sẽ có nhiều bệnh viện “kỹ thuật số” để người dân có thể tiếp cận các giải pháp y tế từ xa thường xuyên hơn.
Đan Mạch, Hy Lạp ra mắt 'Chứng nhận kỹ thuật số COVID-19'
Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại trong Liên minh châu Âu (EU) vào mùa Hè này, ngày 28/5, Đan Mạch và Hy Lạp đã ra mắt "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19".
Ứng dụng của Đan Mạch mang tên Coronapas, do Bộ Y tế, Cơ quan Dữ liệu y tế Đan Mạch, Viện Huyết thanh Statens (SSI) và Cơ quan Số hóa Đan Mạch phát triển. Coronapas cung cấp thông tin về kết quả xét nghiệm và tiêm chủng bằng cả tiếng Đan Mạch và tiếng Anh.
Tây Ban Nha tham gia thử nghiệm chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19
Ngày 28/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ tham gia các cuộc thử nghiệm chung về chứng chỉ xanh kỹ thuật số từ ngày 7/6 trước khi chứng chỉ này theo kế hoạch có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7.
Anh cấp phép sử dụng vaccine một liều của Johnson & Johnson
Ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ phát triển. Như vậy, đến nay Anh đã phê duyệt 4 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm cả Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna.
Thái Lan cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm
Ngày 28/5, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Thái Lan đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Trung Quốc Sinopharm.
Khả năng miễn dịch kinh ngạc của vaccine phòng COVID-19, có thể là suốt đời
Các nghiên cứu mới đây cho thấy các tế bão miễn dịch quan trọng có thể tồn tại một thời gian dài, nhiều năm thậm chí suốt đời, trong tuỷ xương của những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc được tiêm chủng vaccine.
Tờ New York Times cho biết, theo hai nghiên cứu mới, khả năng miễn dịch với COVID-19 ở người kéo dài ít nhất một năm, thậm chí có thể là suốt đời, được cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau khi tiêm chủng. Phát hiện này có thể giúp xoa dịu nỗi lo sợ lâu nay rằng khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Trung Quốc yêu cầu điều tra phòng thí nghiệm Mỹ về nguồn gốc COVID-19
Không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden đề nghị mở lại điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19, Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu điều tra một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đề cập Viện Nghiên cứu Quân y về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID) tại Fort Detrick, Maryland (Mỹ) liên quan đến virus SARS-CoV-2 mà không đưa ra bằng chứng nào.
Nhật Bản coi 3 tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh
3 tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đây là khẳng định được Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đưa ra ngày 28/5 sau khi ông quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh/thành của nước này, trong đó có thủ đô Tokyo, cho đến ngày 20/6.
Malaysia phong tỏa toàn quốc trong hai tuần
Ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 1-14/6, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19 tăng vọt.
Malaysia khuyến cáo người dân đeo hai khẩu trang để phòng dịch
Ngày 28/5, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết đeo hai khẩu trang hoặc đeo khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế sẽ giúp lọc hạt bụi được tốt hơn so với chỉ đeo một khẩu trang.
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 8 tỉnh
Ngày 28/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6, chủ yếu do hệ thống y tế ở nhiều địa phương vẫn còn căng thẳng cho dù tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm dần.
Bang West Bengal (Ấn Độ) gia hạn lệnh phong tỏa
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan tại Ấn Độ, chính quyền bang West Bengal, miền Đông nước này, đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15/6 tới nhằm giảm hơn nữa số ca nhiễm mới tại bang West Bengal.
Giới chức Ấn Độ tuyên bố kiểm soát được tình hình tại New Delhi
Thủ đô New Delhi đã khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 và từ tuần tới sẽ từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Đây là tuyên bố được Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đưa ra ngày 28/5.
Theo Thủ hiến Kejriwal, số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô New Delhi đang giảm dần đều, tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống còn 1,5%. Điểm nổi bật là các bệnh viện trong thành phố đã không còn tình trạng thiếu giường bệnh, trong đó có các giường điều trị tích cực và giường dành cho bệnh nhân thở oxy.
CH Czech nới lỏng các biện pháp hạn chế
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến tích cực và số lượng người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng, CH Czech tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Theo đó, các nhà hàng, quán bar có thể phục vụ khách hàng khu vực bên trong nhà, song bố trí không quá 4 người/bàn và khách hàng phải có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã bình phục sau khi nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bể bơi và các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng mở cửa trở lại.
Giới tài phiệt Hong Kong (Trung Quốc) 'tung chiêu' khuyến khích người dân tiêm vaccine phòng COVID-19
Trước thực tế nhiều người dân ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) vẫn tỏ ra do dự trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, các "ông trùm" bất động sản trên hòn đảo này đã quyết định tặng căn hộ một phòng ngủ, trị giá 10,8 triệu HKD (khoảng 1,4 triệu USD), cho chương trình bốc thăm trúng thưởng khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ngoài ra, còn có 20 giải thưởng khác, trị giá 100.000 HKD mỗi giải thưởng.
Philippines tạm ngừng đưa người lao động sang Arab Saudi
Philippines đã đình chỉ việc đưa người lao động sang Arab Saudi sau khi nhận được thông tin rằng chủ lao động và người tuyển dụng buộc họ phải trả tiền cho hoạt động xét nghiệm, cách ly và bảo hiểm cho bệnh COVID-19.
Cuba bác cáo buộc của Mỹ về vấn đề hợp tác chống khủng bố
Ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Cuba đã ra thông cáo phản bác việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa đảo quốc Caribe này vào cái gọi là danh sách “các nước không hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Tòa án Hiến pháp Nam Phi bác đơn kháng cáo của cựu Tổng thống J.Zuma
Ngày 27/5, Tòa án Hiến pháp Nam Phi tại Johannesburg đã bác đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Jacob Zuma về phán quyết của tòa thượng thẩm yêu cầu ông thanh toàn bộ chi phí pháp lý của các phiên tòa chống lại ông trong thời gian tại vị, ước tính khoảng 10 triệu rand (727.000 USD).
Đức và Namibia đạt thỏa thuận về giải quyết hậu quả chiến tranh
Sau nhiều năm đàm phán, Đức và Namibia đã đạt thỏa thuận hóa giải những bất đồng giữa hai bên về cuộc chiến tranh mà Đế chế Đức đã gây ra cho các nhóm sắc tộc Herero và Nama. Đức đã thừa nhận đây là tội ác diệt chủng, muốn đưa ra lời xin lỗi chính thức cùng cam kết hỗ trợ Namibia trên 1 tỷ euro.
Mỹ lên kế hoạch sơ tán người Afghanistan làm việc cho liên quân
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley ngày 27/5 cho biết Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch sơ tán những người làm phiên dịch và các công việc khác hỗ trợ các lực lượng liên quân ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua. Số người nằm trong diện này lên tới hàng nghìn.
Hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza gặp nhiều khó khăn
Ngày 28/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các bên liên quan hỗ trợ để nhân viên cứu trợ tiếp cận những bệnh nhân tại Dải Gaza hoặc cho phép sơ tán họ khỏi vùng lãnh thổ này để được chăm sóc y tế.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các nhân viên y tế đang chật vật để chăm sóc những người mắc bệnh và bị thương sau 11 ngày giao tranh ác liệt giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Australia xúc tiến kiện Trung Quốc lên WTO về thuế nhập khẩu lúa mì
Ngày 28/5, Australia đã xúc tiến một vụ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với lúa mì của Australia, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên không có nhiều dấu hiệu giảm bớt.
Gần 1 triệu khách hàng Canada Post có nguy cơ bị lộ dữ liệu cá nhân
Canada Post - tập đoàn bưu chính quốc gia của Canada - cho biết một cuộc tấn công mạng bằng phần mềm độc hại nhằm vào Commport Communications, một trong những nhà cung cấp dịch vụ của Canada Post, đã ảnh hưởng đến 44 khách hàng doanh nghiệp lớn nhất của tập đoàn này trên khắp đất nước và gần một triệu người có nguy cơ bị lộ dữ liệu cá nhân.
EU yêu cầu TikTok kiểm soát nội dung quảng cáo
Ngày 28/5, EU đã hối thúc TikTok - ứng dụng chia sẻ video miễn phí thu hút hơn 100 triệu người dùng tại châu Âu, giải quyết những quan ngại về các quảng cáo ẩn có nội dung không phù hợp với trẻ em.
Theo Ủy ban châu Âu, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại một số nước thành viên EU đã bày tỏ quan ngại về cách TikTok chạy các quảng cáo ẩn nhắm đến đối tượng trẻ em cũng như các điều khoản hợp đồng trong chính sách của ứng dụng giải trí này. Cơ quan trên cho biết TikTok có thời hạn một tháng để đưa ra phản hồi.