Tin vắn thế giới ngày 26/1: Pfizer/BioNTech thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron

Bạch Dương| 26/01/2022 07:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Pfizer và BioNTech thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron; Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đề cử tiếp tục lãnh đạo WHO; Mỹ nâng mức cảnh báo đi lại đối với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Pfizer và BioNTech thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron

Ngày 25/1, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron đối với người trưởng thành đến 55 tuổi nhằm đánh giá mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch.

Tham gia thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của 1.420 người từ 18-55 tuổi. Pfizer giải thích lý do không đưa người trên 55 tuổi vào diện thử nghiệm lâm sàng là vì mục đích của nghiên cứu chỉ nhằm đánh giá phản ứng miễn dịch của những người tham gia, hơn là tính toán hiệu quả của vaccine. Trong nghiên cứu, những người trên được chia thành 3 nhóm.

vc-pfizer.jpg
Pfizer và BioNTech thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đề cử tiếp tục lãnh đạo WHO

Ngày 25/1, Ban điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bỏ phiếu kín chấp thuận đề cử ông Tedros Adhanom Ghebreyesus là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu chọn vị trí Tổng Giám đốc của tổ chức này dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Sau cuộc bỏ phiếu, ông Patrick Amoth - người đứng đầu ban điều hành gồm 34 thành viên của WHO, đã chúc mừng ông Ghebreyesus trở thành ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc WHO trong 5 năm, từ ngày 16/8/2022.

Phát triển bộ xét nghiệm COVID-19 mới có mức độ chính xác tương đương phương pháp PCR

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington (Mỹ) vừa phát triển một bộ xét nghiệm COVID-19 mới với chi phí thấp, song cho kết quả nhanh hơn và có mức độ chính xác tương đương với phương pháp xét nghiệm PCR.

Bộ xét nghiệm mới mang tên Harmony, là kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học do Phó Giáo sư Barry Lutz đứng đầu, được công bố trên tạp chí Science Advances.

Thái Lan triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi

Chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 vào ngày 31/1, với ưu tiên dành cho những nhóm dễ bị tổn thương.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết đợt tiêm chủng này sẽ sử dụng 3 triệu liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất, bắt đầu bằng việc tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm dễ bị tổn thương tại Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia mang tên Hoàng hậu Sirikit trước khi được cung cấp cho các trẻ em khác.

thailand.png
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại đảo nghỉ dưỡng Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Mỹ nâng mức cảnh báo đi lại đối với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cùng Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này tránh đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19.

CDC Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại lên "Cấp độ 4: Rất cao" đối với Colombia, Costa Rica, CH Dominica, Fiji, Jamaica, Guadalupe, Kuwait, Mongolia, Niger, Peru, Romania, Saint Barthelemy, Saint Martin, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Philippines điều chỉnh nguy cơ dịch

Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết mức độ rủi ro COVID-19 đối với Philippines và khu vực thủ đô của nước này đã được điều chỉnh từ "nguy cơ nghiêm trọng" xuống mức "nguy cơ cao". Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết Omicron hiện là biến thể "chiếm ưu thế hơn" ở vùng thủ đô Manila và đang lan rộng ở các khu vực khác.

Indonesia, Singapore nhấn mạnh Đồng thuận ASEAN về Myanmar

Ngày 25/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhất trí rằng tất cả các bên liên quan cần ưu tiên an ninh và phúc lợi của người dân Myanmar trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.

Indonesia và Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi Đồng thuận 5 điểm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Myanmar, cho rằng quyết định cấp cao này của ASEAN cần được tất cả các bên tôn trọng.

Iran nêu điều kiện khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Mỹ

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 25/1 cho rằng việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran là có thể thực hiện được nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã làm tê liệt nền kinh tế Cộng hòa Hồi giáo này.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, ông Raisi nêu rõ: "Nếu phía bên kia bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, thỏa thuận hạt nhân rất có khả năng sẽ được khôi phục".

Lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/1 đã kêu gọi Nga góp phần giảm căng thẳng tình hình Ukraine, nhấn mạnh sự hợp tác và đối thoại với Nga trong khi cũng đưa ra cảnh báo gửi tới Moscow.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin bên cạnh Tổng thống Macron, Thủ tướng Scholz một lần nữa kêu gọi Nga giúp xoa dịu tình hình hiện nay liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.

Canada yêu cầu gia đình các nhân viên ngoại giao rời Ukraine

Canada ngày 25/1 xác nhận đã yêu cầu thành viên gia đình các nhân viên ngoại giao đóng tại Ukraine rời khỏi quốc gia này, một ngày sau khi Mỹ, Anh, Đức và Australia công bố các bước đi tương tự.

Bộ các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đã ra tuyên bố xác nhận quyết định trên của Chính phủ Canada.

Đoàn nghị sĩ Mỹ tới Ukraine trong bối cảnh căng thẳng với Nga

Ngày 25/1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Gregory Meeks, đã dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ tới Bỉ và Ukraine.

Theo tuyên bố của Văn phòng Nghị sĩ Meeks, tại Brussels, phái đoàn lưỡng đảng Quốc hội Mỹ sẽ gặp gỡ đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu để thảo luận về tình hình an ninh ở Đông Âu và việc quân đội Nga tăng cường lực lượng dọc biên giới Ukraine và ở Belarus.

ukra.jpg
Một số nước EU phản đối nhiệm vụ huấn luyện cho các sĩ quan Ukraine. Ảnh minh họa: AP

Tổng Thư ký LHQ chỉ trích vụ quân đội Burkina Faso tiến hành đảo chính

Ngày 25/1, Tổng Thư ký LHQ đã chỉ trích vụ quân đội Burkina Faso tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền của Tổng thống Roch Kabore là hành động "không thể chấp nhận được".

Theo AFP, phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về bảo vệ dân thường tại khu vực chiến sự, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã lên án hành động của quân đội Burkina Faso, đồng thời kêu gọi lực lượng nay tại các nước Tây Phi phải bảo vệ dân thường thay vì tiếm quyền.

Ba Lan khởi công xây dựng bức tường biên giới với Belarus

Ngày 25/1, các nhà thầu Ba Lan đã bắt đầu khởi công xây dựng bức tường biên giới dài 186 km dọc biên giới với Belarus nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào nước này để tới các nước châu Âu.

Theo thiết kế, bức tường biên giới trên cao 5,5 m, có kết cấu cốt thép và dự kiến hoàn thành vào tháng 6 tới.

Dư luận kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Burkina Faso bị lật đổ

Ngày 25/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso, đồng thời cho biết tình hình ở quốc gia này hiện đã yên tĩnh.

Ông cho biết đã được thông báo rằng Tổng thống bị lật đổ Roch Kabore "đang trong tình trạng sức khỏe tốt" và không bị bất kỳ mối đe dọa nào.

Hàng chục người bị mất tích trong vụ lật thuyền ngoài khơi Florida, Mỹ

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 25/1 đã phát động chiến dịch tìm kiếm 39 người được thông báo mất tích khi chiếc thuyền chở họ bị lật ngoài khơi Florida trong một "vụ tình nghi là buôn người".

Một người sống sót cho biết con thuyền đã rời quận Bimini của Bahamas đêm 22/1 song gặp thời tiết xấu và bị lật úp.

Gia tăng nạn nhân trong vụ giẫm đạp tại sân vận động ở Cameroon

Số nạn nhân trong vụ giẫm đạp tại một sân vận động tại Cameroon, nơi diễn ra một trận bóng đá trong khuôn khổ Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) vào tối 24/1, đã tăng đáng kể. Cụ thể, số người thiệt mạng hiện là 8 người và có gần 40 người khác bị thương, trong đó nhiều người nguy kịch.

Vụ xả súng tại trường đại học ở Đức: Hung thủ đã thông báo trước khi hành Hung thủ 18 tuổi thực hiện vụ xả súng tại Đại học Heidelberg thuộc bang Baden-Württemberg (Đức) đã mua vũ khí ở nước ngoài vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công. Y cũng đã thông báo trước về vụ tấn công thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp.

Đức phản đối EU coi điện hạt nhân là năng lượng 'xanh'

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck ngày 25/1 tuyên bố sẽ chống lại nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) gọi điện hạt nhân là “bền vững”, và thay vào đó ông cho rằng châu Âu nên tập trung vào các nguồn năng lượng sạch.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến thăm đầu tiên tới Brussels, ông Robert Habeck đã kêu gọi Chính phủ của ông cản trở những nỗ lực phân loại điện hạt nhân là năng lượng “xanh".

Thương mại Trung Quốc-Mỹ Latinh lập kỷ lục trong năm 2021

Tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc đạt kỷ lục 451,59 tỷ USD trong năm 2021, tăng 41,1% so với năm 2020 bất chấp những bất ổn trong nền kinh tế thế giới và tác động của đại dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 2 của khu vực.

Mất điện quy mô lớn tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan

Mất điện quy mô lớn đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở các nước Trung Á gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan trong ngày 25/1. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra mất điện.

Sân bay Istanbul tiếp tục hoãn mở lại do bão tuyết

Ngày 25/1, sân bay Istanbul tiếp tục hoãn mở lại trong bối cảnh thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ này bắt đầu khắc phục hậu quả trận bão tuyết lớn làm tê liệt hệ thống giao thông và gián đoạn nhiều dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 26/1: Pfizer/BioNTech thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron