Tin vắn thế giới ngày 21/1: Israel sẽ triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho trẻ em 5-11 tuổi

Bạch Dương| 21/01/2022 08:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Israel sẽ triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho trẻ em 5-11 tuổi; Nhật Bản cấp phép tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi; WHO khuyến cáo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại phòng COVID-19 vì không còn hiệu quả… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Israel sẽ triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho trẻ em 5-11 tuổi

Bộ Y tế Israel ngày 20/1 đã quyết định triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi 5-11 thuộc nhóm có nguy cơ cao, với mục tiêu giúp bảo vệ nhóm đối tượng này trước biến thể Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm nhanh và mạnh tại nước này.

Các đối tượng phù hợp sẽ được tiêm mũi vaccine thứ ba cách mũi hai ít nhất 3 tháng. Các cơ sở dịch vụ chăm sóc y tế (HMO) - mô hình kết hợp dịch vụ bảo hiểm và phòng khám, bệnh viện - đã nhận được chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch mới.

israel-tiem-covid.jpg
Một em nhỏ ở thành phố Holon, gần Tel Aviv, Israel, được tiêm vaccine COVID-19 hồi tháng 7/2021. Ảnh: AFP

Israel: Vaccine giúp giảm gần 50% nguy cơ nhiễm COVID-19 ở trẻ em

Bộ Y tế Israel ngày 20/1 thông báo kết quả một nghiên cứu cho thấy nguy cơ nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp hơn so với nhóm trẻ không được tiêm.

Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia Viện Khoa học Weizmann, Viện Công nghệ Technion, Đại học Hebrew và Viện Gartner, đối với nhóm trẻ trong độ tuổi từ 5-11, lứa tuổi được Bộ Y tế Israel cho phép tiêm vaccine kể từ tháng 11 năm ngoái.

Vaccine giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng 'COVID kéo dài'

Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học Israel công bố đầu tuần này cho thấy bên cạnh tác dụng giảm nguy cơ bệnh nặng, việc tiêm phòng còn có thể mang lại hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ xuất hiện các triệu chứng "COVID kéo dài" (Long COVID).

Các tác giả nghiên cứu nêu rõ việc tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng bệnh có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện những triệu chứng thường gặp sau thời gian mắc COVID-19 nặng.

Hong Kong (Trung Quốc) triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

Ngày 20/1, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong thông báo sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ nhỏ từ 5-11 tuổi từ ngày 21/1 trong bối cảnh số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng gia tăng.

Đối với vaccine của Sinovac, từ 8h ngày 21/1, phụ huynh có thể đặt lịch hẹn và đưa trẻ đến tiêm tại các trung tâm tiêm chủng cộng đồng hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em. Ngoài ra, chính quyền đặc khu sẽ cung cấp lịch hẹn đặc biệt cho các trường và dịch vụ đưa đón, cũng như bố trí các trạm tiêm chủng lưu động để tiêm cho trẻ tại trường học. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ nhỏ nên tiêm mũi vaccine thứ 2 cách mũi thứ nhất 28 ngày.          

Malaysia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

Malaysia sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 -11 tuổi từ tháng 2 tới. Liều lượng vaccine tiêm cho nhóm đối tượng này chỉ bằng 1/3 so với liều tiêm dành cho người từ 12 tuổi trở lên.

Nhật Bản cấp phép tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi

Ngày 20/1, một hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép tiêm cho trẻ em độ tuổi này tại Nhật Bản.

Australia cấp phép sử dụng vaccine của hãng Novavax (Mỹ)

Ngày 20/1, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt thông báo vaccine ngừa COVID-19 do hãng Novavax của Mỹ bào chế đã được chấp thuận sử dụng ở nước này.

Giám đốc Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA), Giáo sư John Skerritt cho biết 2 đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đã chứng minh vaccine của hãng Novavax có hiệu quả trên 90% và không gây các tác dụng phụ rõ rệt.

Quốc gia châu Âu đầu tiên áp đặt bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Áo trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua quy định áp đặt tiêm chủng bắt buộc đối với người dân trên 18 tuổi từ giữa tháng 3 tới.

Dự thảo luật do Chính phủ liên bang Áo đệ trình đã nhận được đa số ủng hộ của các nghị sĩ Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Áo, trong đó có 137 nghị sĩ bỏ phiếu thuận và 33 phiếu chống. Dù chỉ là hình thức, song Hội đồng liên bang (Thượng viện) vẫn phải thông qua để dự luật có hiệu lực.

Thuốc điều trị COVID-19 của Merck sẽ có phiên bản giá thành thấp

Một cơ quan của Liên hợp quốc đã đạt thỏa thuận cho phép 30 công ty dược tham gia sản xuất molnupiravir - thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của hãng dược Merck & Co's (Mỹ) - phiên bản giá thành thấp dành cho các nước nghèo hơn, qua đó mở rộng cơ hội cho thêm nhiều nước tiếp cận loại thuốc này.

105 quốc gia sẽ có thuốc điều trị COVID-19 giá rẻ hơn

Ngày 20/1, Tổ chức y tế Medicines Patent Pool (MPP), có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, ra tuyên bố cho biết các công ty sản xuất thuốc gốc sẽ tạo ra một phiên bản giá rẻ hơn của loại thuốc viên điều trị COVID-19 của hãng Merck và cung cấp cho 105 nước nghèo trên thế giới.

MPP đã ký các thỏa thuận với 27 công ty dược phẩm để sản xuất loại thuốc kháng virus dạng uống mang tên Molnupiravir để cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC).

Ấn Độ gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại quốc tế

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến ngày 28/2 tới trong bối cảnh nước này đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 được cho là do biến thể Omicron gây ra.

Trong một thông báo, DGCA nêu rõ: "Hạn chế này sẽ không áp dụng cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế và một số chuyến bay nhất định được DGCA phê duyệt. Các chuyến bay theo thỏa thuận bong bóng cũng sẽ không bị ảnh hưởng".

Algeria đóng cửa trường học 10 ngày

Chính phủ Algeria quyết định tạm đóng cửa các trường phổ thông trên toàn quốc trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 20/1. Đối với các trường đại học, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune chỉ thị các trường sẽ có quyền tự quyết định việc đóng hay mở cửa.

WHO khuyến cáo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại phòng COVID-19 vì không còn hiệu quả

Ngày 20/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về lưu thông, đi lại phòng chống đại dịch COVID-19.

Theo trang chủ tổ chức WHO tại địa chỉ https://www.who.int, tổ chức này cho rằng những biện pháp hạn chế đi lại với mục đích phòng chống đại dịch COVID-19 đã chứng minh là có đôi chút hiệu quả về phương diện y tế cộng đồng, song lại gây thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế.

phong-dich-nb.jpg
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/1/2022. Ảnh: Kyodo

Australia triển khai biện pháp để trường học là nơi ‘mở đầu tiên, đóng sau cùng’

Các trường học tại Australia sẽ bắt đầu học kỳ một ngày 31/1 tới, ngoại trừ tại hai bang Queensland and South Australia, nơi kế hoạch khai giảng phải lùi lại để phòng tránh làn sóng COVID-19 dự kiến đạt đỉnh vào thời điểm đó.

Sau cuộc họp nội các tuần trước, Thủ tướng Scott Morrison đã ra thông báo về khung hành động quốc gia về kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các trường học. Theo đó, các trường học, trung tâm giáo dục và chăm sóc trẻ em được xác định là loại hình dịch vụ cần được mở đầu tiên và đóng sau cùng trong bất kỳ tình huống phát sinh dịch bệnh nào.

Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng dịch để khôi phục du lịch

Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 20/1 thông báo nước này sẽ nối lại chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) kể từ ngày 1/2 tới, đồng thời áp dụng chương trình này đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ giới hạn ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ như trước đây.

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm ở chuột

Kết quả nghiên cứu mới công bố của một nhóm các nhà sinh vật học thuộc Đại học bang Georgia (Mỹ) cho thấy một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm qua đường hô hấp ở loài chuột hoang, không giống như chủng ban đầu được ghi nhận ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019.

Mỹ, Đức kêu gọi giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đối thoại

Ngày 20/1 tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Đức đã tiến hành hội đàm với trọng tâm là tình hình biên giới Nga - Ukraine.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Baerbock cho biết hai bên đã có cuộc trao đổi hiệu quả. Về vấn đề Ukraine, bà tiếp tục cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự.

Thủ tướng Barbados tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai

Ngày 20/1, Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau khi chính đảng mà bà đại diện giành được toàn bộ ghế lập pháp trong cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi đảo quốc Caribe này chính thức từ bỏ thể chế quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung và trở thành nước cộng hòa vào ngày 30/11/2021.

Nổ bom tại Pakistan làm ít nhất 2 người tử vong

Cảnh sát Pakistan cho biết ngày 20/1, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 26 người bị thương trong vụ nổ bom xảy ra tại quận Anarkali đông đúc của Lahore, thành phố lớn thứ hai của nước này.

Ít nhất 29 người bị thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại Liberia

Ngày 20/1, cảnh sát Liberia cho biết ít nhất 29 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra tại một sự kiện tôn giáo ở ngoại ô thủ đô Monrovia.

Nga đề xuất lệnh cấm hoàn toàn tiền điện tử

Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này, với lý do loại tiền này đe dọa ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ.

Theo Reuters, đề xuất này là động thái mới nhất nhằm vào tiền điện tử toàn cầu khi nhiều quốc gia từ châu Á đến Mỹ lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số do tư nhân vận hành có thể làm suy yếu quyền kiểm soát của chính phủ đối với các hệ thống tài chính và tiền tệ.

Bác sĩ Mỹ thực hiện thành công ca thứ hai ghép thận lợn cho người

Ngày 20/1, một nhóm bác sĩ của trường Y Heersink thuộc trường Đại học Alabama ở Birmingham (UAB, Mỹ) thông báo đã thực hiện thành công ca thứ hai ghép thận của lợn cho người. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ca ghép được tiến hành bên trong cơ thể của một người nhận đã chết não.

Virus nguy hiểm khiến thỏ chết hàng loạt ở Mỹ

Thỏ ở nhiều bang của Mỹ, cả thỏ hoang dã và thỏ nuôi, đang mắc một loại virus rất dễ lây lan gây bệnh xuất huyết. Căn bệnh này có thể gây tử vong cho khoảng 80% đến 100% con vật bị nhiễm bệnh. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), loại virus này có tên gọi RHDV2, không ảnh hưởng đến con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 21/1: Israel sẽ triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho trẻ em 5-11 tuổi