Pfizer sản xuất đại trà vaccine ngừa biến thể Omicron; Hãng Merck ký thỏa thuận cung cấp cho UNICEF 3 triệu liệu trình thuốc điều trị COVID-19; Israel muốn bãi bỏ thẻ xanh COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Pfizer sản xuất đại trà vaccine ngừa biến thể Omicron
Trang tin ECHO24.cz của Czech dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cuối tuần qua cho biết phiên bản cải tiến của vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 3/2022 và hãng đang triển khai sản xuất đại trà. Vaccine mới không chỉ ngừa biến thể Omicron mà còn cả những biến thể khác.
Hãng Merck ký thỏa thuận cung cấp cho UNICEF 3 triệu liều trình thuốc điều trị COVID-19
Ngày 18/1, hãng dược Merck & Co Inc và đối tác Ridgeback Biotherapeutics thông báo đã ký một thỏa thuận với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp cho cơ quan này 3 triệu liệu trình thuốc kháng virus molnupiravir điều trị bệnh COVID-19.
Theo thỏa thuận, Merck sẽ cung cấp thuốc molnupiravir cho UNICEF cho đến hết nửa đầu năm 2022 để cơ quan này phân phối cho trên 100 quốc gia có thu nhập thấp và vừa trên thế giới.
Malaysia tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine
Ngày 18/1, Bộ Y tế Malaysia (MOH) cho hay nước này đang tích cực triển khai việc tiêm mũi tăng cường song song với các hoạt động chuẩn bị triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi. MOH cũng đã cho phép các bậc phụ huynh đăng ký tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Bỉ thành lập lực lượng chuyên trách về phương pháp điều trị COVID-19
Trung tâm thẩm định về chăm sóc sức khỏe liên bang Bỉ (KCE) đã thành lập một lực lượng chuyên trách trị liệu, tập hợp các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực này để giúp các cơ quan chức năng định hướng và xác định các phương pháp điều trị COVID-19 phù hợp.
Phát hiện nhân tố di truyền gây mất khứu giác hoặc vị giác khi mắc COVID-19
Nghiên cứu về một nhân tố di truyền làm ảnh hưởng đến việc một người có khả năng mất khứu giác hoặc vị giác khi mắc COVID-19 hay không đã được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Theo nghiên cứu này, vị trí gene (locus) nằm gần hai gene UGT2A1 và UGT2A2 có liên quan đến việc tăng 11% nguy cơ mắc các triệu chứng trên sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
Mất mùi hoặc mất vị là các triệu chứng khác nhau của COCID-19, nhưng không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng mắc các triệu chứng này. Hiện chưa rõ các cơ chế gây ra các triệu chứng trên.
Israel muốn bãi bỏ thẻ xanh COVID-19
Ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Israel Avigdor Liberman đã kêu gọi chấm dứt việc sử dụng rộng rãi Thẻ Xanh (GreenPass) như một chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để được ra vào các địa điểm cố định.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Liberman khẳng định bản thân đang làm việc với "tất cả cơ quan chức năng" nhằm bãi bỏ quy định về GreenPass và "duy trì nhịp sống thường nhật cho tất cả người dân".
Indonesia kêu gọi người dân hạn chế hoạt động ngoài trời
Ngày 18/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã kêu gọi người dân nước này hạn chế các hoạt động ngoài trời nếu không có vấn đề khẩn cấp, đồng thời ưu tiên làm việc tại nhà.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các ca lây nhiễm biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Indonesia. Ngày 16/1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 1.054 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 14/10.
Nga: Moscow gia hạn quy định làm việc ở nhà
Chính quyền thành phố Moscow (Nga) ngày 18/1 thông báo gia hạn các quy định về làm việc ở nhà và bảo vệ người cao tuổi cho đến ngày 1/4.
Cuối tháng 10/2021, chính quyền Moscow áp đặt quy định yêu cầu những người từ 60 tuổi trở lên phải ở nhà trừ khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc phục hồi sau khi mắc bệnh. Chính quyền Moscow cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp cho ít nhất 30% nhân viên làm việc ở nhà. Các quy định này có hiệu lực tới cuối tháng 2 và sẽ được gia hạn tới ngày 1/4.
Australia huy động nhân viên y tế của các bệnh viện tư nhân
Chính phủ Australia vừa “kích hoạt” một thỏa thuận với hệ thống bệnh viện tư nhân, qua đó có thể huy động hơn 57.000 y tá và hơn 100.000 nhân viên của hệ thống này tham gia công tác phòng chống dịch trên khắp đất nước.
Thụy Điển bãi bỏ yêu cầu du khách trình giấy xét nghiệm âm tính
Ngày 18/1, Chính phủ Thụy Điển cho biết du khách sẽ không còn phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào nước này.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Thụy Điển nêu rõ: "Các du khách không còn bị coi là mối đe dọa ảnh hưởng tới sự lây lan của biến thể Omicron tại Thụy Điển".
Thái Lan xem xét nới lỏng hạn chế
Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ hạ mức cảnh báo dịch COVID-19 cũng như xem xét nới lỏng thêm các hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nêu rõ cảnh báo dịch COVID-19 sẽ được hạ từ mức 4 hiện nay xuống còn mức 3.
Nhà chức trách Thái Lan sẽ xem xét việc nới lỏng các hạn chế và mở cửa trở lại đất nước tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì vào ngày 20/1.
Nga hoan nghênh Mỹ tham gia giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine
Ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ hoan nghênh Mỹ tham gia nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Moscow đang đợi hồi âm từ Washington liên quan đến các yêu cầu an ninh mà Nga đề xuất với phương Tây trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán về Ukraine. Những yêu cầu này là nội dung cốt lõi trong 3 cuộc đàm phán riêng rẽ giữa Nga với Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ), với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) và đại diện của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo).
Campuchia và Singapore cam kết củng cố vai trò trung tâm của ASEAN
Thông cáo báo chí ngày 18/1 của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết Phó thủ tướng, Ngoại trưởng nước này Prak Sokhonn và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã tái khẳng định cam kết củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và khả năng phục hồi của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nghị viện châu Âu bầu bà Roberta Metsola làm tân chủ tịch
Ngày 18/1, các nghị sĩ châu Âu đã bầu bà Roberta Metsola làm tân chủ tịch của cơ quan lập pháp này.
Theo trang mạng DW của Đức, Nghị viện châu Âu (EP) bao gồm 705 ghế đã bầu luật sư, nghị sĩ theo đường lối bảo thủ người Malta Roberta Metsola làm chủ tịch mới, với 458 phiếu ủng hộ trên tổng số 616 phiếu bầu. Với kết quả phiếu bầu trên, bà Roberta Metsola đã trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của EP trong vòng 20 năm qua.
Hàn Quốc và Arab Saudi thảo luận tăng cường hợp tác song phương
Ngày 18/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Saudi Arabia và dự kiến có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman. Đây là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Moon Jae-in với chương trình nghị sự tập trung vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế.
Chính quyền Taliban nỗ lực giải quyết khủng hoảng kinh tế
Hãng thông tấn nhà nước Bakhtar của Afghanistan ngày 18/1 đưa tin chính quyền Taliban tại Afghanistan đã tiến hành một cuộc họp nội các, trong đó thảo luận về việc khảo sát trên bộ để thực hiện dự án đường sắt nối Uzbekistan, Afghanistan và Pakistan.
Nội các Afghanistan cũng chỉ thị cho Ủy ban Kinh tế nước này đánh giá về điều khoản và điều kiện mà các công ty nước ngoài đưa ra. Đây là những công ty sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực khí nén tự nhiên.
Cộng hòa Barbados sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên
Ngày 18/1, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Barbados Leslie Haynes tuyên bố đất nước đã sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 19/1.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của đảo quốc Caribe này kể từ khi chính thức từ bỏ thể chế quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung và trở thành nước cộng hòa vào ngày 30/11/2021.
CHDC Congo bắt giữ nghi can sát hại Đại sứ Italy
Ngày 18/1, chính quyền địa phương cho biết một số nghi phạm bị buộc tội liên quan đến cái chết của cựu Đại sứ Italy tại CHDC Congo, ông Luca Attanasio, hồi tháng 2 năm ngoái, đã bị bắt giữ.
Tại một cuộc họp báo, tướng Aba van Ang, tỉnh ủy viên của Cảnh sát Quốc gia CHDC Congo, đã đưa ra thông báo trên, bao gồm việc một số nghi phạm đã được đưa ra trình diện với chính quyền tỉnh, trước sự chứng kiến của báo giới ở Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu. Theo tướng Aba van Ang, thảm kịch có thể là một nỗ lực tấn công đòi tiền chuộc thất bại.
Hong Kong tiêu hủy hàng nghìn con chuột hamster
Ngày 18/1, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh tiêu hủy 2.000 con chuột hamster và cảnh báo chủ vật nuôi không được ôm hôn động vật.
Động thái này diễn ra sau khi các nhà chức trách phát hiện một số ca mắc biến thể Delta trong cộng đồng có liên quan đến cửa hàng thú cưng.
Microsoft mua Activision Blizzard với giá gần 69 tỷ USD
Ngày 18/1, công ty phần mềm Microsoft (Mỹ) thông báo đã trả 68,7 tỷ USD để mua lại "gã khổng lồ" trò chơi điện tử Activision Blizzard trong nỗ lực củng cố lĩnh vực này.
Thương vụ trên được xem lớn nhất trong thị trường video game tính tới thời điểm hiện tại, đồng thời biến Microsoft thành tập đoàn game lớn thứ ba xét trên doanh thu, chỉ đứng sau Tencent và Sony.
Tonga xác nhận thiệt hại lớn về người và tài sản do núi lửa phun trào gây sóng thần
Ngày 18/1, Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này ngày 15/1.
Trong báo cáo cập nhật chính thức đầu tiên về hậu quả của thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần, văn phòng Thủ tướng Tonga xác nhận 3 người đã thiệt mạng, trong đó có 1 công dân Anh, và một số người bị thương. Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà còn đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn.