Tin vắn thế giới ngày 11/3: Thuốc trị COVID-19 Strovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc

Bạch Dương| 11/03/2022 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nga khẳng định tiếp tục xuất khẩu năng lượng; WHO cảnh báo virus gây bệnh COVID-19 tiếp tục biến đổi; Thuốc trị COVID-19 Strovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Nga khẳng định tiếp tục xuất khẩu năng lượng

Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được truyền hình trực tiếp ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow là không hợp pháp.

Dù vậy, ông Putin nhấn mạnh Moscow vẫn đang tôn trọng tất cả những nghĩa vụ cung cấp năng lượng, thậm chí cả hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt qua Ukraine cũng vận hành 100% công suất như hợp đồng.

tong_thong_putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách nhằm tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ

Ngày 9/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 10/3 giờ Việt Nam), các nghị sĩ Mỹ đã ký thông qua gói chi tiêu 1.500 tỷ USD cho các cơ quan liên bang, ngay trước thời hạn chót Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì hết ngân sách. Trong gói ngân sách có khoản viện trợ trị giá gần 14 tỷ USD dành cho Ukraine.

Hạ viện đã bật đèn xanh cho kế hoạch chi tiêu đến tháng 9/2022, chỉ 42 giờ trước hạn chót là đêm 11/3 theo giờ Mỹ, thời điểm quỹ chi cho chính phủ cạn kiệt. Khoản chi này sẽ cần được Thượng viện phê chuẩn trước khi trở thành luật.

Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng để ổn định thị trường trong nước

Ngày 10/3, Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị nước ngoài đến cuối năm 2022.

Theo chỉ thị do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ban hành, danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện. Tổng cộng hơn 200 mặt hàng đã được đưa vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu, bao gồm cả toa xe lửa, container, tua-bin và các hàng hóa khác.

G7 nhất trí đa dạng hóa nguồn cung năng lượng

Ngày 10/3, các bộ trưởng năng lượng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, tại một cuộc họp trực tuyến, các bộ trưởng G7 cũng chung quan điểm rằng cần phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng điện hạt nhân. Ông Hagiuda cũng cho hay các nước thành viên G7 sẽ đưa ra những thay đổi để việc phát triển năng lượng hạt nhân đạt hiệu quả hơn.

Nga kêu gọi Mỹ công khai thông tin về thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine

Moscow cho rằng Mỹ cố tình hủy các bằng chứng về nghiên cứu sinh học ở Ukraine, khiến việc kiểm tra gặp khó khăn.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova, những chương trình nghiên cứu, vật liệu sinh học của Mỹ, đặc biệt được sử dụng cho mục đích quân sự, đã được tìm thấy ở Ukraine. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng thế giới cần biết Mỹ định làm gì ở Ukraine, mục tiêu là gì và đã đầu tư bao nhiêu vào các hoạt động sinh học của Ukraine.

Hungary có nữ tổng thống đầu tiên

Ngày 10/3, Quốc hội Hungary đã bầu cựu Bộ trưởng phụ trách chính sách về gia đình, bà Katalin Novak, làm tổng thống mới của nước này. Đây là lần đầu tiên Hungary có nữ tổng thống.

Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu cùng ngày tại Quốc hội, bà Novak đã nhận được 137 phiếu thuận và 51 phiếu chống, qua đó giành chiến thắng trước đối thủ Peter Rona, một nhà kinh tế học. Như vậy, bà Novak sẽ thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Janos Ader và đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm tới.

LHQ kêu gọi bảo đảm quyền lợi của người dân Nga trước các lệnh trừng phạt

Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người dân nước này.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng các biện pháp trừng phạt Nga gây cản trở việc vận chuyển vaccine ngừa COVID-19, ông Dujarric nói: "Quan điểm của LHQ là các biện pháp trừng phạt cần tránh gây tổn hại cho người dân".

WHO cảnh báo virus gây bệnh COVID-19 tiếp tục biến đổi

Đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định này, gần hai năm sau khi lần đầu tiên ông sử dụng cụm từ “đại dịch” để cảnh báo thế giới về mối đe dọa ngày càng tăng từ COVID-19.

Australia tăng chi 1,4 tỷ USD chống lại sự lây lan của biến thể Omicron và cúm mùa

Chính phủ Australia sẽ chi thêm 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) để tăng cường sự chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm bệnh COVID-19 biến thể Omicron có khả năng lan rộng trong mùa Đông sắp tới ở nước này, trùng với thời điểm mùa dịch cúm nghiêm trọng đã được dự báo sẽ xuất hiện.

Dự kiến Nội các Australia sẽ nhóm họp trong ngày 11/3, để xem xét kế hoạch đối phó với virus SAR-CoV-2 vào mùa Đông, cũng như tìm giải pháp ngăn ngừa dịch cúm, với trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 và tiêm phòng cúm sẽ bắt đầu trong vòng vài tuần tới.

Thuốc trị COVID-19 Strovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc

Các nhà virus học Australia đã phát hiện thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab có thể khiến virus SARS-CoV-2 hình thành các đột biến kháng thuốc.

Theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab đã được công bố trên Tạp chí Y khoa New England hôm 10/3. Phát hiện mới là kết quả phân tích 100 bệnh nhân đầu tiên sử dụng loại thuốc này ở phía tây Sydney trong đợt bùng phát biến thể Delta vào năm 2021.

1003-sotrovimab.jpg
Thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab. Ảnh: PA

Pfizer thử nghiệm thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 cho nhóm từ 6 - 17 tuổi

Ngày 9/3, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 đối với Paxlovid - thuốc kháng virus dạng uống điều trị COVID-19 - cho nhóm đối tượng từ 6 đến 17 tuổi.

Theo thông báo của hãng, cuộc thử nghiệm sẽ đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc Paxlovid ở trẻ em có các triệu chứng COVID-19 nhưng mức độ nhẹ và không phải nhập viện hay có nguy cơ bệnh trở nặng.

Cuba chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong đại dịch COVID-19

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel và các chuyên gia trong lĩnh vực nói trên đã cùng thẩm tra kết quả của một nghiên cứu liên quan được thực hiện tại bệnh viện nhi Borrás-Marfán ở thủ đô La Habana nhằm điều tra tác động của đại dịch COVID-19 đối với quá trình phát triển thần kinh của trẻ em.

Các cuộc thăm dò gần đây chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã hạn chế cơ hội phát triển toàn diện về nhân cách của trẻ em, do ít được tham gia vào các hoạt động như vui chơi, học tập và có các tương tác xã hội với bạn bè cùng trang lứa.

Đức gỡ bỏ hầu hết quy định phòng dịch từ ngày 20/3

Từ ngày 20/3, Đức sẽ gỡ bỏ hầu hết quy định phòng chống dịch COVID-19 và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và xét nghiệm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện.

Tuy nhiên, mỗi bang vẫn có thể áp đặt “các biện pháp điểm nóng” trong một số điều kiện nhất định như số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh hoặc nếu một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện. Theo đó, các biện pháp chống dịch có thể được tái áp đặt tại các địa điểm công cộng hoặc chỉ cho phép những người đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính được vào.

Mỹ thông báo viện trợ nhân đạo bổ sung cho Ukraine

Ngày 10/3, trong chuyến công du tới Ba Lan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ cung cấp gần 53 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Khoản tài trợ này sẽ được ưu tiên dành cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc để cung cấp thực phẩm cho những người ở Ukraine đang phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước hoặc các nước khác. Ngoài ra, khoản tài trợ bổ sung cũng cung cấp thêm vật tư y tế, chăn và các nhu yếu phẩm khác.

Nghị viện châu Âu thông qua luật chấm dứt chương trình cấp 'hộ chiếu vàng'

Ngày 9/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua một dự luật không mang tính ràng buộc, theo đó yêu cầu chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng" cấp quốc tịch Liên minh châu Âu (EU) cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài.

Các nghị sĩ EP cũng yêu cầu áp dụng các quy định trên toàn EU về cấp "thị thực vàng" - loại thị thực cho phép định cư áp dụng theo cùng một nguyên tắc đối với việc cấp "hộ chiếu vàng".

112520-my-ho-chieu.jpg
EP cũng yêu cầu áp dụng các quy định trên toàn EU về cấp "thị thực vàng". Ảnh minh họa: Getty Images

Anh đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho người Ukraine

Ngày 10/3, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel tuyên bố đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho những người Ukraine đủ điều kiện nhằm đẩy nhanh quá trình cấp thị thực cho người tị nạn đến từ nước này.

Theo quy định mới, từ ngày 15/3, những người đủ điều kiện xin thị thực "đoàn tụ gia đình" ở Anh (là những người có họ hàng gần sống tại Anh) và có hộ chiếu có thể đăng ký xin thị thực trực tuyến thay vì phải trực tiếp đến trung tâm cấp thị thực để cung cấp thông tin sinh trắc học.

Ba Lan hỗ trợ miễn phí vé tàu cho người sơ tán từ Ukraine đến Đức

Ngày 10/3, công ty đường sắt Ba Lan PKP thông báo miễn phí vé tàu cho người Ukraine đến Đức. Theo thông báo từ PKP, từ ngày 9/3, người Ukraine có thể đi tàu miễn phí vé hạng 2 nếu lên 9 tuyến tàu nối các thành phố của Ba Lan gồm Vacsava, Przemysl và Gdynia tới thủ đô Berlin và Frankfurt của Đức.

Mỹ hoàn tất hướng dẫn an toàn cho phép dòng máy bay Boeing 777 hoạt động trở lại

Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 9/3 cho biết đang hoàn tất 3 hướng dẫn an toàn cho dòng máy bay Boeing 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney 4000 để cho phép các máy bay này được bay trở lại sau thời gian tạm ngừng bay từ năm ngoái.

Giá xăng tăng cao, người đi xe máy tại Pháp trộn thêm cồn để tiết kiệm

Dẫn bài viết đăng trên báo Pháp Le Monde, đài Sputnik đưa tin giá nhiên liệu vượt qua mức 2 euro/lít tại nhiều khu vực trên nước Pháp đã khiến một số người dân bắt đầu trộn xăng với cồn ethanol như một cách để tiết kiệm tiền.

Sophie - một người bán hàng tại trạm xăng ở thành phố Blois – cho hay cách pha chế này phổ biến đối với những người lái xe trẻ. Mặc dù việc trộn xăng với cồn có thể khiến máy móc của xe gặp trục trặc nhỏ song những người áp dụng cách pha chế này giải thích giá sửa hoặc thay các bộ phận đó “không quá đắt”.

Hàng trăm người sơ tán do núi lửa phun trào tại Indonesia

Ngày 10/3, giới chức Indonesia cho biết hơn 250 người đã phải khẩn trương sơ tán khi núi lửa Merapi phun trào những đám mây tro bụi nóng khiến bầu trời đỏ rực và dung nham chảy tràn xuống sườn núi.

Theo Cơ quan quản lý và giảm nhẹ thảm họa quốc gia của Indonesia, núi lửa Merapi đã phun trào vài lần trong đêm, phun khí ga, tro bụi và đá cách miệng núi lửa hơn 5km. Những đám mây và khói nóng bốc lên bầu trời tại nhiều khu vực của đảo Java đông dân cư, gần thủ đô văn hóa Yogyakarta của Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 11/3: Thuốc trị COVID-19 Strovimab có thể hình thành đột biến kháng thuốc