Quốc hội khóa XIII – Dấu ấn lịch sử

Nguyễn Cường| 27/11/2015 21:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quốc hội khóa XIII đến thời điểm chiều 27/11 đã hoàn thành Kỳ họp thứ 10, đồng thời đi gần hết chặng đường của nhiệm kỳ, với những kết quả ấn tượng, để lại dấu ấn lịch sử.

Mười kỳ họp diễn ra rất sôi động với các phiên thảo luận “nóng nghị trường” mà dư âm của nó lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, mang lại cho cử tri niềm tin về một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đặc biệt, một điểm mới so với những kỳ họp của các khóa, đó là tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với tất cả các thành viên Chính phủ và kể cả đối với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Phiên chất vấn đã để lại dấu ấn được cử tri cả nước ghi nhận… Sau đây là những chia sẻ, đánh giá của các đại biểu về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. 

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Quốc hội khóa XIII đến nay đã tiến hành được 10 kỳ họp và đi gần hết chặng đường của nhiệm kỳ. Quốc hội khóa XIII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Nổi bật là số lượng văn bản pháp luật được thảo luận sôi nổi, kỹ càng và thông qua rất nhiều. Cùng với đó, công tác giám sát được thể hiện một cách đầy đủ, bằng việc ban hành nghị quyết về giám sát. “Việc ra nghị quyết của từng kỳ họp đã thể hiện tính chất của hậu giám sát và giám sát đến cùng để giải quyết các vấn đề” - đại biểu nhấn mạnh. 

Nhưng điều đại biểu tâm đắc và đã ghi dấu ấn lịch sử của nhiệm kỳ khóa XIII, chính là Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013. “Tôi rất nhớ hình ảnh khi Hiến pháp mới được thông qua, đó là tất cả các đại biểu có mặt trong hội trường không ai bảo ai nhưng đều đứng dậy vỗ tay. Cá nhân tôi lúc đó cảm thấy rất xúc động, vì mình đã tham gia với vai trò đại biểu Quốc hội mà không phải ai cũng có cơ hội như vậy. Tôi đã góp phần thông qua một văn bản có tính pháp lý cao nhất. Một bản Hiến pháp rất coi trọng quyền con người” - đại biểu Hải chia sẻ. 

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một điều nữa đại biểu Nguyễn Thanh Hải rất ấn tượng, đó là cách tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 10. Theo đại biểu, hình thức này đã tổng quát lại được toàn bộ những vấn đề của 10 kỳ họp và đại biểu được chất vấn các vị “Tư lệnh” ngành đến cùng cũng như truy nguyên nhân tại sao chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 10 này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và chuyển giao nghị quyết đó cho Quốc hội khóa XIV. Căn cứ vào đó, các đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục hành trình giám sát, chất vấn để nâng cao hơn nữa hoạt động của Chính phủ và vai trò giám sát của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội. Điều này thể hiện việc giám sát, chất vấn giải quyết ý kiến của đại biểu Quốc hội hoàn toàn không bị đứt đoạn và tinh thần giám sát, chất vấn không có nhiệm kỳ. 

Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn một số vấn đề, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề này đã được đặt lên bàn của nghị trường nhiều lần, nhưng đến nay chưa có chuyển biến rõ rệt. Đại biểu mong rằng, Quốc hội khóa XIV tới đây sẽ tiếp tục giám sát, chất vấn để có hành lang pháp lý hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đánh giá cao Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này thực sự đổi mới và có nhiều cải tiến. Trong lịch sử chưa có nhiệm kỳ nào ngay từ kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã ra nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội. Đây là một quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận được sự đồng tình cao từ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Quả thật với một khối lượng công việc khá đồ sộ, nhưng Quốc hội khóa XIII đã thực hiện và hoàn thành tốt. “Tôi cho rằng quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội ngay từ ban đầu là rất phù hợp. Do đó, Quốc hội khóa này đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt việc sửa đổi và thông qua Hiến pháp mới. Một bản Hiến pháp có tầm vóc, với khá nhiều điểm đổi mới, cởi mở, đặc biệt quy định rõ về quyền con người. Bên cạnh đó, những bộ luật liên quan đến Hiến pháp đã được thảo luận và biểu quyết thông qua” - đại biểu chia sẻ. 

Đề cập đến vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng, Quốc hội khóa XIII là giai đoạn kinh tế thế giới và Việt Nam rất khó khăn. Với tư cách là cơ quan quyết định những vấn đề của đất nước, Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm của mình, bằng việc đưa ra những nghị quyết rất phù hợp và có sự điều chỉnh linh hoạt trong từng năm. 

Nói đến công tác tổ chức kỳ họp, đại biểu khẳng định, hình thức hoạt động của Quốc hội ngày càng phong phú. Đa số đại biểu có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ trước cử tri. Các đại biểu đã tham gia góp ý, thảo luận, chất vấn hăng hái và chất lượng rất tốt; đã thể hiện được chính kiến của mình đối với những vấn đề Quốc hội bàn bạc và quyết định. Nhiều nội dung quan trọng của đất nước đã được các đại biểu thảo luận, góp ý kỹ lưỡng. “Quốc hội khóa XIII có một nhiệm kỳ thành công. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn được tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước; từ góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đến các đạo luật, vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi cũng đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của cử tri tỉnh Nam Định nói riêng, cả nước nói chung” - đại biểu bộc bạch. 

Chia sẻ quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) cho rằng: nét nổi bật của Quốc hội khóa XIII là chương trình làm luật với khối lượng công việc lớn nhưng đã có những đổi mới. Bên cạnh đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã được thảo luận một cách thấu đáo và có sự phản biện xã hội. Nhất là, các vấn đề đầu tư công, phát triển nguồn lực, hội nhập kinh tế… Đây là nền tảng cho nhiệm kỳ tới.
 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội khóa XIII – Dấu ấn lịch sử