Trong nền tư pháp hiện đại, Thẩm phán không chỉ là người cầm cân nảy mực để đưa ra những phán quyết công bằng, mà còn đóng vai trò như một sứ giả hòa bình – người gắn kết, dung hòa và tìm kiếm giải pháp ổn thỏa nhất cho các bên tranh chấp. Chương trình "Niềm tin Công lý” số 10 sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn rõ nét hơn về vấn đề này.
Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, với sự hỗ trợ của Thẩm phán hoặc Hòa giải viên. Đặc biệt trong các vụ việc dân sự, nhất là hôn nhân và gia đình, hòa giải giúp các bên giảm bớt mâu thuẫn và hướng họ đến những giải pháp ít tổn thương nhất.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hòa giải trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là khâu bắt buộc trước khi đưa vụ việc ra xét xử. Bên cạnh đó, đây cũng là một công cụ giúp bảo vệ các giá trị đạo đức và truyền thống gia đình. Khoản 2, Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, nêu rõ: “Việc hòa giải phải bảo đảm tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không trái pháp luật và đạo đức xã hội”.
Sau khi đã thụ lý yêu cầu ly hôn, Toà án tiếp tục tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Những thủ tục pháp lý bắt buộc như vậy khiến các bên nhìn nhận lại nhiều hơn về mối quan hệ. Từ đó cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến cả tương lai của rất nhiều người.
Trong các vụ án ly hôn, tranh chấp về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau ly hôn, việc hòa giải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi khi bước vào vòng tranh tụng, ngoài hai vợ chồng thì con cái, gia đình hai bên đều chịu nhiều tổn thương về tinh thần.
Hòa giải lúc này như một phương pháp để cứu vãn tình thế dựa trên việc giúp các bên hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Trong nhiều trường hợp, sau khi được Thẩm phán hoặc Hòa giải viên phân tích, tư vấn, các cặp vợ chồng đã suy nghĩ thấu đáo hơn và quyết định hàn gắn.
Còn với những cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, hòa giải giúp quá trình chia tay diễn ra trong sự tôn trọng và ít tổn thương nhất. Đặc biệt, khi có con nhỏ, Thẩm phán sẽ hướng dẫn các bên đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu, tránh để trẻ rơi vào hoàn cảnh bị kéo vào những cuộc chiến pháp lý dài lê thê và làm tổn thương hơn nỗi đau không có được gia đình trọn vẹn.
Điều này buộc người Thẩm phán ngoài việc đưa ra các quy định pháp luật thì còn phải lắng nghe, thấu hiểu, từ đó giúp các bên tìm ra giải pháp nhân văn nhất. Họ như những "sứ giả hòa bình” để giúp các bên tìm được tiếng nói chung. Thực tế cho thấy, có những vụ việc mà nếu chỉ dựa vào lý lẽ pháp luật cứng nhắc, có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài. Nhưng nhờ vào sự tận tâm, kinh nghiệm và cách tiếp cận đầy nhân văn, các Thẩm phán đã giúp nhiều cặp vợ chồng tìm được hướng đi ít tổn thương nhất.
Khác với các vụ án hình sự, nơi pháp luật chủ yếu nhằm trừng phạt và răn đe, các vụ án dân sự tập trung vào việc giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân hoặc tổ chức nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên. Nếu không được xử lý khéo léo, các vụ kiện dân sự có thể kéo dài, gây mất đoàn kết, làm suy giảm niềm tin vào công lý. Việc hoà giải đã giúp các bên đạt được thỏa thuận có lợi nhất, hạn chế những mâu thuẫn không cần thiết.
Từ đó dẫn đến những phán quyết vừa đảm bảo việc công lý được thực thi. Quan trọng hơn là tạo sự hài hoà về tính nhân văn. Để rồi sau tất cả, các bên vẫn có thể tiếp tục cuộc sống mà không mang nặng tổn thương hay hận thù.
Nhưng cũng chính vì vậy, áp lực vô hình lại được đặt lên vai các Thẩm phán. Nơi đòi hỏi họ nắm chắc luật pháp, nhưng vừa phải có sự linh hoạt và tinh tế trong từng vụ án. Họ luôn phải mang chiếc đầu lạnh cùng với đó là trái tim ấm áp. Khả năng giao tiếp, phân tích tâm lý và sự kiên nhẫn trong việc lắng nghe cũng đặc biệt quan trọng.
Đối với các vụ án dân sự, mỗi hoàn cảnh, mỗi tranh chấp đều có những yếu tố riêng biệt, nếu chỉ áp dụng pháp luật một cách máy móc, cứng nhắc thì khó có thể đạt được sự công bằng thực sự. Những Thẩm phán - người hiện thân của công lý, nhưng công lý không chỉ là phán quyết mà còn là sự cảm thông, nhân văn và hướng tới hòa bình. Một xã hội văn minh không chỉ cần nhiều bản án nghiêm khắc mà là nơi các tranh chấp được giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không làm tổn thương những mối quan hệ vốn có.
Những góc nhìn, cách đánh giá của các chuyên gia, hoà giải viên cũng là Nguyên Thẩm phán trong chương trình “Niềm tin Công lý” sẽ giúp khán giả được tiếp cận vấn đề trên ở góc độ đầy đủ và trực quan nhất. Từ đó giúp khán giả hiểu rõ hơn về sứ mệnh cao cả của Thẩm phán – những người bảo vệ công lý và mang đến sự nhân văn, hòa giải trong từng phiên tòa.
Những "sứ giả hòa bình" của ngành tư pháp Việt Nam vẫn đang ngày đêm tận tâm, gìn giữ niềm tin, để mỗi quyết định đưa ra đúng người, đúng luật và thấm đượm giá trị con người. Chương trình “Niềm Tin Công Lý” số 10 (phát sóng lúc 22 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 4/2/2025, trên Kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam).