Tháng 7, cả nước hướng về Ngày Thương binh-Liệt sĩ, hướng về những người lính đã anh dũng hiến dâng cuộc đời hay một phần máu thịt của mình cho Tổ quốc, cho độc lập, tự do của dân tộc. Tên tuổi, chiến công và sự hy sinh của họ sẽ mãi mãi được khắc ghi.
Tháng 7, từ khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, dòng người đổ về các nghĩa trang Liệt sĩ dường như bất tận. Sự xúc động, nghẹn ngào trong lòng mỗi người không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa mà còn là sự khâm phục, lòng biết ơn sâu sắc với một niềm tin "các Liệt sĩ chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân".
Miền Tây Gia Lai dịp này mưa rơi nặng hạt, cùng với đó là hơi lạnh của những cơn gió ùa về, vậy nhưng hàng trăm, hàng nghìn người từ khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S, vẫn hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), nơi gần 2.000 Anh hùng Liệt sĩ được an táng và yên nghỉ sau những lần được quy tập trên địa bàn 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Ngày 22/7, Ban Vận động thành lập Liên hiệp Cựu quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Campuchia, phối hợp cùng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 29, Sư đoàn 968 và các đơn vị hữu quan đã tổ chức Lễ tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do cho đất nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ.
Với tấm lòng thành kính, đoàn đại biểu đã dâng hương, dâng hoa và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước.
Ngược dòng lịch sử, trong công cuộc đấu tranh gian khổ để giành độc lập của dân tộc, chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh, rất nhiều người lính đã anh dũng hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc. Họ đã hy sinh sự sống hoặc một phần thân thể của mình cho Tổ quốc; hy sinh nghĩa vụ gia đình, hạnh phúc bản thân cho độc lập dân tộc; để lại những người con, người vợ, người mẹ; để lại những giọt nước mắt, nỗi đau tột cùng cho những người thân.
Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, ông Võ Văn Thanh (60 tuổi, trú tại Đà Nẵng), cho biết để có mặt đúng giờ tham dự Lễ tri ân cho các Anh hùng Liệt sĩ, ông cùng đoàn cựu chiến binh từ Đà Nẵng di chuyển tới xã Đức Cơ trước đó một ngày. Bản thân ông rất vui khi được gặp lại đồng đội từ khắp nơi trở về để ôn lại những kỷ niệm hào hùng, đồng thời cũng nghẹn ngào xúc động khi cầm trên tay những nén hương thơm thắp lên mộ của những đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ông Thanh bồi hồi, xúc động: “Là những người lính may mắn sống sót sau những cuộc chiến ác liệt năm xưa, chúng tôi luôn tự hào về những người anh em, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả, bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi sẽ luôn sống có trách nhiệm đối với người thân của đồng đội cũng như với những người lính đã ngã xuống. Hy vọng lớp trẻ hiện tại cũng như sau này sẽ hiểu được những công lao to lớn mà thế hệ trước đã anh dũng hy sinh, để sống có lý tưởng, có trách nhiệm, tiếp bước cha ông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, tươi đẹp, ngày càng ấm no, phồn thịnh”.
Chia sẻ tại buổi lễ, Trung tá Lê Xuân Trọng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Ban vận động Liên hiệp quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam-Lào-Campuchia tại Việt Nam; Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 29 Sư 307, Sư 968 tại Tuyên Quang, bày tỏ: “Khi nhớ về những năm tháng chiến tranh đã đi qua, tôi không thể quên những đồng đội đã hy sinh, những người đã nằm lại trên khắp nẻo chiến trường. Họ là những anh hùng, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hy sinh vì nghĩa lớn, vì tình hữu nghị quốc tế cao cả, bền chặt của ba nước Đông Dương”.
Trung tá Trọng, còn nhấn mạnh: “Họ không chỉ là đồng đội mà còn là những người anh em, những người bạn, những người đã cùng tôi chiến đấu vì tình hữu nghị, vì độc lập tự do. Trong khoảnh khắc lặng lòng, khi khói hương trầm nghi ngút phảng phất lên không trung, tôi cùng những người đồng đội cầu nguyện cho linh hồn các Liệt sĩ được siêu thoát, an yên nơi miền tịnh cảnh. Tôi không chỉ nhớ về các Liệt sĩ với nỗi đau, mà còn là sự biết ơn sâu sắc tận đáy lòng. Chúng tôi không quên! Dân tộc không quên! Tình nghĩa đồng đội đồng bào không bao giờ lãng quên công ơn lớn lao của các Anh hùng Liệt sĩ!”.
Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa” nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) tiếp tục phát huy, lan tỏa, là nét đẹp nhân văn sâu sắc của người Việt. Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tặng quà các cựu chiến binh, thanh niên xung phong từng chiến đấu tại chiến trường Lào và Campuchia, các gia đình chính sách tại xã Đức Cơ.
Tháng 7 lịch sử, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tri ân, thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước sẽ tiếp tục được lan tỏa để tưởng nhớ, tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như tri ân những thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.