Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Vũ Ba - Phạm Thương| 15/12/2020 16:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 15/12/2020, tại Hải Phòng, TANDTC tổ chức Hội nghị Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du tham dự và phát biểu tại Hội nghị. 

Cùng dự Hội nghị có ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - TANDTC; bà Sitara Seyed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam và gần 60 đại biểu là Thẩm phán đại diện cho các TAND các địa phương khu vực phía Bắc.

tap.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện công tác xét xử. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Xét xử là công việc khó khăn, vất vả, tiềm ẩn sự nguy hiểm. Nếu không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực thì Thẩm phán sẽ không hoàn thành được trọng trách của mình. Hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người”, do đó Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người.

Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Toà án. Vì vậy, Thẩm phán phải xem xét đánh giá sự việc một cách cẩn trọng trên cơ sở quy định của pháp luật, bảo đảm ra bản án thấu tình đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, ngày 4/7/2018, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử Thẩm phán. Bộ quy tắc này đã quy định cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi Thẩm phán không được làm hoặc phải tránh để đảm bảo sự liêm chính, là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với Thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Bởi vậy, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là một chuẩn mực mà tất cả Thẩm phán trong hệ thống Tòa án Việt Nam phải tuân thủ.

tap2.jpg
Bà Sitara Seyed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du chia sẻ: Buổi tập huấn sẽ giới thiệu thông  tin, quán triệt những yêu cầu, trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ Tòa án khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Thông qua Hội nghị này, Phó Chánh án TANDTC bày tỏ sự cảm ơn đối với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ TANDTC trong thời gian qua, đặc biệt đã giúp TANDTC thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án thông qua Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE).

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã chia sẻ, giới thiệu tổng quan kinh nghiệm quốc tế về quy tắc đạo đức tư pháp gồm: Một số nguyên tắc, mạng lưới về đạo đức tư pháp; giới thiệu Bộ quy tắc đạo đức tư pháp của một số nước như Hoa Kỳ, Singapore, Israen… Các đại biểu cũng được nghe ông Nguyễn Văn Vụ, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III phổ biến, diễn giải về việc thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

tap3.jpg
Ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giới thiệu tổng quan kinh nghiệm quốc tế về quy tắc đạo đức tư pháp.

Tại Hội nghị, cùng việc thuyết trình, diễn giải của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III, các Thẩm phán và đại biểu đã tham gia thảo luận, trình bày ý kiến sôi nổi, góp phần mang đến thành công cho Hội nghị Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

tap4.jpg
Toàn cảnh hội nghị.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán