Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC: Chất lượng giải quyết các vụ án lao động của Tòa án các cấp đã có chuyển biến rõ rệt

Trần Minh Giang| 28/02/2014 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa Lao động TANDTC được thành lập và hoạt động từ năm 1996 đến nay. Hiện tại, Tòa Lao động có 16 cán bộ, công chức đều có trình độ đại học (trong đó có hai Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ Luật).

Với đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao, trong năm vừa qua Tòa Lao động luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Phóng viên Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC để hiểu rõ hơn về hoạt động của đơn vị.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC: Chất lượng giải quyết các vụ án  lao động của Tòa án các cấp đã có  chuyển biến rõ rệt

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC

Phóng viên: Là một Tòa chuyên trách thuộc TANDTC, Tòa Lao động thực hiện nhiệm vụ ở những lĩnh vực nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Tòa Lao động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc về lao động và thực hiện Thông báo số 291/TB-TCCB ngày 11/7/2008 của Chánh án TANDTC phân công thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ, việc về hôn nhân gia đình; kiểm tra tính có căn cứ hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc đơn đề nghị của cá nhân đề nghị xem xét đối với bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong trường hợp vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật thì ban hành văn bản trả lời đơn cho người yêu cầu hoặc thông báo cho cơ quan, tổ chức có  văn bản thông báo biết. Khi phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có vi phạm, sai lầm nghiêm trọng về thủ tục, trong áp dụng pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó thì đề xuất với Chánh án TANDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ngoài ra, Tòa Lao động còn thực hiện nhiệm vụ trao đổi nghiệp vụ nhằm giải đáp những vướng mắc mà Tòa án các cấp yêu cầu; phối hợp với Trường cán bộ Tòa án tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử những vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trực tiếp ký văn bản trả lời hoặc dự thảo các văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức để lãnh đạo TANDTC ký văn bản trả lời. Thông qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm phát hiện các sai sót trong quá trình giải quyết các yêu cầu, tranh chấp lao động, hôn nhân và gia đình của Tòa án các cấp; phát hiện các vướng mắc trong thực tiễn xét xử để phối hợp với Viện Khoa học xét xử đề xuất với Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Chánh án TANDTC.

Phóng viên: Ông có nhận xét gì về các vụ án lao động trong thời gian qua?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Nhà nước nên tình hình tranh chấp lao động có diễn biến phức tạp; số lượng án lao động mà Tòa án các cấp đã thụ lý giải quyết tăng nhanh và nhiều nhất từ trước đến nay. Tranh chấp lao động xảy ra tập trung chủ yếu ở các địa phương có kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và kỷ luật sa thải vẫn là những loại tranh chấp chủ yếu; nhiều vụ án có nội dung tranh chấp phức tạp, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hoặc thay đổi cơ cấu công nghệ, phải cho nhiều người lao động thôi việc nên xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, tình hình tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng tăng và đang là một vấn đề phức tạp có nhiều vướng mắc về mặt tố tụng đã đặt ra không ít khó khăn cho Tòa án các cấp.

Phóng viên: Vậy ông có đánh giá như thế nào về chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án lao động?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Tuy số lượng án lao động tăng nhiều, trong đó có nhiều vụ án thuộc trường hợp nội dung tranh chấp phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, nhưng lãnh đạo Tòa án các cấp đã có rất nhiều cố gắng tập trung chỉ đạo, giải quyết trong thời hạn luật định. Các Thẩm phán khi được phân công giải quyết các vụ án đã tích cực nghiên cứu, chủ động trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan để bảo đảm giải quyết vụ án được đúng pháp luật. Đánh giá tổng thể thì chất lượng giải quyết các vụ án lao động của Tòa án các cấp trong năm 2013 đã có chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án lao động, hôn nhân và gia đình trong năm qua vẫn còn nhiều sai sót, thậm chí là nghiêm trọng phải kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, hủy án để xét xử lại. Nguyên nhân chủ quan, do một số Thẩm phán chưa tích cực nghiên cứu, trau dồi kiến thức và kỹ năng giải quyết các vụ án lao động. Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về giải quyết án lao động cho các Thẩm phán ở một số nơi còn chưa được quan tâm. Thông qua việc thực hiện công tác giám đốc thẩm thì những sai sót phổ biến còn tồn tại là: Thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, áp dụng pháp luật không đúng quy định của Bộ luật Lao động, xác định tư cách đương sự chưa đúng...

Phóng viên: Đâu là nguyên nhân khách quan, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động mới, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, thay thế Bộ luật Lao động năm 1994 và các Luật sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007. Ngày 10/5/2013, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn các quy định của Bộ luật Lao động mới. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, đối với cả luật cũ và luật mới còn có nhiều bất cập; một số quy định còn chung chung, chưa được hướng dẫn kịp thời hoặc chưa đầy đủ, tình trạng đó gây ra khó khăn không nhỏ đến việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án tại Tòa án các cấp; tranh chấp về tài sản trong các vụ án về hôn nhân và gia đình có rất nhiều quan hệ đan xen cần phải giải quyết, đặc biệt tranh chấp về bất động sản, nguồn gốc về tài sản của các đương sự được hình thành từ nhiều nguồn như thừa kế, tặng, cho, mua bán… nhưng các đương sự không tuân thủ các thủ tục quy định; hướng dẫn giải quyết tranh chấp này chưa được cụ thể, nên cũng có rất nhiều vướng mắc và cách giải quyết của các Tòa án còn khác nhau chưa được thống nhất.

Phóng viên: Với khối lượng công việc rất lớn, vậy Tòa Lao động đã có biện pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo TANDTC giao cho?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Mặc dù số lượng biên chế của Tòa Lao động còn thiếu, khối lượng công việc nhiều, nhưng đơn vị đã cố gắng, nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo đơn vị luôn tìm cách đổi mới tạo ra một môi trường đoàn kết, làm việc hăng say, hiệu quả; thường xuyên cải tiến phương pháp làm việc, có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng tờ trình để nâng cao chất lượng thụ lý, giải quyết các loại án thuộc thẩm quyền giải quyết. Toàn đơn vị đẩy mạnh các phong trào thi đua chủ đề xuyên suốt là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong quá trình thi đua, hàng tháng lãnh đạo Tòa Lao động tổ chức rút kinh nghiệm, trao đổi ý kiến để nâng cao chất lượng giải quyết án; ngoài ra lãnh đạo đơn vị cũng luôn kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ đối với các cá nhân điển hình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhân rộng điển hình tiên tiến; bởi vậy năm 2013 tập thể Tòa Lao động TANDTC đã được Chánh án TANDTC tặng cờ là đơn vị thi đua xuất sắc.

Về quy trình nghiệp vụ, từ khâu nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo đề xuất hoặc xét xử giám đốc thẩm, các Thẩm tra viên, Thẩm phán đã thực hiện nghiêm túc quy trình tố tụng. Tùy theo năng lực của từng Thẩm phán, Thẩm tra viên, lãnh đạo Tòa Lao động xem xét và điều chỉnh lượng án của từng người để đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Về chất lượng giải quyết án, công tác nghiên cứu hồ sơ các vụ án được nghiên cứu thận trọng, tỷ mỉ, đề xuất chính xác hướng giải quyết vụ việc. Các đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm phần lớn được Chánh án TANDTC chấp nhận. Các vụ việc không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, Tòa Lao động đã trả lời cụ thể với những căn cứ vững chắc. Kết quả giải quyết án lao động trong năm 2013 đã tăng lên đáng kể so với các năm trước đây; số lượng các vụ án hôn nhân gia đình không còn tồn đọng; tỷ lệ đạt vượt yêu cầu của Chánh án TANDTC về việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài các công việc chuyên môn, Tòa Lao động còn thực hiện các công tác khác như: Tập huấn nghiệp vụ xét xử cho các Thẩm phán Tòa án các cấp về án lao động tại ba miền (Bắc, Trung, Nam); giảng dạy các khóa tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm tra viên, Thẩm phán sơ cấp, trung cấp của Tòa án các cấp; biên soạn tài liệu rút kinh nghiệm xét xử án lao động, án hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, Tòa Lao động còn tham gia góp ý dự thảo Tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai năm 2003, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, góp ý dự thảo Nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng…

Phóng viên: Vậy nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm 2014, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Du: Tòa Lao động đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; tập trung ưu tiên giải quyết các vụ án lao động có đơn hoặc có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; thụ lý đến đâu, giải quyết đến đó, không để tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hôn nhân gia đình, giải quyết dứt điểm các vụ án có yêu cầu bức xúc kéo dài, có yêu cầu của các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các cơ quan thông tấn, báo chí; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Chánh án TANDTC phân công, hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu xây dựng pháp luật với các đơn vị và ngành liên quan, chú trọng đến công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với TAND các cấp.

Năm 2014, Tòa Lao động phấu đấu đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trao đổi với chúng tôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC: Chất lượng giải quyết các vụ án lao động của Tòa án các cấp đã có chuyển biến rõ rệt