TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp

Trần Minh Giang| 16/01/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, các Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC, trong những năm qua TAND tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp cải cách hành chính tư pháp (HCTP) để tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác.

Nhằm công khai, minh bạch hoạt động, tạo thuận lợi cho nhân dân đến Tòa án; đồng thời phục vụ tốt công tác lãnh đạo, quản lý và xét xử.

Từ  năm 2013, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cải cách HCTP trong Tòa án hai cấp. Kể từ ngày 1/5/2013, TAND tỉnh Lạng Sơn thành lập Tổ HCTP tại TAND tỉnh do Văn phòng quản lý; Tổ HCTP tại 11 TAND huyện, thành phố. Công tác HCTP được thu gọn về một đầu mối, thực hiện theo mô hình một cửa để tạo thuận lợi cho người dân đến với Tòa án, tạo điều kiện cho các Tòa chuyên trách chỉ tập trung vào công tác xét xử nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử và giúp cho Chánh án quản lý được toàn bộ hoạt động công tác TAND hai cấp trong tỉnh. Tổ HCTP có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến công tác xét xử, bao gồm: tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện; tiếp nhận công văn giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; thụ lý hồ sơ các loại án và đề xuất phân công Thẩm phán, Thư ký tiến hành tố tụng; lên lịch xét xử các vụ án chung trong cơ quan và theo dõi tiến độ xét xử của các Thẩm phán; theo dõi thống kê số liệu công tác xét xử và chuẩn bị các báo cáo định kỳ; lưu trữ hồ sơ án và hồ sơ thi hành án, cấp sao bản án, quyết định, chuyển hồ sơ, nhận hồ sơ các đơn vị chuyển đến theo quy định.

TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp

TAND tỉnh Lạng Sơn tập huấn công tác cải cách hành chính tư pháp cho TAND hai cấp

Tổ HCTP bố trí một cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn, giấy tờ của công dân đến nộp trực tiếp. Phòng tiếp công dân của các đơn vị niêm yết công khai biểu mẫu tố tụng; nội quy tiếp công dân. Đơn, công văn, giấy tờ của công dân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đều được xử lý trong ngày, chuyển đến Chánh án phân công cán bộ giải quyết. Sau khi đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán chuyển đơn và các tài liệu kèm theo cho Tổ HCTP để thụ lý vụ án và trình Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết án. Về công tác tiếp nhận xử lý hồ sơ án do Viện kiểm sát chuyển sang hoặc cấp sơ thẩm chuyển lên đều do Tổ HCTP kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì tiến hành thụ lý, nếu không đủ điều kiện thì trả lại để hoàn thiện; các đơn khởi kiện đã xử lý xong thì chuyển cho Tổ HCTP thực hiện thụ lý vụ án theo quy định. Khi dự thảo lịch xét xử, Tổ HCTP chuyển cho Tòa chuyên trách để kiểm tra, thống nhất và trình Chánh án ký ban hành, gửi cho các cơ quan có liên quan và các Tòa, phòng, bộ phận trong cơ quan để phối hợp thực hiện.

Các Tòa chuyên trách chỉ tập trung vào công tác xét xử, nghiên cứu xây dựng hồ sơ và báo cáo trao đổi nghiệp vụ; tiến độ giải quyết án của từng Thẩm phán được công khai hàng tuần tại cuộc họp giao ban. Các Thẩm phán có án bị sửa hủy do lỗi chủ quan, án kéo dài phải gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử hoặc có án tạm đình chỉ đều được Tổ HCTP báo cáo để Chánh án yêu cầu giải trình lý do và thường xuyên đôn đốc tiến độ giải quyết; đồng thời phục vụ tốt công tác giao ban, rút kinh nghiệm công tác xét xử theo định kỳ và sơ kết các chuyên đề nghiệp vụ. Các hồ sơ đã có hiệu lực pháp luật đều được chuyển cho Tổ HCTP để số hóa tài liệu, chuyển vào lưu trữ và khai thác, cấp sao bản án, quyết định, tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Tổ HCTP có trách nhiệm quản lý và cập nhật toàn bộ dữ liệu vào phần mềm quản lý án, phần mềm thống kê án, phần mềm số hóa tài liệu và chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu thống kê, tổng hợp các báo cáo định kỳ của Tòa án hai cấp trong tỉnh.

Bên cạnh đó, TAND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông triển khai ứng dụng hệ thống Văn phòng điện tử Eoffice để trao đổi thông tin, xử lý văn bản trong Tòa án hai cấp và kết nối thông tin với hệ thống các cơ quan thuộc UBND. Đơn vị đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, lắp đặt hệ thống mạng LAN nội bộ để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin. Các phần mềm quản lý án, phần mềm thống kê, phần mềm số hóa tài liệu, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm thi đua khen thưởng được cập nhật thường xuyên; 100% cán bộ đều sử dụng thành thạo các thiết bị tin học; các hội trường xét xử đều được bố trí camera theo dõi. Hiện nay, đơn vị đã triển khai hệ thống giao ban trực tuyến giữa TAND tỉnh và 11 đơn vị TAND cấp huyện từ tháng 11/2015 để giảm thời gian, chi phí đi lại tham gia các cuộc họp, hội nghị. Từ khi thực hiện cải cách HCTP, tỷ lệ giải quyết án năm 2013, 2014, 2015 đều đạt trên 99%; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm mạnh so với trước khi thực hiện cải cách HCTP. Hai cấp Tòa án không có án oan, hoặc bỏ lọt tội phạm; không có án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng; đã giải quyết 100% đơn khiếu nại, tố cáo.

Ông Nguyễn Thế Lệ, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn cho biết qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, công tác cải cách HCTP của TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã đi vào nề nếp phù hợp với tình hình của đơn vị. Công tác cải cách HCTP đã thực sự tạo thuận lợi để chất lượng công tác xét xử và tất cả các mặt công tác đều được nâng lên; năng lực trình độ của cán bộ công chức đã có những chuyển biến tích cực, góp phần công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp