Khi báo chí vào cuộc chống “giặc nội xâm”

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh| 03/01/2018 15:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” hết sức cam go, phức tạp.

Tối 2/1/2018, phát biểu tại lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về đề tài này, nhất là các tác phẩm được trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” là minh chứng sinh động về vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” hết sức cam go, phức tạp”.

Khi báo chí vào cuộc chống “giặc nội xâm”

Chủ tịch nước đánh giá vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”.

“Vai trò quan trọng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” – là niềm tự hào, vinh dự cũng như trách nhiệm cao cả, nặng nề của đội ngũ những người làm báo. Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với những thông tin kịp thời, báo chí đã thực sự là chiến sỹ xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thời gian qua, thật đáng mừng là sau khi báo chí phản ánh, nhiều vụ việc về tiêu cực, tham nhũng đã được xử lý nghiêm minh. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc phanh phui, đưa những sai phạm, tiêu cực ra ánh sáng. Báo chí cũng là diễn đàn để người dân, cán bộ, đảng viên bày tỏ sự ủng hộ đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến" mà Đảng ta đang thực hiện.

Có lẽ, khi đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân tin tưởng, bằng nhiệt huyết và cái tâm trong sáng bảo vệ những giá trị tốt đẹp của xã hội, báo chí sẽ ngày thêm vững vàng và bản lĩnh hơn trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”.

Những thông tin, những bài viết đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng hẳn nhiên không phải nhằm mục đích “sa đà phản ánh mặt trái, góc tối của xã hội”; tuyệt đối không thể xuất phát từ động cơ không trong sáng, tư lợi.

Một khi đã đồng hành cùng mục tiêu lớn lao của cả dân tộc, sức mạnh của những bài viết ấy sẽ được nhân lên gấp bội!

Trong hàng nghìn bài viết đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng mà báo chí đã đăng tải, vẫn còn có không ít vụ việc mà cơ quan có trách nhiệm xử lý im lặng, thậm chí bị lãng quên, “chìm xuồng”. Nói như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đó là “sự im lặng đáng sợ”.

Trong sự “im lặng đáng sợ đó”, nhà báo,cơ quan báo chí cũng chịu không ít áp lực cũng như hiểm nguy. Hơn lúc nào hết, báo chí cần được bảo vệ trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”. Bởi lẽ, những chiến sỹ xung kích luôn phải đối diện với nhiều hiểm nguy, gian khó.

Đối với những kẻ cố tình ngăn cản, đe dọa, tìm cách hãm hại nhà báo, cơ quan báo chí vì “dám lên tiếng phản ánh tiêu cực”, cần nhìn nhận đó là kẻ đang đi ngược lại với quyết tâm của cả dân tộc, đang thực hiện hành vi “hắt nước vào lò”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi báo chí vào cuộc chống “giặc nội xâm”