Robot siêu thực: Cao thủ “hoàn mỹ” mới trong thế giới nghệ thuật

Quỳnh Trâm| 26/01/2023 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỷ nguyên 4.0 bắt đầu, cũng là lúc những thuật ngữ machine learning (máy tính tự hoàn thiện bản thân), trí thông minh nhân tạo (AI) gần như được nhắc đến mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông. Thời gian gần đây, AI đã và đang “xâm chiếm” cả vùng đất sáng tạo nghệ thuật vốn được coi là nơi chỉ dành cho con người, trở thành trợ thủ đắc lực, thậm chí “vượt mặt” cả những người làm nghệ thuật.

Qua mặt họa sĩ, AI giành giải vẽ tranh

Robot siêu thực: Cao thủ “hoàn mỹ” mới trong thế giới nghệ thuật

Bức tranh có tên Théâtre D'opéra Spatial được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số ngày 29/8/2022 tại triển lãm bang Colorado (Mỹ)

Ngày 29/8/2022, bức tranh được tạo bởi AI Midjourney lần đầu tiên đoạt giải nhất trong một triển lãm ở bang Colorado, khiến các họa sĩ khó chịu. Tác phẩm Théâtre D'opéra Spatial được người dùng Jason Allen mang đến triển lãm bang Colorado (Mỹ) và được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số. Tuy nhiên, trong khi các họa sĩ sử dụng bút vẽ trên máy tính, Allen tạo ra bức tranh bằng cách ra lệnh cho Midjourney, công cụ vẽ tranh bằng AI nổi tiếng thời gian gần đây. Allen in tác phẩm lên vải, kèm mô tả "tranh được thực hiện bởi Jason M. Allen thông qua Midjourney" và đưa đến triển lãm dự thi. Théâtre D'opéra Spatial mô tả một buổi biểu diễn opera tráng lệ trong không gian. "Tôi đã giành giải nhất", Jason Allen, với nickname Sincarnate, khoe trên nhóm Discord của cộng đồng Midjourney. Theo Vice, các nét vẽ được cộng đồng nhận xét là điêu luyện, hình ảnh mang nét cổ điển với sự xuất hiện của một đại sảnh kiến trúc Baroque, cùng một ô tròn đầy nắng làm điểm nhấn. Tuy nhiên, câu thông báo ngắn gọn của Allen cũng đã khơi mào một cuộc tranh cãi lớn giữa anh với giới họa sĩ và những người không có cảm tình với AI.

Genel Jumalon, họa sĩ hoạt hình từng đạt giải ENNIE Award, lên tiếng đầu tiên: "Ai đó đã tham gia một cuộc thi nghệ thuật với tác phẩm do AI tạo ra và giành giải nhất. Thật tồi tệ làm sao".

Đáp lại, Jason Allen gọi những ý kiến chỉ trích mình là "đạo đức giả". Anh cho rằng những người đó muốn đề cao con người và chống lại nghệ thuật được tạo ra bởi AI, nhưng bản thân họ đang phủ nhận yếu tố con người ở trong tác phẩm. Các công cụ như Midjourney vốn vẽ tranh dựa trên các câu mô tả được người dùng nhập vào. Allen nói anh đã phải tìm ra ý tưởng đặc biệt cho bức tranh của mình, sau đó chọn lọc giữa hàng trăm hình do AI đề xuất để tìm ra những bức tốt nhất

Ca sĩ siêu thực đạt doanh số phát hành album “khủng”

Robot siêu thực: Cao thủ “hoàn mỹ” mới trong thế giới nghệ thuật

Chân dung ca sĩ siêu thực Damsan trình diễn tại Lễ hội Âm nhạc Hò Dô

Ngày 9/12/2022, tại Công viê‌n Cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM, trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Hò Dô, Damsan và Michau - hai ca sĩ được tạo thành từ giọng người thật và ngoại hình ba chiều bằng công nghệ hologram - đã xuất hiện bên cạnh các tên tuổi đình đám đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… trong đó phải kể đến Babyface (12 giải Grammy) hay Ricky Kej (hai giải Grammy) cùng hàng loạt ca sĩ nổi tiếng trong nước như Tùng Dương, Uyên Linh, Bích Phương, Vũ Cát Tường, Ngọt band….

Trong khi Damsan được Ban tổ chức mô tả là “sở hữu tạo hình hiện đại, bụi bặm, gương mặt tạo điểm nhấn với những đường nét họa tiết cổ đại, trang phục cá tính và thời thượng tôn lên thân hình khỏe khoắ‌n” thì Michau lại có cặp mắt xanh dương, tóc xanh lá… Nhạc sĩ Huy Tuấn, Tổng Đạo diễn sản xuất Hò Dô nhận xét: “Giọng hát của Michau đầy nội lực, làm chủ được từ những nốt trầm sâu đến những nốt cao vút, đồng thời đầy ắp cảm xúc sẵn sàng chạm đến trái tim người nghe”. Hai ca sĩ siêu thực này được tạo nên bởi công nghệ hologram và giọng người đã qua xử lý, nhưng các vũ công, nhạc công… trình diễn cùng vẫn là người thật.

Trên thế giới, ca sĩ siêu thực trở thành xu hướng khi sở hữ‌u nhiều ưu thế vượt trội so với ca sĩ thật. Hiện ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản, “thần tượng siêu thực” đã gặt hái được những thành công vượt xa cả sức tưởng tượng. Tại Trung Quốc, ca sĩ siêu thực Lạc Thiên Y đã có 5 triệu người theo dõi trên Weibo. Mỗi chương trình biểu diễn của “cô” thu hút gần 150 triệu khán giả theo dõi qua tivi và điện thoại. Tại Nhật Bản, Meiko thuộc thế hệ ca sĩ siêu thực đầu tiên ra mắt tại Nhật Bản từ năm 2004.

Giọng hát của Meiko được thu âm mẫu từ giọng hát của nữ ca sĩ nổi tiếng Meiko Haigoo. Trong khi đó, album của ca sĩ siêu thực Hatsune Miku (Nhật Bản) cũng có số lượng phát hành “khủng” trên toàn thế giới. Các video trên YouTube của cô thu hút hàng chục triệu lượt xem. Tại Hàn Quốc, nhóm nhạc aespa ra đời năm 2020 với 4 thành viên thật và 4 phiên bản siêu thực của từng thành viên cũng nhanh chóng được đón nhận.

Liệu trí tuệ nhân tạo có thể “lên ngôi bá chủ”?

Robot siêu thực: Cao thủ “hoàn mỹ” mới trong thế giới nghệ thuật

Gương mặt mới trong làng ca sĩ ảo Michau

Có những sự hoài nghi nhất định về AI và nghệ thuật, nhưng các chuyên gia đều cho rằng chắc chắn trong tương lai công nghệ này sẽ là một cánh tay hỗ trợ đắc lực đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Có một sự thay đổi ở mối quan hệ giữa máy móc và con người - người nghệ sĩ sẽ sử dụng các thuật toán để thể hiện sự sáng tạo của bản thân và máy móc sẽ có vai trò như một cộng sự. AI hiện nay đã vượt xa khỏi ranh giới của một công cụ vì nó là một dạng trí thông minh và có khả năng học được cách suy nghĩ của con người.

Chia sẻ về vấn đề này nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết “Thế giới đã làm ra giọng máy hoàn toàn, nhưng mới chỉ ở những bản thử nghiệm chưa thuyết phục lắm, nên để đưa ra trình diễn vẫn phải làm hybrid - nửa thật nửa ảo. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể sáng tác được rồi, nhưng vẫn phải có bàn tay con người gia cố. Cũng rất may âm nhạc vẫn còn liên quan đến cảm xúc, không thì cũng căng, các nhạc sĩ đến thất nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Robot siêu thực: Cao thủ “hoàn mỹ” mới trong thế giới nghệ thuật