Đời sống

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Kim Sáng 30/11/2023 - 11:13

Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2023 hướng đến việc chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Ngày 30/11, Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM phối hợp tổ chức ngày “Sống Trọn Vẹn 2023 – Từng Phút Giây, Từng Hơi Thở”.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên TP.HCM.

Đây là hoạt động nhằm huy động sự tham gia của lực lượng thanh niên trẻ học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

p1920874.jpg
Ông Doãn Trường Quang - Ủy viên thường vụ Thành Đoàn, Phó Chủ Tịch Thường Trực Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM phát biểu

Cạnh đó, tăng cường các hoạt động dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP), xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS, quảng bá dịch vụ sẵn có về HIV/AIDS đến người dân đặc biệt các nhóm thanh niên trẻ đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Qua đó, tăng cường sự chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức điều trị và dự phòng HIV/AIDS của các đối tượng thanh niên trẻ, học sinh, sinh viên và cộng đồng.

Đặc biệt, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và Người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày “Sống Trọn Vẹn 2023 – Từng Phút Giây, Từng Hơi Thở” nhằm hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2023 và kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống AIDS 1/12,

Năm nay, chủ đề Tháng hành động là “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Hội thảo học về giới tính, hiểu về sức khỏe, tuổi trẻ an toàn; Hội thảo dự phòng lây truyền mẹ con – thành tựu và định hướng; Hội thảo “Tải lượng dưới 1000 – nguy cơ bằng 0”; thảm đỏ đồng hành...

p1920862.jpg
Các hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện

Theo Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.

Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma tuy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Số liệu giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022).

Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện trong 8 tháng chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 – 29 tuổi, chiếm 41,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam.

Nhóm tuổi 16 – 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 – 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%.

Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15 – 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam.

Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15 – 49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030