Kinh tế

Từ ngày mai (10/5), giá điện tăng thêm bao nhiêu?

Minh Lý 09/05/2025 - 18:27

Chiều 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, việc tăng giá được áp dụng từ ngày mai (10/5).

Cụ thể, theo Quyết định số 599/QĐ-EVN ngày 7/5, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

thiet-ke-chua-co-ten-2025-05-09t171438.533.png
Ảnh minh họa.

Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100,94 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ ngày mai 10/5, tức là sau hơn 7 tháng kể từ lần gần đây nhất vào ngày 11/10/2024. Ở lần điều chỉnh này, giá điện cũng được điều chỉnh tăng thêm 4,8%.

Việc điều chỉnh này dựa trên căn cứ của Nghị định 72 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ ban hành hồi tháng 3/2025, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, giá điện sẽ được xem xét để thay đổi cứ ba tháng một lần.

Theo quy định tại Nghị định 72, nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 2-5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. EVN sẽ quyết định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi có ý kiến từ Bộ Công Thương.

Trường hợp tăng từ 5-10%, EVN chỉ được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Còn với mức tăng từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

EVN cho biết, theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.

Trong khi đó, về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Cùng ngày (9/5), Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ ngày mai (10/5), giá điện tăng thêm bao nhiêu?