Lừa đảo chiếm đoạt 16 tỷ đồng, cựu cán bộ ngân hàng lĩnh án tù chung thân

Mạnh Hùng| 21/07/2019 13:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Cấn Phương Nhung (SN 1990, ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, TAND tỉnh Lào Cai đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Cấn Phương Nhung, nguyên cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Cam Đường lĩnh án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, bị cáo Nhung đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, các bị hại thì kháng án đề nghị làm rõ trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, mong muốn ngân hàng có trách nhiệm trả tiền.

Lừa đảo chiếm đoạt 16 tỷ đồng, cựu cán bộ ngân hàng lĩnh án tù chung thân

Hình ảnh minh họa

Theo bản án sơ thẩm, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, Cấn Phương Nhung vay nợ của nhiều người với lãi suất cao để chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, đến tháng 5/2016, cựu cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Cam Đường này đã mất khả năng trả nợ nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của những khách hàng gửi tiết kiệm.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 10/5/2016 - 4/2/2017, Nhung đã dùng 25 sổ tiết kiệm trắng, tự ký tên dưới mục “thủ quỹ”, “kế toán”, giả mạo chữ ký giám đốc phòng giao dịch rồi đóng dấu. Sau đó, Nhung dùng những quyển sổ này để huy động tiền gửi tiết kiệm của 17 khách hàng với số tiền lên đến 11,6 tỷ đồng.

Để trả tiền lãi, Nhung đã dùng thủ đoạn vay tiền hoặc tiếp tục huy động tiền của người khác. Một số khách hàng rút tiền trước kỳ hạn. Còn lại 7 sổ tiết kiệm số tiền 4,6 tỷ đồng, Nhung kiếm cớ viết nhầm lãi suất để đổi lấy sổ thật của khách hàng về nộp cho ngân hàng. Sau đó, những người này đã tố cáo hành vi giao dối của cựu cán bộ ngân hàng này .

Ngoài hình thức lừa đảo nêu trên, Cấn Phương Nhung còn sử dụng thủ đoạn hứa trả lãi cao, vay tiền của khách hàng để chiếm đoạt tiền. Khoảng giữa tháng 10/2016, Nhung huy động chị Nguyễn Thị Hiền gửi tiết kiệm để bị cáo đạt chỉ tiêu. Chị Hiền đã gửi 2,4 tỷ đồng vào ngân hàng và hơn 1 tháng sau thì rút tiền. Ngay sau đó, Nhung đã đến nhà chị Hiền vay lại số tiền trên, trả lãi 240 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên sau đó, Nhung chỉ thanh toán được 1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ, với một số khoản tiết kiệm, Nhung chỉ hạch toán một phần vào hệ thống ngân hàng để lấy sổ tiết kiệm thật sau đó sửa chữa sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền. Năm 2017, ngân hàng phát hiện sai phạm nên yêu cầu Nhung thu hồi các sổ tiết kiệm để trả lại. Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo này đã chiếm đoạt số tiền 16 tỷ đồng của 7 cá nhân.

Với hành vi nêu trên, Cấn Phương Nhung đã bị HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân về tội danh như đã nêu trên.

Do đến nay chưa làm rõ được trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong phòng giao dịch nên cơ quan điều tra tách ra để điều tra, xác minh làm rõ và xử lý sau.

Khép lại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào toàn bộ bản án sơ thẩm, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án và tội danh trên là phù hợp, đúng pháp luật, … Do đó, HĐXX quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Cấn Phương Nhung cũng như kháng cáo của các bị hại trong vụ án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo chiếm đoạt 16 tỷ đồng, cựu cán bộ ngân hàng lĩnh án tù chung thân