Không chỉ riêng TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nguy cơ cháy nổ đang tiềm ẩn tại khu vực ngõ hẻm có lối đi nhỏ hẹp, đe doạ tính mạng và tài sản của nhiều người dân trên cả nước. Đây là bài toán chưa có lời giải suốt nhiều thập kỷ qua.
Gần đây, hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm trong các ngõ hẻm của các đô thị lớn trên cả nước đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 3h47 ngày 17/2/2024 tại căn nhà nằm sâu trong hẻm 623, đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10, TP.HCM). Bảy người bên trong căn nhà đã được hướng dẫn thoát ra an toàn. Tuy nhiên, ngọn lửa đã bùng lên tại phần gác của căn nhà số 623/20/19 và nhanh chóng lan sang nhà liền kề số 623/20/21. Sau hơn 30 phút triển khai cứu hỏa, lực lượng PCCC&CNCH đã khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn này đã khiến 4 người sống cùng một nhà thiệt mạng.
Một vụ cháy trong đêm khác đã để lại những kí ức đau thương lớn cho người dân cả nước là vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm cho 56 người chết và 37 người bị thương xảy ra đêm 12/9/2023.
Và mới đây nhất vào khoảng 00 giờ 46 phút ngày 24/5/2024, xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cướp đi sinh mạng của 14 người, làm 6 người khác bị thương.
Có thể nói, những vụ cháy trong đêm tại các ngõ hẻm trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng và nhắc nhở, cảnh báo chúng ta một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cháy nổ trong cuộc sống hàng ngày. Việc này không chỉ bảo vệ tính mạng và tài sản cá nhân mà còn giúp tạo ra môi trường sống an toàn và bình yên hơn cho cộng đồng.
Anh N.T.T, cư dân sinh sống tại một “chung cư mini” khu vực Đống Đa cho biết: Không phải người dân không biết và không sợ những hiểm họa bất ngờ nếu nơi ở có hỏa hoạn nhưng vì hoàn cảnh kinh tế nên phải chấp nhận rủi ro. “Cả tòa nhà có nhiều tầng, nhiều phòng nhưng chỉ có một lối lên xuống là thang bộ. Lối này chỉ vừa đủ hai người đi ngược chiều nhau. Tuy nhiên, cả tầng 1 lại là nơi để xe của cư dân thuê, mua nhà ở đây. Trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi không dám nghĩ tới cảnh xảy ra hỏa hoạn. Nếu cháy tại tầng 1 với lượng xe máy lớn như vậy không biết chạy thoát ra kiểu gì”, anh T. nói.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... dài hơn 200 m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Còn theo lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an TP Hà Nội), hiện thành phố có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đối với những ngõ ngách nhỏ, ngay cả xe chữa cháy mini từng được Hà Nội giới thiệu là nhỏ gọn cũng chưa có cách nào tiếp cận.
Anh T.M.H, sinh viên ở trọ khu vực Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, do điều kiện kinh tế không dư dả nên H. và nhiều bạn bè khác tìm chọn những khu nhà tít trong ngõ sâu để trọ. “Chỉ nghĩ lúc đi học về có chỗ tá túc thôi nên em mới tìm chỗ nào rẻ để thuê. Nhưng qua nhiều vụ việc cháy thương tâm gần đây em cũng cảm thấy sợ. Ngoài ra, lo mất trộm chủ nhà họ cũng quây “chuồng cọp” hết cả ban công. Thú thực nếu cháy không biết chạy đi đâu, mà ngõ sâu quá cứu hỏa cũng không vào được. Giờ em chỉ biết tự trấn an và hi vọng "bà hỏa" không đến tìm mình”, H. lo âu.
Từ những vụ cháy trong đêm tại các ngõ hẻm của những đô thị lớn trên cả nước để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng người dân nên nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) từ những hành động đơn giản nhất như: đảm bảo hệ thống báo cháy luôn hoạt động tốt và được kiểm tra định kỳ; mỗi tòa nhà cần có ít nhất hai lối thoát hiểm và các lối này phải được duy trì thông thoáng, kiểm tra thường xuyên để tránh vật cản; tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên cho cư dân về biện pháp phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm và cách xử lý khi có sự cố; sử dụng các vật liệu có khả năng chống cháy tốt trong xây dựng và trang trí nội thất; giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh, làm nơi đậu xe...
Đề cập vấn đề này, chị H.T.L, cư dân sinh sống tại khu vực phố Trung Kính bức xúc nói: “Từ sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại ngõ 119 Trung Kính điều tôi thấy lạ là việc họp chợ, dừng đỗ xe bừa bãi, bày phế liệu, vật liệu cản trở ngõ phố quanh đây không có gì thay đổi. Chẳng may có sự cố gì thì chẳng lẽ chúng ta lại chạy theo vụ việc để xử lý? Đường ngõ đã chật, xe cứu hỏa không thể vào, rất khó khăn vậy mà nhiều người vẫn vô ý thức vi phạm trật tự đô thị, an toàn PCCC”.
Cháy nổ là một trong những thảm họa có thể xảy ra bất ngờ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Các vụ cháy diễn ra vào ban đêm, trong ngõ hẻm càng đặc biệt nguy hiểm vì tính bất ngờ, sự bị động, khó phát hiện sớm, khó tiếp cận hiện trường để chữa cháy. Khi mọi người đang ngủ, việc phát hiện cháy có thể bị chậm trễ, khiến ngọn lửa lan rộng và khó kiểm soát hơn. Nếu không có hệ thống báo cháy hoặc hệ thống này không hoạt động hiệu quả, việc cảnh báo cư dân càng trở nên khó khăn hơn.
Khi xảy ra cháy người dân dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn và thiếu sáng. Lúc đó việc sơ tán trở rất khó khăn do lượng khói trong đám cháy thường chứa nhiều chất độc hại, khi hít phải trong khi ngủ có thể gây ra ngộ độc khí CO, mất ý thức và thậm chí tử vong.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Công an về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT- TTg và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy trong năm 2023, đã đưa ra những thống kê, đánh giá rất đáng chú ý.
Trong 3.440 vụ cháy được ghi nhận là đã xảy ra trên phạm vi toàn quốc thì có tới 2.105 vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị; 1.016 vụ cháy nhà dân; 174 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; 45 vụ cháy chung cư.
Về nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố khi sử dụng các hệ thống, thiết bị điện. Đáng nói đây là nguyên nhân chính dẫn tới 1.345 vụ cháy, chiếm tới 58,6%.
Về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ cháy theo Bộ Công an, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài tốc độ đô thị hoá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn.; mạng lưới đường giao thông tại các đô thị nhỏ hẹp, bị cản trở, nhiều ngõ ngách sâu ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) khi có vụ việc xảy ra. Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và CNCH chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa quan tâm đến công tác PCCC và CNCH.
Về chủ quan, Bộ Công an cho rằng chủ yếu do nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh...
“Các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân”, theo Bộ Công an.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đổi với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt; cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về PCCC.
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Đức Sơn.
Hình ảnh, đồ họa: Tuấn Dũng.