Vóc dáng dong dỏng cao, khuôn mặt khả ái với nụ cười tươi, chất giọng Nam bộ nhỏ nhẹ, cuốn hút, những ai tiếp xúc với nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên đều cảm nhận sự cởi mở, dễ gần. Nhưng khi chủ tọa phiên tòa nhân danh công lý, ở chị toát lên vẻ nghiêm nghị, thể hiện sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Hơn 20 năm gắn bó với ngành tòa án, câu chuyện về chị không chỉ là những bản án mà còn đầy ắp tính nhân văn, tình yêu thương, trách nhiệm, nhiệt huyết, yêu nghề.
Ly trà chốn “công đường”
Giữa tháng 12/2021, cao điểm dịch Covid-19 đã qua đi, vụ án băng nhóm sát hại Mai Văn Quân (54 tuổi, biệt danh Quân “xa lộ”) - trùm giang hồ ở TPHCM từng gây chấn động dư luận được TAND TPHCM đưa ra xét xử sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm vì chứa đựng nhiều tình tiết phức tạp, nhiều đối tượng gây án ở độ tuổi còn trẻ, thực hiện hành vi manh động, có tổ chức, đòi hỏi các thẩm phán tham gia xét xử dày dặn kinh nghiệm chuyên môn, nắm chắc diễn biến phiên tòa, từng bị cáo, để có những quyết định công tâm, đúng người, đúng tội.
Cáo trạng truy tố bị cáo Võ Thùy Linh với vai trò chủ mưu và 11 đồng phạm về tội “Giết người”. Điều khác biệt so với các phiên tòa điểm trước đây, chủ tọa phiên tòa lại là một nữ thẩm phán. Chị là Hoàng Thị Bích Duyên (sinh năm 1973, Tòa Gia đình và trẻ chưa thành niên, TAND TPHCM), “bóng hồng” của ngành tòa án thành phố.
Bị cáo Võ Thuỳ Linh có mặt với dáng vẻ mệt mỏi, sụt hơn 40kg so với thời điểm bị bắt giữ, đã từng bị nhiễm Covid-19. Bị cáo vẫn giữ thái độ trầm tĩnh, thi thoảng rảo mắt xung quanh như để tìm kiếm người thân. Ở phần thủ tục, bị cáo liên tục đề nghị hoãn phiên tòa với lý do cảm thấy “chóng mặt, khó thở”. Tình huống khá bất ngờ này nếu không được HĐXX nắm chắc tình hình, xử lý không khéo léo thì phiên tòa sẽ phải hoãn, kế hoạch xét xử chuẩn bị nhiều tháng trời không thực hiện được.
Trước tình huống này, chủ tọa Hoàng Thị Bích Duyên yêu cầu nhân viên tòa án cầm ly trà đường mang đến cho bị cáo Võ Thùy Linh. Vị chủ tọa nhẹ nhàng hỏi thăm sức khỏe đồng thời cho phép bị cáo Linh được ngồi trong quá trình xét xử. Những cử chỉ đầy tính nhân văn ấy dường như xoa dịu không khí căng thẳng. Sau khi uống ly trà đường, bị cáo Linh có sức khỏe tốt hơn và thay đổi thái độ. Trước khi tiếp tục phiên tòa, thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên hỏi bị cáo Linh: Bị cáo thấy khỏe lại chưa? Bị cáo có thể tiếp tục phiên tòa hay không? Bị cáo Linh xác nhận sức khỏe đã ổn hơn và không yêu cầu hoãn phiên tòa như lúc đầu. Phiên tòa vẫn tiếp tục ở phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết vụ án.
Phía sau phiên tòa là tính nhân văn cao cả
Hơn 20 năm trong nghề, xử lý tình huống đầy nhân văn ở những phiên tòa đã giúp cho nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên ngày càng hoàn thiện mình, mang lại cho chị những chia sẻ, thấu hiểu. Cùng với sự nghiêm túc, sắc bén, thậm chí vẻ lạnh lùng trong quá trình xét xử, chúng tôi cảm nhận được ở nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên một trái tim nhân hậu. Nhiều năm làm ở Tòa gia đình và trẻ chưa thành niên, các bị cáo đưa ra xét xử đều là những trẻ em, hay những vụ xét xử ly hôn. Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên đều mang đến họ trái tim nhân hậu, giúp cho những người liên quan, các bị cáo tin tưởng khai báo các tình tiết quan trọng, giúp hiểu về quy định của pháp luật, trách nhiệm, cách ứng xử, lối sống sau khi kết thúc phiên tòa.
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên nhớ lại: Có một lần, một phụ nữ đến tòa án theo giấy triệu tập với thái độ rất bức xúc. Chị ấy cho biết con chị còn sống nhưng tòa án lại triệu tập chị đến tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án yêu cầu tòa án tuyên bố chị đã chết. Đây là một tình huống tâm lý khá thông thường do người dân chưa am hiểu các quy định của pháp luật, đòi hỏi mình có ứng xử khéo léo. Thẩm phán Duyên kể tiếp: "Tôi đợi chị ấy bình tĩnh hơn rồi nhẹ nhàng giải thích về lý do triệu tập là vì có người thân trong gia đình yêu cầu tòa án xét xử tuyên bố con chị ấy đã chết". Người phụ nữ sau đó đã hiểu rõ và xin lỗi về thái độ không đúng mực rồi vui vẻ cảm ơn.
Theo thẩm phán Duyên, người dân khi đến tòa án và khi ra về, việc giúp họ hiểu rõ nội dung sự việc với tâm trạng vui vẻ, đó là thành công và cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, công tác dân vận của người giải quyết hồ sơ.
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên chia sẻ: Đặc thù của tòa gia đình và người chưa thành niên là tất cả đều liên quan đến trẻ em. Dưới 18 tuổi đều là trẻ em và tùy từng độ tuổi có tâm sinh lý với những cung bậc khác nhau. Tôi nhớ mãi một vụ án tranh chấp, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Bản án giải quyết ly hôn được tòa phán quyết người mẹ chăm sóc con gái, nhưng do bị ngăn cản khi thăm con, nên cha của cháu gái khởi kiện đòi quyền nuôi con. Tòa sơ thẩm xét xử tuyên buộc giao quyền nuôi con cho người cha, tuy nhiên sau đó người mẹ đã kháng cáo. Được phân công thụ lý vụ án này, tôi trăn trở rất nhiều và phải trải qua 3 phiên tòa tôi mới đi đến quyết định y án sơ thẩm, tuyên buộc người cha được quyền nuôi con gái. Quyết định này căn cứ vào tiêu chí pháp luật, người cha có điều kiện chăm sóc con tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của trẻ.
Bản án là thế, nhưng bên lề phiên tòa, nữ thẩm phán cũng giải thích thêm cho người cha rằng, bản án tuyên để đảm bảo sự công bằng của pháp luật nhưng ở khía cạnh nhân văn, cơ quan thi hành án cũng rất khó xử khi cưỡng chế dứt bé gái ra khỏi người mẹ, trừ trường hợp anh kiên quyết yêu cầu cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật. Người cha và người mẹ cần suy nghĩ nhiều đến con của mình hơn, vì đó là đối tượng bị tổn thương nhất, để thống nhất phương pháp chăm sóc, dạy bảo con mình trưởng thành với tâm sinh lý bình thường, không bị mặc cảm về hoàn cảnh gia đình.
Với thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, sự trăn trở khi đứng trước một quyết định vận mệnh cũng như tương lai của một con người lớn hơn bao giờ hết. Sau mỗi phiên tòa không chỉ là những phán quyết mang tính nguyên tắc, sự công bằng, đúng quy định pháp luật mà còn cần có tính nhân văn, làm sao để vực dậy tinh thần, đánh thức lương tri và trách nhiệm của các bị cáo ngay tại phiên tòa. Điều đó giúp các bị cáo hiểu rõ giá trị cuộc sống, giá trị của sự ăn năn, hối cải, sửa đổi lại mình, phấn đấu chấp hành án tốt nhất, sớm tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích, sống theo pháp luật.
Người chuyên xử ly hôn... không thành
Ít ai biết trước khi trở thành nữ thẩm phán xét xử vụ án truy sát, sát hại trùm giang hồ Quân “Xa lộ” và nhiều vụ án điểm khác, thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên có thâm niên hơn 15 năm xét xử các vụ án ly hôn. Nhưng điều đặc biệt, chị được nhiều người ví là "người chuyên xử ly hôn... không thành”.
“Những mâu thuẫn, nguyên nhân dẫn đến những cặp vợ chồng phải ra tòa ly hôn, tôi với vai trò là người xử án, mỗi lần thụ lý rất trăn trở. Là một thẩm phán, hạnh phúc nhất là khi hòa giải thành để hai bên có được tiếng nói chung, không phải giải quyết bằng bản án ly hôn. Vì thế, tôi luôn phải tìm hiểu kỹ và tự đặt ra muôn vàn câu hỏi, với cái nhìn khách quan nhất để làm sao hòa giải được cho họ, giúp họ hàn gắn lại hạnh phúc gia đình", Thẩm phán Duyên chia sẻ.
Chị kể: "Có những câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Đó là vào ngày cận tết cách đây 10 năm, tôi được phân công giải quyết một vụ ly hôn. Cả hai vợ chồng đều là người thành đạt và rất đẹp đôi. Quá trình hòa giải, tôi đã nắm được nguyên nhân do người chồng hay đi làm ban đêm nên người vợ vì những phút yếu mềm đã ngoại tình. Sự việc vỡ lở, họ quyết định ra tòa ly hôn".
“Ngày cuối năm, không khí chuẩn bị đón Tết đã ngập tràn ngoài phố, trước một vụ ly hôn như vậy làm sao có thể hòa giải được để cái kết không phải là bản án, làm sao để đôi vợ chồng đẹp đôi mà trong tim vẫn còn dành tình yêu thương sâu đậm cho nhau giữ được hạnh phúc?". Tôi đã rất trăn trở và sau các phiên hòa giải, những lần nói chuyện, chia sẻ chân tình đã giúp người chồng thấu hiểu điều cần làm để níu giữ hạnh phúc và người vợ nhận được lỗi lầm sau những phút yếu lòng và quyết giữ lấy hạnh phúc của mình. Và điều tuyệt vời đã đến, cặp vợ chồng ấy trước khi ra về đã nắm tay tôi rưng rưng cảm động, nếu không được sự lý giải, hòa giải chân tình của chị thì suýt nữa chúng tôi đánh rơi hạnh phúc của đời mình", chị Duyên chia sẻ tiếp.
Mùa xuân đến, không khí Tết về ngập tràn, hạnh phúc tìm lại của cặp vợ chồng năm ấy trước thềm xuân ấm áp, vẹn đầy những thứ tha lẫn yêu thương...sau bao ngày giông bão tưởng chừng như phải chia lìa, tan vỡ.