Chuyện về nữ Thẩm phán trên miền đá

Nguyễn Trung Thành| 11/02/2021 14:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngược miền trời Tây Bắc, có biết bao nhiêu con đường chạy giữa mênh mang đá núi để lên tới những bản làng của bà con các dân tộc vùng cao. Suốt 25 năm qua, trên những “thông thiên lộ” ấy, có một người phụ nữ vẫn lặng lẽ đi về, lặng lẽ mang tri thức của mình đến với đồng bào để mong góp phần xua đi những u tối, mê muội, lầm lạc từ thuở hồng hoang.

Chị Thẩm phán Vàng Thị Dua (SN 196 9, người dân tộc Mông ), Phó Chánh án TAND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên .

Bước ra từ rừng già

anh-bai-chuyen-ve-mot-nu-tham-phan-tren-mien-da-1.jpg
Trung bình mỗi năm, Thẩm phán Vàng Thị Dua (người ngồi giữa) giải quyết, xét xử khoảng 60-70 vụ án các loại

Đốt hết một buổi chiều biên tái, tôi mới tìm được nhà của Thẩm phán Vàng Thị Dua , căn nhà nhỏ nằm chìm lút giữa tre pheo và lá mục ở cuối bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên . Và cũng trong căn nhà đó, giữa nhập nhoạng bóng đêm, giữa hun hút núi rừng, câu chuyện về chị, về người phụ nữ dân tộc Mông quyết vượt qua lời nguyền, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn theo học cái chữ rồi từ đó thay đổi cuộc đời mình được tãi ra chả khác gì cổ tích. ..

Tính đến giờ, chị Dua công tác trong ngành Tòa án cũng được tròn 25 năm, với nhiều lần được “đứng giữa hội nghị đọc báo cáo điển hình”, còn Giấy khen , Bằng khen thì “nhiều quá không nhớ hết”. Dân Huổi Đáp gọi chị là “Người phụ nữ được… khen nhiều nhất bản”. Nhưng đằng sau cái vẻ “hào nhoáng” và những thành công ấy, ít người biết rằng, để đi từ rừng sâu đến trụ sở Tòa án, chị Dua đã phải trải qua “hành trình đời người” dài dằng dặc với vô vàn cam khó.

Chị Dua kể, chị quê gốc ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. X ưa kia , khắp vùng đất ấy còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt, hái lượm và đốt rừng phát rẫy làm nương. Đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác.

Bố mẹ chị Dua , những người Mông toàn tòng, được tổ tiên truyền lại cho cái “gien” xê dịch , cứ vài năm lại thấp thểnh chuyển nhà, thế nên t uổi thơ của chị và 11 người anh em khác chủ yếu trôi đi trên những đỉnh rừng. “Gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ vài cây gỗ c m xuống, rồi quăng ít lá rừng lên làm nóc. Nhiều khi lá chưa kịp vàng, nhà tôi đã dỡ bỏ đi nơi khác, tìm vùng đất tốt hơn…”, chị Dua nhớ lại.

Những tưởng cả đời sẽ phải gắn với cảnh lang bạt, na y đây mai đó, nhà cửa tạm bợ, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, nhưng rồi “bước ngoặt cuộc đời” của chị Dua cũng đến vào năm 1980, khi chị vừa tròn 11 tuổi. Đó là khi giáo xắn quần, lội rừng tìm lên tận nương, rồi vào tận nhà để vận động bố mẹ chị cho mấy anh em đi học.

“Người Mông chỉ cần hạt ngô, hạt thóc để làm no cái bụng thôi, không cần cái chữ đâu . C án bộ về đi”, mẹ chị Dua quả quyết. Còn bà nội chị Dua thì thắc mắc: “Con gái Mông chỉ cần biết nấu rượu, dệt vải, thêu thùa với đi nương thôi. Học chữ để làm gì?”. Thế nhưng tai giáo hình như không nghe, miệng giáo vẫn kiên trì giảng giải. Cô nói từ trưa cho đến chiều, từ chiều cho đến tối. Mẹ và bà nội chị vẫn ngồi lặng lẽ, im lìm như đỉnh núi trước nhà.

Cũng may, chị Dua còn có bố là “đồng minh”. Người đàn ông Mông ấy tuy “tiếng Kinh vọc vạch” và nghèo thê thiết song vẫn luôn cháy bỏng ước mơ các con mình được đến trường. Ông bảo, đời ông đã khổ nhiều rồi, ông không muốn con gái mình rồi đây cả đời chỉ biết cắm cúi với sương mờ non cao như hàng trăm hàng ngàn người đàn bà Mông khác. “Mình à, phải cho cái Dua đi học thôi, không thể để nó mù chữ như vợ chồng mình được”, sau câu nói ấy của bố, chị Dua được theo chân cô giáo hạ sơn.

“Lúc bấy giờ tôi cũng chả nghĩ nhiều đến cái chuyện học chữ sẽ thế nào, có tốt không, và có làm no cái bụng . Tôi chỉ nghĩ, nếu mình được đi học, hàng ngày được đến trường thì sẽ không phải lang thang, đánh bạn với hang hốc, rừng núi nữa. Thế là tôi khóc ngằn ngặt đòi đi. Quả thật, nhờ có cái chữ mà đời tôi , rồi đời con cái tôi đã đổi khác rất nhiều”, chị Dua tâm sự .

Nhọc nhằn tìm chữ

anh-bai-chuyen-ve-mot-nu-tham-phan-tren-mien-da-2.jpg

 Chị Dua trong một buổi đi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào

Tưởng như đã quen với đủ các vùng thiểu số xa ngái, hoang biệt nhất Việt Nam, ngờ đâu tâm sự của Thẩm phán Vàng Thị Dua vẫn khiến tôi rưng rưng cái nỗi thiệt thòi của học trò đồng rừng. Ngày đó, Nậm Nhùn chưa có trường học, thế là những cô bé, cậu bé người Mông 11-12 tuổi như Vàng Thị Dua phải đi bộ từ đỉnh trời Nậm Hàng, đi ròng rã suốt 2-3 ngày trời, đi xuyên rừng xuyên núi xuống mãi tận Mường Lay để học nhờ ở Trường Thiếu niên Dân tộc Nội trú.

Mấy lần đầu tiên xuống trường, chị Dua được bố đưa đi. Sợ con gái bỡ ngỡ với môi trường mới, ông còn đến lớp ngồi học cùng con cho đến tận khi chị Dua nói rằng chị đã bắt đầu thấy yêu trường, yêu lớp và quen với bạn bè thì ông mới ngược núi trở về. Thật khó có ông bố Mông nào nhẫn nại, kiên trì đến tột cùng như thế. Mãi đến tận năm lớp 6, chị Dua mới bắt đầu phải tự đi học một mình.

“Trường nội trú cách nhà mấy chục kilomet đường rừng, thông thường tôi phải đi từ sáng sớm hôm nay đến chiều tối mai mới tới nơi . Có lần mưa lũ ngang đường, tôi và bạn phải trèo lên núi tìm hang tránh trú, hai ngày sau nước rút mới lần mò đi tiếp. Mà t oàn phải đi bộ thôi. Đi như khỉ leo núi ấy . M ệt thì nghỉ, khát thì xuống suối , đêm vào bản ngủ nhờ, sáng sau đi tiếp … Đối với đám học trò người dân tộc thiểu số như chúng tôi thì việc đó vẫn không khó, không khổ bằng việc học tiếng phổ thông. Nó còn khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi ấy chứ!”, chị Dua cười.

Do nhà xa, nên thông thường thì một năm chị Dua chỉ về thăm nhà hai lần, vào dịp hè và Tết, còn thời gian chủ yếu là ở trường . Cũng từ đó chị phải tự lập, về nhiều mặt , t ừ việc học tập cho đến nấu nướng cơm nước, tắm rửa, chăm sóc bản thân. Chị Dua kể: “N gày ấy n tôi nghèo lắm. K hi về trường , tôi có đúng một bộ quần áo thủng lỗ chỗ cùng vài bát ngô với mấy món đồ lặt vặt. Sau buổi học đầu tiên, cô giáo lôi tôi ra cắt tóc rồi bảo xuống suối tắm, còn cô thì ngồi vá víu quần áo. Sau này, khi đã lớn lên, mỗi khi nhớ lại hình ảnh đó , tôi vẫn còn xúc động…”.

Thời điểm lúc bấy giờ, trường chị Dua học chỉ là một căn nhà lá xập xệ, tường vách tả tơi , vừa làm lớp học, vừa làm chỗ ở cho cả trò. Mỗi lần giông bão, hơi lạnh, khí núi tràn buốt khắp nơi, mấy trò phải tụ lại, nhóm lửa rồi ôm chặt lấy nhau cho đỡ rét. “ M ấy trò đều nghèo, đắp chung có mỗi một cái chăn . Nay mưa ư ớt thì đêm mai khỏi đắp. Và đ ói nữa . Hầu như t uần nào tôi cũng bị đứt bữa, mà có ăn cũng chỉ toàn khoai sắn với măng đắng thôi. Thèm cơm ghê lắm !” , chị Dua nhớ lại .

Đói khát, thiếu khó trăm bề như thế nhưng học trò nghèo người Mông vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học để nuôi ước mơ sau này lớn lên làm cán bộ. Thế nhưng, k hi chị Dua vừa học hết cấp 2 thì bố mất. Chỗ dựa lớn nhất không còn, cộng với trong gia đình, dòng họ ai cũng vận động chị nghỉ học ở nhà để lấy chồng, những tưởng “con đường tìm đến tri thức” của chị sẽ bị đứt gãy, dở dang. Song mỗi lần nhớ đến “di ngôn” của bố, “dù khó khăn đến đâu cũng phải học cho nên người”, chị lại quyết tâm bước tiếp. Sau đó, chị xuống Trường PTDT Vùng cao Tuần Giáo hoàn thành nốt chương trình cấp 3, rồi tiếp tục về Hà Nội để theo học trường Đại học Luật.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, chị Dua được tuyển dụng vào làm ở TAND thị xã Mường Lay. 8 năm sau, chị được điều chuyển về TAND huyện Mường Chà. Đến năm 2011, khi TAND huyện Mường Nhé được thành lập, chị Dua là lớp cán bộ đầu tiên về đây công tác. Rồi đến 1/11/2013, chị lại tiếp tục “sắm vai” người “mang gươm đi mở cõi” khi được điều động về làm Phó Chánh án TAND huyện Nậm Pồ, một huyện mới thành lập với 15 xã vừa được chia tách ra từ hai huyện Mường Chà và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên.

Thao thức với đồng bào

anh-bai-chuyen-ve-mot-nu-tham-phan-tren-mien-da-4.jpg

Thẩm phán Vàng Thị Dua trò chuyện cùng tác giả

K ể từ khi vào công tác ở ngành Tòa án, cũng là lúc chị Dua phải chứng kiến nhiều đồng bào của mình vì thiếu hiểu biết pháp luật mà phải sa vào vòng lao lý . Vợ giận chồng mải rượu, vặt nắm lá ngón về sắc lên cho chồng uống để trả thù. Hoặc có anh chàng nghi hàng xóm nhà mình là ma chò, ma chài, hay bỏ bùa, bỏ bả làm cho gà, lợn ốm đau, chết yểu. Mối hoài nghi ấy ngày càng lớn, cho đến một đêm mưa gió, sấm chớp ì oàng, anh ta vác súng kíp dí thẳng vào đầu hàng xóm rồi bóp cò...

Đó là chưa kể đến chuyện từ xưa đến nay, người Mông ở vùng đất biên viễn Mường Nhé hay Nậm Pồ vẫn còn lén lút trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Nhất là những bản làng vùng sâu, vùng xa, ma túy vẫn là nỗi ám ảnh khôn cùng. Con nghiện là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, thậm chí có đứa trẻ vừa mới sinh ra đã làm quen với thuốc phiện khi phải bú dòng sữa của bà mẹ nghiện. Nghiện – dùng chung kim tiêm - dính “ết” – rồi chờ chết, cái “vòng luân hồi chết chóc” ấy đã hủy hoại quá nhiều mái đầu xanh và đẩy nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh: Mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ con côi cút như đá cuội.

“Đồng bào khổ quá. Nghèo ăn, nghèo cả chữ. Kẻ xấu mang tiền ra để dụ dỗ, lừa phỉnh thế là lao đầu vào con đường phạm tội. Nhìn những thanh niên người Mông, người Thái vì thiếu hiểu biết mà đổ đời vào ma túy thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức” họ chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc mãi như thế hay sao?”, chị Dua trăn trở.

Cũng chính vì cái khát vọng muốn “đánh thức”, muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu, u tối, mê muội của đồng bào từ thưở hồng hoang, s au nhiều đêm suy nghĩ, chị Dua quyết định phải làm một điều gì đó cho quê hương, dù nhỏ thôi cũng được. Thế là m ỗi lần chính quyền, hoặc các cơ quan đoàn thể của địa phương tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng sâu vùng xa, chị đều “nằn nì” xin đi cho bằng được.

“Đường đi khó đâu chỉ vì ngăn sông cách núi. Mà chỉ sợ lòng người ngại núi e sông”. Tính đến giờ, sau hơn 25 công tác, chị Dua đã tham gia khoảng trên 200 buổi tuyên truyền lớn nhỏ với hàng ngàn lượt người nghe. Bàn chân của nữ Thẩm phán người Mông này đã đặt lên hầu khắp các bản làng, từ Mường Lay cho đến Mường Nhé, Nậm Pồ. Có đợt cao điểm phòng chống ma túy, chị còn “xắn quần, xắn áo” cùng với lực lượng chức năng của tỉnh, của huyện băng rừng lội suối đi tìm phá những nương thuốc phiện rực rỡ, mênh mông. Phá xong, anh em lại dốc ngược mình leo núi quay về bản, vào từng gia đình, vận động họ nói KHÔNG với ma túy; rồi gặp từng “con nghiện”, khuyên nhủ họ đi cai.

Còn nhớ đợt đầu năm 2011, một số đồng bào người Mông ở Huổi Khon, Mường Nhé nghe theo lời của kẻ xấu đứng lên tụ tập, biểu tình chống phá chính quyền, đòi thành lập quốc gia riêng. Sự kiện đó làm chấn động cả nước. Ròng rã hàng tháng trời sau đó, chị Dua cùng các cán bộ từ Trung ương đến địa phương kiên trì “3 bám, 4 cùng” với đồng bào để làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục. Với những hiểu biết và kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm làm công tác trong ngành Tòa án, nữ Thẩm phán Vàng Thị Dua đã góp phần không nhỏ trong việc vỗ yên lòng dân, khiến họ không còn bị lung lạc bởi những luận điệu sai trái, trở về với cuộc sống đời thường. Kể từ đó đến nay, Huổi Khon đã yên bình.

Trăn trở với vùng cao

anh-bai-chuyen-ve-mot-nu-tham-phan-tren-mien-da-3.jpg

Đối với đồng bào, chị Dua (thứ 2, từ phải sang trái) chả khác gì người thân trong gia đình

Chị Dua bảo, cái khó nhất của người cán bộ Tòa án vùng cao là phải cố gắng để làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của đồng bào. Muốn làm được như thế thì nhất định phải “gần dân” để “hiểu dân”. Chính vì thế mà khi giải quyết các vụ án dân sự hay hôn nhân gia đình, chị Dua luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn để kịp thời vận động, thuyết phục và hòa giải.

Đến giờ, chị Dua vẫn còn nhớ lần được giao thụ lý một vụ ly hôn ở xã Nậm Tin. Hạnh phúc của cặp vợ chồng người Mông đó đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ vì sự “say nắng” của người chồng. Sau khi tìm hiểu nguồn cơn sự việc và liên lạc với người chồng vài lần không được, chị quyết tâm xuống tận nhà để làm công tác vận động. Biết trước thời tiết miền núi mưa nắng thất thường nên chị chủ động đi rất sớm, nào ngờ mới được nửa đường thì sấm chớp đì đùng, rồi mưa kéo về xối xả. Đường sạt lở, xung quanh lại không hề có nhà dân, một mình giữa hoang vu chín suối mười đèo, chị khóc.

Đã mấy lần chị Dua định quay về, thế nhưng khi nghĩ đến cảnh 3 đứa trẻ, trong đó đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi sẽ phải “tan đàn, xẻ nghé” vì bố mẹ ly hôn, chị lại quyết tâm đi tiếp. Vừa đi vừa đẩy xe, phải gần 7h tối chị mới đến nơi. Ban đầu anh chồng nhất định không đồng ý hòa giải, kiên quyết xin tòa xử cho được ly hôn. Song bằng lý lẽ lúc thì mềm mỏng, lúc cứng rắn, chị đã thuyết phục được anh ta quay về với vợ…

Nhờ phương châm làm việc khoa học và tận tụy đó nên tỷ lệ hòa giải thành của chị Dua luôn đạt rất cao, từ 72-77%. Có năm chị hòa giải đoàn tụ được đến 5 cặp vợ chồng. Còn nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì có đến 15 cặp vợ chồng nhờ chị mà hôn nhân không đổ vỡ. Nhiều ông chồng, bà vợ sau này gặp chị còn ngượng nghịu: “Cảm ơn cán bộ Dua nhé! Nhờ có cán bộ mà bọn mình không bỏ nhau, không đi lấy chồng/lấy vợ mới”. Nhưng để có được thành quả ấy, ít người biết rằng chị Dua đã phải đánh đổi rất nhiều, cả mồ hôi và nước mắt.

Khi nhắc đến đồng nghiệp của mình, Thẩm phán Nguyễn Mạnh Huấn, Chánh án TAND huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Chị Dua là người cẩn thận, tỉ mỉ và nhiệt tình trong công việc. Trung bình mỗi năm, chị giải quyết khoảng 60-70 vụ việc các loại, chiếm đến 1/3 tổng số vụ việc mà đơn vị phải thụ lý. Các vụ việc đó đều được chị giải quyết một cách thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội. Hơn nữa, trong cộng đồng các dân tộc ở Nậm Pồ , chị Dua còn là người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm nhờ lối sống ôn hòa, chuẩn mực , t hế nên tiếng nói của chị rất có trọng lượng… ”. Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Pồ thì khẳng định: “Nậm Pồ cần lắm những người cán bộ như Thẩm phán Vàng Thị Dua. Không chỉ là một cán bộ Tòa án mẫu mực mà chị còn là chỗ dựa của đồng bào trên nhiều phương diện”.

Cấp trên ghi nhận, đồng nghiệp nể phục, Bằng khen, Giấy khen xếp đầy ngăn tủ, song có lẽ cái được lớn nhất đối với Thẩm phán Vàng Thị Dua sau hơn 25 năm công tác trong ngành Tòa án là sự yêu mến, tin tưởng của người dân. Bởi đối với đồng bào sống trên mảnh đất tuyệt mù xa ngái nằm tít hút nơi cực Tây của Tổ quốc này, họ trân quý lắm những tấm lòng biết nghĩ cho đồng bào mình thật nhiều và tận tụy như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về nữ Thẩm phán trên miền đá