Nội luật hóa Công ước chống tra tấn: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân

PV| 03/04/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 BLTTHS năm 2015 phù hợp với nội dung quy định của Công ước chống tra tấn và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của LHQ.

Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều  60 và điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Quy định về quyền im lặng được đánh giá cao vì nó góp phần chống bức cung, nhục hình, bảo vệ quyền con người và phù hợp với nền tố tụng tiến bộ của nhiều nước trên thế giới. Những quy định này cũng trùng khớp với quy định tại Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16/12/1966; có hiệu lực ngày 23/3/1976 mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982.

Bên cạnh đó, pháp luật hình sự nước ta đã cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 16 BLTTHS, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

Nội luật hóa Công ước chống tra tấn: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Một phiên tòa xét xử các bị cáo về tội dùng nhục hình

Khoản 1 Điều 58 BLTTHS năm 2003 quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ…”, nhưng thực tiễn cho thấy việc tham gia vào các giai đoạn tố tụng hình sự ban đầu của người bào chữa là rất khó khăn và ít thực hiện được. Người bào chữa chủ yếu chỉ được tham gia bào chữa khi Cơ quan điều tra đã hoàn tất các hoạt động điều tra và chuyển sang giai đoạn truy tố. Do đó, trong khoảng thời gian từ khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam đến khi truy tố có nhiều khả năng, cũng như nguy cơ xảy ra các hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình sẽ được thực hiện. Vì vậy, để hạn chế việc thực hiện các hành vi nêu trên thì người bào chữa cần phải có mặt, tham gia ngay từ giai đoạn tố tụng ban đầu, cụ thể trong giai đoạn khởi tố vụ án thì người bào chữa tham gia từ khi một người bị bắt (trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang), bị tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, phải quy định quyền của người bào chữa là có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can.

Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã có những quy định tương đối phù hợp với những nguyên tắc và tiêu chuẩn cơ bản của Công ước chống tra tấn, nhưng vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để ngày càng phù hợp hơn với những yêu cầu của Công ước.

Hiến pháp năm 2013 đã có quy định cụ thể về cấm tra tấn, tuy nhiên Bộ luật Hình sự  2015 cũng chưa hình sự hóa hết các hành vi theo khái niệm tra tấn của Công ước mà chỉ dừng lại ở vấn đề liên quan như nhục hình, bức cung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. Hơn thế, khách thể của tội dùng nhục hình và tội bức cung chỉ trong phạm vi điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, chưa bao trùm một số hoạt động như: xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tạm giữ, tạm giam, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại... Đây là những giai đoạn có thể xảy ra các hành vi tra tấn. Đồng thời, tội bức cung chưa đủ phản ánh đầy đủ mặt khách quan của hành vi nguy hiểm: bắt, ép người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại khai sai sự thật - cấu thành vật chất.

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 chưa có quy định về nguyên tắc cấm hành vi tra tấn trong quá trình chấp hành án phạt tù; chưa có sự tách biệt giữa cơ quan điều tra với hệ thống các cơ quan quản lý trại tạm giữ, tạm giam. Do vậy, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010 với Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Về “quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng” theo Công ước chống tra tấn đối với nạn nhân, thực tế chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Do vậy, cần quy định theo hướng đơn giản hoá các thủ tục xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường của nhà nước, đồng thời quy định xem xét bồi thường những thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, cả về vật chất và tinh thần, qua đó bảo đảm nạn nhân bị tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục có thể được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Các BLHS, BLTTHS, Luật Tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII, thông qua theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 83/2014/QH là thành công lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội, bước tiến dài trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để việc “nội luật hóa” Công ước chống tra tấn tốt hơn, đầy đủ hơn, có thể học tập kinh nghiệm của một số nước để xây dựng một đạo luật riêng về chống tra tấn phù hợp với Công ước chống tra tấn mà chúng ta đã tham gia ký kết, qua đó phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội luật hóa Công ước chống tra tấn: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân