Yakuza Nhật Bản, Tam Hoàng Trung Hoa và mafia Colombia vẫn… liên tục phát triển, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn các hoạt động đầy tội ác của chúng.
Yakuza hay mafia Nhật Bản
Tại thành phố Tsukuba miền trung Nhật Bản, nơi thường xuyên tổ chức các kỳ Hội chợ Khoa học kỹ thuật quốc tế thường niên, thu hút hàng triệu lượt người tới tham quan và đương nhiên mafia cũng không thể “làm ngơ”.
Cả biển người cần nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm kỷ vật là những “phi vụ” làm ăn trị giá bạc tỉ không dễ bỏ qua.
Quanh khu vực triển lãm, giới thành viên thuộc các băng đảng tội phạm có tổ chức đã bỏ tiền đầu tư vào hệ thống khách sạn, cửa tiệm cũng như hàng quán. Nhưng chúng không phải đến từ Sicily (Italy) - “cái nôi” của mafia quốc tế, mà chính là tổ chức Yakuza bản địa người Nhật.
Yakuza là băng nhóm tội phạm có tổ chức lâu đời nhất xứ Phù Tang, với gần 60.000 thành viên quy tụ trong 2.230 chi nhánh; đồng thời cũng là tổ chức mafia rủng rỉnh bạc tiền nhất thế giới.
Theo ước tính của Bộ Nội vụ Nhật Bản, thì trung bình hàng năm Yakuza kiếm được chừng 5 tỉ USD “lãi ròng” - ngang ngửa với Tổng thu nhập thường niên (GDP) của một quốc gia dạng “thường thường bậc trung” trên địa cầu.
Nhưng nguồn lợi nhuận chủ yếu của Yakuza vẫn là việc buôn lậu thuốc phiện. Yakuza Nhật Bản đảm trách hầu hết các phi vụ vận chuyển heroin từ châu Á sang Hoa Kỳ qua quần đảo Hawaii trước tiên, để rồi sau đó hàng sẽ “đổ bộ ồ ạt” vào vùng bờ biển tiểu bang California. Từ đó phân tán đến New York và các đô thị Mỹ khác.
Trên “miền đất hứa” Hoa Kỳ, Yakuza đặc biệt đang muốn chinh phục địa bàn Atlantic City thuộc tiểu bang New Jersey, nơi trú đóng “đại bản doanh” của Cosa Nostra Mỹ gốc Italy, nhằm thâu tóm hệ thống sòng bạc phi pháp đồ sộ tại đây, cũng là nguồn thu chủ yếu bao đời nay của các băng đảng mafia bản địa.
Tam Hoàng - tổ chức tội phạm Trung Hoa sừng sỏ nhất
Chếch xuống phía tây nam Nhật Bản chút ít theo vị trí địa lý, nơi tọa lạc nhà nước Trung Hoa đông dân nhất hành tinh, tổ chức tội phạm Tam Hoàng vẫn ngang nhiên lộng hành. Tam Hoàng từng tồn tại ngay từ đầu thế kỷ XVII và luôn đặt “dấu ấn” trong lịch sử Trung Quốc đương đại từ đó đến nay.
Tuy tệ nạn thuốc phiện đã bị chính quyền Trung Hoa mới chính thức cấm vào năm 1949, nhưng thực ra nó vẫn luôn là một thị trường âm ỉ cùng đà tiêu thụ khổng lồ với cả chục triệu con nghiện. Lẽ dĩ nhiên Tam Hoàng đã nhúng tay vào chỉ đạo mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức các tụ điểm hút chích, buôn bán và phân phối cả sỉ lẫn lẻ mọi dạng ma túy.
Dọc đường biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar dài hơn 2.000km dẫn tới khu Tam giác Vàng, luôn là những “điểm nóng” thường trực truy quét bọn buôn lậu “cái chết trắng”.
Chính vì công cuộc đấu tranh bài trừ ma túy dai dẳng đầy cam go, đã khiến ngành công an Trung Quốc quyết định gia nhập Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) từ 4 thập niên trước, nhằm ngăn ngừa và trấn áp tội phạm trên bình diện đa quốc gia.
Theo đánh giá của nhóm chuyên viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hiện tổ chức tội phạm Tam Hoàng có tới 80.000 thành viên rải khắp các châu lục trên địa cầu, là một “chủ nhân ông” đầy thế lực ở vùng Tam giác Vàng giáp ranh giữa 3 quốc gia Lào, Myanmar và Thái Lan, nơi xuất xứ chủ yếu lượng heroin và morphine ra khắp thế giới.
Bị chính quyền cách mạng Trung Quốc truy đuổi, Tam Hoàng buộc phải tản mát xuống phía nam. Đầu tiên là Hongkong, kế đến là đảo Đài Loan sau khi người Anh trao trả Hongkong về cho Bắc Kinh dạo giữa năm 1997.
Trước hơn 3 thập niên vào năm 1965, Tam Hoàng bắt đầu bành trướng sang Mỹ. Khởi đầu, các chi hội Tam Hoàng bên Tân thế giới được người ta ghi nhận như là một tổ chức ái hữu thuầntúy trong giới Hoa kiều mới định cư.
W. Chan (ngồi ghế) trong chuyến “kinh lý” tới khu Hip Sing ở California mới thâu tóm được
Nhưng “vòi bạch tuộc” đã thò ra ngay sau đó, cùng sự xuất hiện của băng nhóm do Wing Yeung Chan (1945-2006), một cựu sĩ quan cảnh sát Hongkong biến chất cầm đầu. Rồi chi nhánh tội phạm này đã nhanh chóng thu phục hệ thống sòng bạc trong khu Chinatown ở New York, cũng như các khu thương mại sầm uất ở Chicago, Seattle và San Francisco.
“Tính trữ tình nguyên sơ của các khu Chinatown đã mãi mãi chấm dứt - cố đạo diễn điện ảnh Mỹ nổi tiếng Orson Welles (1915-1985), người từng đạo diễn bộ phim “Citizen Kane” (Công dân Kane) được xếp đứng đầu danh sách “Những kiệt tác màn bạc hay nhất trong lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood” lúc sinh thời lên tiếng than vãn - Những vụ va chạm lẻ tẻ không cố ý thuở nào đã biến thành các cuộc thanh trừng nhẫn tâm có ý thức”.
Băng đảng cocaine hay mafia Colombia
Còn ở Colombia thuộc Nam Mỹ, các băng đảng cocaine truyền thống ngày càng cường thịnh hơn, cũng như nhẫn tâm vô độ hơn. Với nguồn lợi tức lên tới cỡ 6 tỉ USD/năm. Các sếp sòng của bè lũ mafia Colombia thậm chí còn trơ trẽn đề nghị với Chính phủ nước này, rằng “nếu như các ngài không lùng bắt và dẫn độ chúng tôi sang Mỹ, thì chúng tôi sẽ đứng ra trả món nợ quốc gia kếch xù thay cho các ngài”. Được biết hiện Colombia đang nợ nước ngoài khoản tiền lên tới 14 tỉ USD.
C. Lehder (giữa) bị dẫn độ sang Mỹ xét xử
Cơ cấu hoạt động của tổ chức tội phạm Nam Mỹ này không khác gì giới mafia “nhà nòi” bên Sicily. Hiện tại có chừng 15 dòng họ mafia Colombia đang thâu tóm việc sản xuất và cung cấp thứ độc dược cocaine cho cả thế giới. Carlos Lehder là kẻ cầm đầu một dòng họ Bogota cộm cán nhất.
Hắn khởi đầu sự nghiệp phạm pháp bằng việc buôn bán xe hơi ăn cắp, rồi tích lũy được số tiền đủ mua Normans Cay - một hòn đảo rộng vài trăm mẫu Anh trong quần đảo Bahamas thuộc vùng Caribbean. Một ngày nọ, cảnh sát địa phương kết hợp với FBI Mỹ tình cờ phát hiện ra đoạn đường băng đáng ngờ trên đảo hòn đảo này, chuyên dụng cho phi cơ vận tải chính là nơi vận chuyển “quá cảnh” cocaine từ Colombia qua tiểu bang Florida.
C. Lehder chính là ông chủ lớn trong đường dây này. Bị cảnh sát Bahamas săn lùng ráo riết, hắn đã lui về “ở ẩn” trên đất liền tại một trong những khu trang trại thuần ngựa lớn nhất Colombia. C. Lehder chỉ tôn sùng 2 “thần tượng đã khuất núi” là ca sĩ John Lennon (1940-1980) thuộc ban nhạc “Tứ quái” Anh The Beatles và nhà độc tài quốc xã Đức Adolf Hitler (1889-1945).
Hắn đã dựng tượng Lennon trong vũ trường thuộc khu trang trại rộng mênh mông. Còn “noi gương” Hitler, C. Lehder đã đích thân đứng ra thành lập đảng Vận mệnh Quốc gia Colombia, với nòng cốt là tổ chức bán vũ trang MAC. Nhiều thành viên thuộc MAC đã bị kết tội vì mưu sát giới lãnh đạo công đoàn và các đại diện của lực lượng cánh tả Colombia.
Vốn là một kẻ ngông cuồng, hợm hĩnh kết hợp với bản chất gangster hiếu chiến, hắn từng huênh hoang trước một đám ký giả quốc tế: “Cocaine chính là trái bom nguyên tử của người Mỹ Latin, thay mặt cho Thế giới thứ 3 trả đũa lại thói trịnh thượng đế quốc của chính giới Hoa Kỳ”.
Cố Bộ trưởng Tư pháp R. Bonilla - sát thủ của bọn tội phạm ma túy Colombia – lúc sinh thời
Đường hoan lộ đầy tội ác của những tên sếp sòng mafia Colombia hầu như không vấp phải trở ngại nào, chí ít cho đến khi ông Rodrigo Lara Bonilla (1946-1984), vị Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên thuộc đảng Tân Tự do Colombia chính thức nhận nhiệm sở. Tức thì R. Bonilla tuyên bố mở màn cuộc chiến không khoan nhượng với bọn buôn lậu ma túy.
Mafia lập tức tung hỏa mù rằng “lại tái diễn cảnh đầu voi đuôi chuột thôi, bởi Rodrigo là người của chúng ta. Tổ chức đã chi một triệu USD cho Ủy ban bầu cử của ông ấy”. Nhưng Bộ trưởng R. Bonilla vẫn không hề nao núng.
Tới tháng 3-1984 thì cảnh sát đã thành công trong việc khám phá ra một khu đồn điền trồng cây coca lớn nhất hành tinh, hơn 15 tấn cocaine thành phẩm đã bị tịch thu và đem đi tiêu hủy. Một khối lượng khổng lồ, nếu so với kỷ lục 445kg cocaine nguyên chất được tìm thấy dạo giữa năm 1983 tại Bolivia.
Mafia rắp tâm trả thù. Ngày 30-4-1984 đương kim Bộ trưởng Tư pháp R. Bonilla bị 2 kẻ lạ mặt bắn chết giữa ban ngày ban mặt, một “cái tát như trời giáng” nhắm vào chính thể Bogota, khiến Tổng thống đương nhiệm Belisario Betancur (1923-2018) phải ban bố tình trạng đặc biệt trên cả nước, đồng thời xúc tiến việc ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm mới với Washington.
Nhưng phải chăng chính giới Colombia sẽ tiễu trừ tận gốc được mọi mầm mống mafia, trong khi chúng đang dần hình thành là một thực lực không dễ coi thường trong nền kinh tế đất nước? Như các thông số “biết nói” do đích thân đương kim Giám đốc Ngân hàng Trung ương Colombia Juan José Echavarría nêu ra, đã tố cáo tất cả: “Thực ra khoảng phân nửa nguồn thu ngoại tệ của đất nước có được, là nhờ vào những hoạt động liên quan mật thiết tới việc buôn lậu thuốc phiện”.
Lời cảnh tỉnh
3 tổ chức tội phạm nêu trên đã thò bàn tay nhớp nhúa ra khắp nơi, từ châu Mỹ Latinh và châu Á sang “miền đất hứa” Hoa Kỳ, muốn chinh phục cả Australia lẫn Canada, cũng như lăm le tràn ngập châu Âu.
Bằng chứng tội ác của chúng luôn thể hiện qua những công văn mật thường niên của các Ủy ban Điều tra tội phạm có tổ chức thuộc Lưỡng viện Quốc hội Mỹ, qua các báo cáo chính thức của cảnh sát Đài Loan và Hongkong, cũng như trong các cuộc trả lời phỏng vấn từ giới tư pháp cao cấp thuộc Liên minh châu Âu (EU), rồi cả giới tướng lĩnh thuộc Tổ chức Cảnh sát Hình sự châu Âu (Europol).
“Giờ đây chúng tôi không chỉ chuyên tâm tới tổ chức mafia Cosa Nostra ở Sicily không thôi - ông Preet Bharara, Viện trưởng Viện Công tố khu vực nam New York, một nơi vốn là “lò lửa” thường trực trong các cuộc thanh trừng đẫm máu giữa ngũ đại gia mafia Mỹ gốc Italy, cho biết - mà cần đặc biệt lưu ý tới 3 nhóm tội phạm Yakuza, Tam Hoàng và mafia Colombia đang “đổ bộ ồ ạt” vào đây, nhằm tranh giành lãnh địa với các băng đảng bản xứ đang có chiều hướng suy sụp từ những chiến dịch bài trừ tội phạm mạnh mẽ của cảnh sát địa phương”.
Đường hướng phát triển của 3 tổ chức tội phạm “mới mà cũ” này cũng không khác gì giới mafia nguyên thủy. Cũng như ở Sicily, các siêu bố già châu Á và Nam Mỹ bành trướng tổ chức của mình ra các vùng đất khác dựa theo các tập tục truyền đời về dòng tộc, thân bằng quyến thuộc, đồng hương làng xóm, họ hàng xa gần… nôm na là tất cả những Nhật kiều, Hoa kiều, hay Colombia kiều nào có thể lôi kéo và thu phục được.
Tại những miền đất mới, hầu hết các khoản tiền phi pháp mờ ám được tẩy rửa qua việc đầu tư vào các ngành kỹ nghệ tân tiến, cũng như dùng những đồng tiền bẩn ấy để mua chuộc cả giới chính khách lẫn tài chính cao cấp… Y như từng xảy ra ở Palermo (Sicily) hay Brooklyn (New York) thuở nào.
Thực tế trong các thập niên qua câu trả lời vẫn vậy: Yakuza Nhật Bản, Tam Hoàng Trung Hoa và mafia Colombia vẫn… liên tục phát triển, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn các hoạt động đầy tội ác của chúng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ, cho rằng mọi dạng mafia bất hợp pháp đều đã bị xóa sổ.