Không chỉ có Mỹ, giờ đây từ Đức, Anh, Canada và nhiều quốc gia khác đã cùng hợp lực chống lại việc bán các công ty công nghệ của mình cho các công ty Trung Quốc vì lo ngại an ninh.
Theo đó, bất chấp việc đang đối chọi gay gắt với Mỹ về nhiều mặt, nhưng Canada, Mexico hay Liên minh châu Âu vẫn đồng tình với Washington về nỗi lo Trung Quốc sẽ lợi dụng các khoản đầu tư và các vụ sáp nhập để ăn cắp công nghệ và truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Từ đầu năm 2018, Mỹ bắt đầu bài trừ các khoản đầu tư của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn một số thương vụ lớn, nhiều nhà đầu tư đã dự đoán Bắc Kinh sẽ tìm kiếm những cơ hội mới. Nhưng mọi chuyện giờ trở nên khó khăn hơn với Bắc Kinh vì nhiều quốc gia đã bắt đầu cảnh giác với tham vọng thâu tóm các công ty nước sở tại của Trung Quốc.
Nhiều nước đồng loạt quay lưng, bài trừ các khoản đầu tư của Trung Quốc
Mỹ là nước khơi mào khi khẳng định Bắc Kinh đang sử dụng các khoản đầu tư để có được các cơ sở hạ tầng quan trọng. Kể từ khi nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định Trung Quốc là một người chơi không công bằng trong thương mại và chính quyền của ông đã mạnh tay ngăn chặn một số thương vụ thâu tóm các công ty Mỹ do Trung Quốc đề xuất.
Cách đây vài tháng, tập đoàn Trung Quốc HNA đã định bỏ ra vài trăm tỷ USD để mua lại cổ phần tại Quỹ đầu tư SkyBridge Capital của Anthony Scaramucci - cựu giám đốc truyền thông trong thời gian ngắn của Tổng thống Donald Trump nhưng không thành. Thương vụ mua lại công ty bán dẫn Xcerra với cái giá 580 triệu USD mà công ty Sino IC Capital được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cũng thất bại.
Sự sụt giảm đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đang trở nên đáng báo động. Trong nửa đầu năm 2018, công ty Trung Quốc chỉ rót được vào thị trường Mỹ 1,8 tỷ USD, giảm 90% so với năm 2017 và là mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Tháng trước, Tổng thống Trump đã đặt bút ký một đạo luật mở rộng quyền hạn đối với Ủy ban liên ngành về đầu tư nước ngoài (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các đe dọa về an ninh quốc gia hay không.
Mario Mancuso, cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng Mỹ đang đẩy mạnh làn sóng chống đầu tư Trung Quốc và đánh tiếng để các quốc gia khác làm điều tương tự.
Đức cũng đã bắt đầu soạn thảo một số điều luật sau khi các tập đoàn Trung Quốc sáp nhập và mua lại các công ty trong nước.
Vào tháng 8 vừa qua Tập đoàn Yantai Taihai của Trung Quốc đã phải rút đề nghị mua lại Leifeld Metal Spinning, công ty sản xuất thiết bị dùng trong ngành hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức vào phút chót sau khi chính phủ Đức đánh tiếng về việc họ sẽ ngăn chặn thương vụ này vì lý do an ninh.
Đây là lần đầu tiên nội các của Thủ tướng Merkel tỏ rõ lập trường và can thiệp sâu vào một vụ mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài đến vậy. Trong năm 2017, Đức cùng Pháp và Italia cũng kêu gọi một cơ chế toàn châu Âu để xem xét nghiêm ngặt các khoản đầu tư nước ngoài.
Anh, một trong những thị trường đầu tư ưa thích của Trung Quốc dưới thời Thủ tướng David Cameron giờ cũng đã bắt đầu nối gót Mỹ, Đức, Pháp thành lập một ủy ban chuyên biệt như CFIUS.
Vào tháng 7/2018, London phát hành Sách trắng An ninh quốc gia và Đầu tư, trong đó quy định nâng cao quyền hạn của chính phủ nhằm ngăn chặn các vụ mua bán có thể đe dọa tới an ninh quốc gia.
Tháng 5/2018, Canada viện dẫn lý do an ninh, can thiệp khiến nỗ lực tiếp quản công ty xây dựng Aecon của một công ty Trung Quốc không thành.
Những thất bại này cùng hàng loạt thương vụ đổ bể khác khiến đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trên toàn cầu giảm xuống còn xuống 124,6 tỷ USD, con số thấp nhất kể từ năm 2002. Đây là con số đáng thất vọng bởi có thời điểm nó từng chạm tới mốc 196,15 tỷ USD.
Ông Jeremy Zucker, người đứng đầu về hoạt động thương mại quốc tế của công ty luật Dechert ở Washington phân tích, điều này là biểu hiện cho thấy nhiều nước bắt đầu cảnh giác về các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Và nó đang được thúc đẩy bởi chính quyền Tổng thống Trump.
Một trong những nguyên nhân khắc khiến sự cảnh giác của nhiều nước với Trung Quốc lên cao, theo ông Zucker là kế hoạch chiến lược "Made in China 2025". Người Trung Quốc coi đây là bàn đạp để thống trị công nghệ thế giới trong 7 năm tới nhưng với phương Tây, nó chẳng khác nào một tuyên bố chiến tranh.
Vào thời điểm hiện tại, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục leo thang, các nỗ lực thâm nhập vào thị trường Mỹ của Bắc Kinh sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Và Bắc Kinh cũng đang dần hiểu rằng các quốc gia phương Tây khác đã không còn là những lựa chọn thay thế rõ ràng như trước.