Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố, chuyến công du này của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy sự phát triển hòa bình toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm và ông đã lên kế hoạch thăm Paris, Belgrade và Budapest theo lời mời của các nhà lãnh đạo Pháp, Serbia và Hungary.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đưa tin, chuyến công du châu Âu của Tập Cận Bình sẽ kéo dài từ ngày 5 đến ngày 10/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới các thủ đô châu Âu sẽ thúc đẩy mối quan hệ của Trung Quốc với Pháp, Serbia, Hungary và châu Âu nói chung, cũng như sẽ thúc đẩy sự phát triển hòa bình toàn cầu.
Pháp
Ông Tập Cận Bình đến Pháp vào ngày 5/5 và dự định ở lại đó cho đến ngày 7/5. Theo người phát ngôn Lâm Kiếm, các cuộc đàm phán giữa nguyên thủ quốc gia sẽ tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau và đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Pháp lên một tầm cao mới.
Khi đến Pháp, ông Tập cho biết trong một bài phát biểu bằng văn bản rằng, Trung Quốc sẵn sàng củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, xây dựng sự đồng thuận chiến lược, tăng cường trao đổi và hợp tác với Pháp.
Ông Tập lưu ý trong bài phát biểu rằng, ông sẽ trao đổi sâu sắc quan điểm với Tổng thống Macron về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc-châu Âu trong hoàn cảnh mới, đồng thời thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế lớn trên thế giới hiện nay.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Pháp trong vòng 5 năm. Sự kiện này trùng với dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp và có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy những thành tựu trong quá khứ và mở ra những triển vọng mới cho quan hệ song phương.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đón ông Tập tại sân bay Orly.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một cuộc họp ba bên dự kiến cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Ông Tập Cận Bình và ông Macron dự kiến sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, tình hình ở Trung Đông, cũng như các vấn đề thương mại và hợp tác về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Serbia
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Serbia vào ngày 7-8/5. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó tuyên bố rằng chuyến thăm Serbia là chuyến thăm đầu tiên sau 8 năm và sẽ là "một cột mốc quan trọng trong việc cải thiện và đổi mới quan hệ Trung Quốc-Serbia".
Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, cải thiện mức độ quan hệ Trung Quốc-Serbia và vạch ra lộ trình phát triển quan hệ song phương trong tương lai.
Thủ tướng Serbia kiêm Chủ tịch Đảng Tiến bộ Serbia cầm quyền Milos Vucevic trước đó tuyên bố rằng Trung Quốc là đồng minh và đối tác chiến lược đáng tin cậy của Serbia.
Ông Vucevic cho biết vào đầu tuần này: “Đạt cao nhất trong năm nay sẽ là việc phê chuẩn và có hiệu lực của hiệp định thương mại tự do, điều này sẽ mở ra thị trường Trung Quốc rộng lớn cho các doanh nghiệp của chúng tôi”.
Hungary
Chặng cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình sẽ là chuyến thăm Hungary, nơi ông sẽ hội đàm với Tổng thống Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban vào ngày 8-10/5. Người phát ngôn của Chính phủ Hungary Bertalan Havasi trước đó tuyên bố rằng, "năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước".
Ông cũng lưu ý rằng "mục đích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc là tăng cường hơn nữa các mối quan hệ liên chính phủ cũng như thương mại và kinh tế giữa Hungary và Trung Quốc, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới".