Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, dẫn đến thừa thiếu giáo viên.
Tinh giản biên chế còn cứng nhắc
Giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên là 1 trong 5 giải pháp quan trọng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt ra trong tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra vào sáng 6/8 với sự tham gia của 64 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT, năm học 2018-2019, các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn. Một số địa phương chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào chỉ thị, nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh. Sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế khi một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất.
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Hiện nay một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Nam Định. Nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định như Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số. Hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Ở bậc đại học, số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.
Song song với đó, chế độ chính sách đối với giáo viên còn chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội. Việc giáo viên được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn, chính sách tiền lương đối với giáo viên mầm non hiện tại không còn phù hợp...
Đề xuất bổ sung hơn 20.000 giáo viên
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá, một số địa phương quy hoạch, phát triển trường học còn chậm, nhất là khu công nghiệp. Vấn đề đội ngũ giáo viên vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, dẫn tới bất cập trong điều hành quản lý.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương. Chính sách đội ngũ giáo viên còn chưa thực hiện được như: Thang bảng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chế độ phụ cấp cho nhà giáo…
Theo đại diện Bộ Nội vụ, tới đây Bộ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng. Năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Bộ Giáo dục đề xuất bổ sung hơn 20.000 biên chế giáo viên mầm non. Ảnh minh họa
Theo đó, bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Cụ thể, Quảng Ngãi có 6 huyện (gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Minh Long) trong diện sắp xếp lại. Căn cứ vào tình hình thực tế, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý cho 6 huyện nói trên được sử dụng giáo viên hợp đồng.
Riêng Hà Nội, tại kỳ họp HĐND đã nêu phương án của UBND Hà Nội đưa ra là xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên 5 năm rồi mới thi tuyển số giáo viên còn lại.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học. Chấn chỉnh tình trạng một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân. Phải bố trí đủ quỹ đất cho trường lớp, nhất là mầm non, phải bảo đảm đủ trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.