Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH vừa qua, báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực nội vụ. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ tác động của tinh giản biên chế sự nghiệp tới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương, một số ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành còn cần có sự phối hợp quản lý của nhiều bộ. Tuy nhiên, công tác phối hợp còn hạn chế nên hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với những ngành, lĩnh vực này chưa cao.
Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế, định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu, ban hành từ lâu (trước Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục và đào tạo (chiếm tỷ trọng gần 80% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Một số cơ quan, tổ chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế đặc thù (người làm việc chưa được tính trong chỉ tiêu biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao) nên cần báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp thống nhất quản lý.
Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một số bộ, ngành chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ được giao; chưa bám sát nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quá trình hoàn thiện thể chế, còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật theo yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực làm cơ sở để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
Về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý biên chế, công chức, viên chức, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ đối với từng tồn tại, hạn chế được nêu tại Báo cáo về việc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa sửa đổi định mức biên chế, tình trạng người làm việc chưa được tính trong chỉ tiêu biên chế công chức của một số cơ quan, tổ chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế đặc thù.
Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tác động, ảnh hưởng như thế nào (những vấn đề định tính thì cần có đánh giá cụ thể, những vấn đề có thể định lượng được thì nêu rõ số liệu) đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn về các nguyên nhân (khách quan và chủ quan) gắn với những tồn tại, hạn chế để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, một số tồn tại, hạn chế chưa gắn với các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới (như việc thực hiện xã hội hóa trong các ngành, lĩnh vực sự nghiệp công chưa đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số ngành, lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm).
Chưa đánh giá được chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là những đơn vị sự nghiệp được sắp xếp, tổ chức lại; chưa đánh giá về việc tinh giản biên chế sự nghiệp có tác động như thế nào đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, cụ thể, sát với tình hình thực tế để từ đó kiến nghị những giải pháp cho phù hợp và hiệu quả.