Cơ quan Cứu hỏa và Quản lý thảm họa của Nhật Bản (FDMA) đã tiến hành một cuộc diễn tập hệ thống có thể được sử dụng để báo động nhà chức trách địa phương về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng một vệ tinh lên quỹ đạo
Trong cuộc diễn tập, FDMA đã sử dụng hệ thống báo động khẩn cấp J-Alert để phát thử một thông điệp tới chính quyền các tỉnh, thành phố, thị trấn và làng xã vào lúc 11 giờ sáng cùng ngày (giờ địa phương). Các chính quyền địa phương có nhiệm vụ thông báo cho FDMA biết nếu nhận được thông điệp.
Hệ thống phòng không Patriot đã được thiết lập hoàn chỉnh gần trụ sở của Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Hệ thống J-Alert phát báo động nhanh chóng từ chính phủ trung ương tới các chính quyền địa phương để khẩn trương sơ tán cũng như có các hành động kịp thời trong tình huống xảy ra thảm họa.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc diễn tập tại tỉnh Okinawa, khu vực có nhiều khả năng nhất nằm trên đường đi của tên lửa Triều Tiên, trong đó có việc phát đi các thông điệp báo động tới người dân qua các hệ thống thông báo công cộng.
Cùng ngày 5/2, hai hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) thông báo thay đổi lộ trình bay đối với một số chuyến bay, trong bối cảnh Triều Tiên có kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào cuối tháng này.
Theo ANA và JA, từ ngày 8- 25/2, hai hãng sẽ chuyển lộ trình bay của các chuyến bay trên vùng biển ngoài khơi Philippines, nơi các bộ phận tên lửa của Triều Tiên dự kiến rơi xuống sau khi được phóng. Thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới 3 chuyến bay của hãng ANA và 2 chuyến bay của hãng JAL, theo đó chuyến bay dự kiến sẽ bị chậm từ 5 đến 10 phút.
Ngày 2/2 vừa qua, Triều Tiên đã thông báo với các tổ chức quốc tế về kế hoạch phóng một vệ tinh quan sát Trái Đất lên quỹ đạo trong thời gian từ ngày 8-25/2 tới. Thông báo trên được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6/1 vừa qua.
Triều Tiên khẳng định rằng các chương trình vũ trụ của nước này vì mục đích khoa học, song dư luận quốc tế luôn quan ngại các hoạt động phóng tên lửa của nước này, cho rằng đây thực chất là các vụ thử tên lửa đạn đạo.
LHQ đã ra các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng sử dụng bất kỳ công nghệ đạn đạo nào, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ phóng vệ tinh gần đây nhất của nước này hồi tháng 12/2012.