Trên một con đường đầy nắng ở Hiroshima, một du khách đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng thay vì nhìn thấy một bờ sông nhộn nhịp, họ phải chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng, với những thi thể cháy xém và những ngọn lửa bỏng rát…
Những gì họ đang thấy là một phần của chuyến tham quan bằng công nghệ thực tế ảo (VR) cho phép mọi người trải nghiệm thành phố như trước, trong và sau vụ đánh bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945.
Đó là một trải nghiệm có thể khiến khách tham quan gặp một cú sốc tâm lý, nhưng Hiroshi Yamaguchi, người đang cung cấp các tour du lịch trải nghiệm này, tin rằng nó có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về tác động của một vụ tấn công hạt nhân cũng như thành phố từng tồn tại trước đó.
"Tôi nghĩ ngay cả một số người sống ở Hiroshima cũng không biết rằng Công viên Hòa bình ngày nay từng là một thị trấn bình thường, nơi mọi người sinh sống", người đàn ông 44 tuổi này cho biết. "Nhìn thấy nó không chỉ trong những bức ảnh mà còn bằng cách trải nghiệm nó một cách sâu sắc sẽ giúp mọi người cảm nhận rõ nét hơn những đau đớn và mất mát mà thị trấn này đã từng phải hứng chịu”.
Chuyến tham quan bắt đầu tại nơi bây giờ là Nhà nghỉ Công viên Hiroshima, vốn là trụ sở của Hiệp hội phân phối nhiên liệu vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom. Nó chỉ cách trung tâm vụ nổ 170m và tất cả trừ một người trong số 37 người có mặt ở tòa nhà vào thời điểm đó đã thiệt mạng. Người sống sót duy nhất đang ở dưới tầng hầm khi quả bom rơi xuống và chuyến tham quan một phần dựa trên những gì mà anh ấy thấy khi bước lên mặt đất từ căn hầm - những cảnh tượng ám ảnh anh ta đến hết đời.
Khoảng 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công và hậu quả để lại của nó không kể xiết.
Công ty Tabimachi Gate Hiroshima của Yamaguchi đã làm việc với các tài liệu lưu trữ từ Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình của thành phố, cùng sự hợp tác của một tờ báo địa phương và lời kể của những người sống sót để tạo ra các phân đoạn hình ảnh VR cho năm điểm dừng xung quanh Công viên Hòa bình.
Những người tham quan đi bộ dọc theo tuyến đường mang theo tai nghe VR cho phép họ trải nghiệm khu vực như trước khi xảy ra vụ đánh bom, trong cuộc tấn công và sau khi được tái thiết.
Chuyến tham quan kéo dài khoảng một giờ, sau đó là thời gian thảo luận. Phần lớn mọi người đều cảm thấy ấn tượng với chuyến tham quan trải nghiệm này. Yamaguchi cho biết một số người thấy trải nghiệm này quá hấp dẫn và đã hủy bỏ hoặc dừng các chuyến tham quan khác. Nhưng với trẻ em sẽ được cung cấp một phiên bản khác, trong sáng hơn. “Trẻ em không phải là đối tượng cần chứng kiến và thấy mùi của cơ thể người bị đốt cháy và phân hủy”, Yamaguchi nói.
Công ty của Yamaguchi vốn chủ yếu tập trung vào các loại hình du lịch khác và chuyến du lịch hòa bình là một dự án tâm huyết đối với anh với tư cách là hậu duệ của hibakusha - tên dành riêng cho những người sống sót sau vụ đánh bom. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng đã từng có một thành phố yên bình trước thảm họa xảy ra và nó đã được tái thiết lại như thế nào", anh nói.