Đời sống

Người Mường ở Đồng Thịnh giúp nhau thoát nghèo

Thanh Phương 20/09/2023 11:30

Nhiều năm qua, người Mường ở Làng Rềnh (Đồng Thịnh, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bị những phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỉ lại, thiếu cách làm nên bị kìm kẹp trong cái đói, cái nghèo. Việc khai phá mảnh đất khó này đã bắt đầu từ trong tư tưởng đến hành động khi Bí thư chi bộ, kiêm trưởng làng đến từng nhà gõ cửa, vận động.

Làng Rềnh có diện tích tự nhiên 540 ha, dân số có 125 hộ với 505 khẩu, có 2 dân tộc anh em Kinh và Mường cùng chung sống, giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Nhân dân trong làng chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng nhỏ lẻ, nên vẫn còn 40 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Một số gia đình không có điều kiện hoặc tư tưởng cũ đã bắt con cái nghỉ học sớm để đi làm. Vòng xoáy đói, nghèo cứ thế lặp lại.

caitaovuong.jpg
Người dân cải tạo vườn để trồng rau màu

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai sâu, rộng trên huyện miền núi Ngọc Lặc. Không chỉ giúp nhau sinh kế sản xuất, kinh doanh, mà người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Các tổ chức, cán bộ xã xuống tận nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân, qua đó có cách tiếp cận, lựa chọn được lĩnh vực phù hợp.

Ông Phạm Văn Tôn (sinh năm 1966, nguyên là Trung tá Bộ đội Biên Phòng), người địa phương dân tộc Mường đã rất tích cực tuyên tuyền, vận động bà con nhân dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi phương thức sản xuất tự cung tự cấp để chuyển sang hàng hóa, buôn bán.

traulangrenh.jpg
Tận dụng vườn, đồi rộng để chăn nuôi gia súc

Nhiều mô hình như nuôi gà, lợn, trâu, bò để bán cho thương lái được nhân rộng. Tận dụng vườn, đồi phát triển chăn nuôi rất thuận lợi. Bà con lại được cán bộ thú y xuống tận nhà hướng dẫn cho việc phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chăm sóc, ủ ấm cho gia súc, gia cầm mỗi khi sương giá, gió rét mùa đông về. Kinh nghiệm của người dân được nâng lên.

Năm 2021, ông Tôn nghỉ hưu về nhà và được bà con nhân dân tín nhiệm bầu là Bí thư, Trưởng làng. Chính vì thế, ông Tôn càng có nhiều thời gian để đi đến tận nhà, trò chuyện, hướng dẫn người dân Mường không phải tự ti về gia đình, bản thân mà biến thành động lực để vươn lên. Đời mình nghèo khó thì phải biết hy sinh, cố gắng, nỗ lực để con cái có điều kiện tốt hơn.

ongton.jpg
Ông Tôn tới tận nhà để trao đổi với người dân xây dựng NTM

Chính ông Tôn đã cùng với người dân cầm cuốc, xẻng cải tạo vườn tạp trồng cây keo, cây ăn quả và các loại rau, màu để phục vụ đời sống và bán ngoài chợ, tăng thêm thu nhập hàng ngày. Người này nhìn người kia, cùng nhau giúp đỡ trở thành phong trào sâu, rộng. Các hủ tục lạc hậu như cưới hỏi, ma cháy rườm rà, kéo dài tốn kém được dần loại bỏ. Người dân đau ốm thì ra trạm y tế, đến bệnh viện chứ không cùng bái như trước kia.

Chính vì thế mà đời sống vật chất của người dân dần được nâng lên, qua rà soát đã có 9 hộ chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo, 12 hộ thoát nghèo bền vững. 100% học sinh được tới trường để theo đuổi giấc mơ tri thức, sớm trở về khai phá quê hương.

lamduong.jpg
Người dân Làng Rềnh cùng nhau làm đường, xây dựng NTM

Qua tìm tòi, trăn trở để tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, ông Tôn cùng Chi ủy chi bộ và Ban phát triển làng đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Trưởng làng Phạm Văn Tôn đưa ra các phương án phân công các chi hội phụ trách từng đoạn đường để trồng hàng rào xanh, xây mương làng và lắp cột điện chiếu sáng. "Để người dân nghe theo, trước hết bản thân mình và các cán bộ, đảng viên phải làm trước. Sau một thời gian, người dân tin tưởng đã chung tay vào công việc nên đưa lại hiệu quả rõ rệt", ông Tôn nói.

Đến nay, tuyến đường Làng Rềnh trồng được 1.250 mét hàng rào xanh, trồng cây xanh bóng mát, đường làng được mở rộng, có mương thoát nước gọn gàng ngăn nắp. Tuyến đường điện gồm 54 cột chiếu sáng xung quanh làng, trồng được 45 cây Sao Đen và hơn 30 cây Lát dọc tuyến đường làng và khu nhà văn hóa, xây được một sân khấu ngoài trời và một khu vui chơi cho trẻ em, đổ được hơn 200m2 bê tông nhà văn hóa.

Hiện Làng Rềnh đang tiến hành đổ bể tông tuyến đường sáng xanh - sạch - đẹp để dự thi cấp huyện. San lấp làm đường nội đồng để thuận lợi cho việc đi lại sản xuất nông nghiệp và thủy sản, tu bổ sửa chữa các kênh mương tưới tiêu. Tổ chức dọn vệ sinh môi trường ngày chủ nhật sạch, chăm sóc tưới hàng rào xanh, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, diện mạo NTM được cải thiện, đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao.

"Có được những kết quả trên, trong những năm qua, là do được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp trên và các đoàn thể chính trị xã hội của xã, sự đoàn kết, thống nhất và sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy Chi bộ, Ban phát triển làng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Làng Rềnh và đặc biệt là công sức của trưởng làng", một người dân chia sẻ.

Để phong trào xây dựng NTM phát triển bền vững, thực chất, đi vào đời sống người dân, theo ông Tôn, phải làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã để xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện các phong trào kịp thời, sát với điều kiện thực tế của thôn làng.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhân dân, đổi mới nội dung tuyên truyền dễ hiểu, phù hơp với trình độ, nhận thức của nhân dân, nội dung rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để tổ chức triển khai thực hiện.

"Phải bám sát với Nhân dân, nắm chắc tâm tư tình cảm của Nhân dân, những vấn đề bức xúc của Nhân dân phải được giải quyết dứt điểm có tình, đạt lý, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước", ông Pham Văn Tôn nói.

Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh Quách Văn Tưởng cho biết, trước đây đường làng Rềnh chỉ có 3,5m, dọc 2 bên đường lề đường đất lầy lội, hàng rào chưa được chỉnh trang. Thực hiện phong trào do huyện, xã phát động về xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, ngay sau khi được Đảng ủy, UBND xã triển khai kế hoạch, ông Phạm Văn Tôn đã tổ chức họp dân, đưa ra chủ trương từ huyện, xã xây dựng tuyến đường, sáng, xanh, sạch đẹp với hình thức huy động Nhân dân đóng góp tiền, công sức để làm mương bê tông thoát nước, đổ bê tông thêm 2 bên lề đạt 5,5m.

Vận động Nhân dân đóng góp với số tiền trên 237 triệu đồng, huy động hàng nghìn ngày công với hình thức Nhân dân tự làm, tự giám sát... Bí thư kiêm Trưởng làng Rềnh, bản chất anh bộ đội cụ hồ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Phạm Văn Tôn luôn tích cực đi đến từng ngõ, gõ từng nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên tinh thần lắng nghe, dân chủ, đã tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Đến nay, đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, nhất là về nhận thức trong thực hiện nhà sạch, vườn đẹp, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Vừa qua, ông Tôn được bầu đi dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 do huyện tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Mường ở Đồng Thịnh giúp nhau thoát nghèo