Người Thái thoát nghèo từ du lịch cộng đồng

Thanh Phương| 27/12/2022 14:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tận dụng thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu trong lành, sự nguyên sơ của bản làng ngay sát chân núi, người Thái ở Lũng Cao (huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa) đã có những cách làm độc đáo, sáng tạo để phát triển du lịch cộng đồng. Mỗi lần được trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo nơi đây với những món ăn đậm đà sẽ khiến du khách không thể nào quên.

Từ TP Thanh Hóa di chuyển bằng đường nhựa lên thị trấn trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) khoảng 130 km. Xã Cổ Lũng cách trung tâm huyện chừng hơn 25 km được thảm nhựa hoặc bê tông kiên cố. Cổ Lũng thời điểm này đang mùa nước đổ, những chiếc guồng quay nước tự chế đang phải chạy cật lực để đưa nước lên ruộng bậc thang. Người dân thì tất bật ra đồng làm đất kịp cho vụ cấy trước khi tết về. Nếp nương được lựa chọn để cấy trên đồng phục vụ cho việc làm bánh, đồ xôi đãi khách.

Nơi đây có Thác Hiêu thuộc địa phận Làng Hiêu (nay là làng Ấm Hiêu) nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm nay. Trên đường vào làng Hiêu rất đẹp bởi hai bên là cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào làng. Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Nhiều lúc trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi. Chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá.

a1colung.jpg
Sự thanh bình của bản làng Cổ Lũng

Nơi khởi nguồn của dòng suối Hiêu là từ một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, là mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái Karst, là khu vực đất thấp duy nhất còn lại rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Theo người dân trong vùng suối chảy quanh năm không bao giờ cạn. Mùa mưa lũ, thác gầm réo, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục như nước gạo, nước đậu nành. Do núi đá vôi bị nước xói mòn, những đá non tan ra mà tạo nên lượng vôi lỏng lớn như vậy. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh. Nơi nhẹ nhàng róc rách, nơi nước trút ầm ầm vô cùng thi vị. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng.

a2colung.jpg
Guồng quay nước tự chế của người dân

Hiêu trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra đúng với địa thế Bản Hiêu và Thác Hiêu đang tọa lạc. Bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương với chiều dài hơn 800 mét, dòng thác quanh năm tuôn nước trắng xóa đem theo chất đá vôi màu trắng đi qua mọi nơi. Vì thế, cây cối, đồ vật, nền và ở hai bên thác bị đông kết lại như bị “hóa đá”, thu hút sự tò mò của mọi du khách.

a3colung.jpg
Thác Hiêu có vẻ đẹp nên thơ

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm đầu năm nên đã tác động tiêu cực đến các ngành du lịch, thương mại và dịch vụ của địa phương. Tuy nhiên sang đến những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế nên hoạt động dịch vụ, du lịch của địa phương bắt đầu có những nét khởi sắc mới. Trong năm 2022 đã đón được 9250 lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 760 lượt. Doanh thu từ ngành du lịch mang lại khoảng hơn 4,6 tỷ đồng. Lưu thông hàng hóa trên địa bàn tương đối ổn định, một số mặt hàng có tăng nhẹ về giá do xăng, dầu và chi phí vận chuyển tăng. Tổng hộ nghèo: 360 hộ (tỷ lệ 34,88%) với 1.032 khẩu nghèo, hộ cận nghèo: 349 hộ (tỷ lệ 34,41%) với 1.032 khẩu. Người dân ngày một nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở lưu trú, gắn với phát triển các nét văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn. Đây là sự độc đáo không nơi nào có được. Du khách nước ngoài khi đến đây, ngoài khám phá khung cảnh, nếp nhà sàn, họ còn khám phá đời sống con người địa phương.

a4conlung.jpg
Nếp nhà sàn độc đáo của người Thái

Bà Lương Thị Thềnh dân tộc Thái ở làng Ấm Hiêu (năm nay đã 74 tuổi) vẫn đang còn rất khỏe mạnh. Bà mang chiếc gùi ra ngoài đường để thu hoạch sắn. “Sắn năm nay to lắm, trắng, đẹp. Cái này dùng để nấu rượu thì hết ý. Các anh mà uống rượu sắn này với người Thái chúng tôi có mà say đứ đừ.” Vừa nói bà Thềnh vừa cười hiền. Khung cảnh ngồi quanh đống lửa trại với những cô gái thái múa xòe hay nhảy sạp, nhâm nhi li rượu sắn cũng đã làm say lòng người.

a5colung.jpg
Nhóm du khách nước ngoài khám phá Cổ Lũng

Các homestay ở quanh bản được niên yết giá rõ ràng. Du khách khi tới đây có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hòa mình giữa dòng nước mát rượi, khi trở lên nhà sàn đã thấy bày sẵn vò rượu cần ấm nồng, ngọt dịu mà bà con nơi đây đã dùng chính nguồn nước từ các mó nước làm nên vị rượu cần đặc trưng. Thưởng thức món canh măng bương được bà con hái từ núi xuống. Không hiểu do chất đất, khí trời hay vì điều gì mà ít vùng nào có thể có thứ măng ngọt ấy.

a6colung.jpg
Vịt Cổ Lũng hấp dẫn du khách

Đặc sản của vùng còn phải kể đến món vịt Cổ Lũng vừa mềm, vừa ngọt. Đây là giống vịt cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, được người dân nơi đây nuôi thả trên những cánh đồng, con suối ở bản nên thịt nhiều nạc, thơm ngon, khó có loại vịt nào ở đâu sánh bằng. Vịt Cổ Lũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau nhưng ngon nhất phải kể đến món vịt quay thơm phức béo giòn. Vịt sau khi được làm sạch, sẽ được nhồi vào bụng các loại hương liệu: lá móc mật, muối, đường, ngũ vị hương rồi khâu kỹ lại, dùng que trúc xiên dọc thân đem nướng trên lửa than hoa đỏ rực. Càng nướng, lớp mỡ của con vịt chảy xuống làm than hồng càng thêm rực rỡ, lúc này các hương liệu trong bụng vịt đang chín dần dần và tỏa mùi hương thơm ngát, hòa quyện với mùi béo ngậy của thịt vịt khiến du khách không bao giờ quên. Thịt vịt chín nóng giòn màu nâu đỏ bắt mắt và hương vị thơm ngon khó cưỡng, món này nhất định phải ăn cùng nước chấm nêm từ gan vịt nghiền nhỏ cộng muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ thì ngon đúng điệu.

Với những cái làm mới, độc đáo khai phá thiên nhiên nên thơ, Cổ Lũng tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, là những điều kiện thuận lợi để mở rộng các tour du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là con đường thoát nghèo bền vững mà chính quyền và cộng đồng dân tộc Thái cần giữ gìn và phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thái thoát nghèo từ du lịch cộng đồng