Huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Bắc. Nơi đây là mái nhà chung của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh. Để địa phương thoát nghèo cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Hiện nay, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp.
Quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé. Mạng lưới dịch vụ, thương mại phát triển chậm và chưa đồng đều. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; một số công trình đầu tư dàn trải, dở dang, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
Trao đổi với PV, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa- Trưởng ban chỉ đạo phát triển Mường Lát Lại Thế Nguyên cho biết: Mường Lát có vai trò, vị trí rất quan trọng. Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, mà còn cả về chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Thanh Hóa.
Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật; thu hút và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, nông lâm sản; mở rộng dịch vụ, thương mại ở những nơi có điều kiện.
Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Mông thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu trong cán bộ, đảng viên và người dân.
Đã hoàn thành xây dựng Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng của huyện Mường Lát, trên cơ sở đó bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Cụ thể hóa đến từng thôn, bản để trồng các loại cây, chăn nuôi phù hợp.
Cuối tháng 8/2023, theo chương trình phối hợp, Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh sẽ cùng cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý triển khai mô hình điểm trồng “Cây sắn năng suất cao” trên địa bàn các xã biên giới huyện Mường Lát.
Công ty sẽ đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng các đồn Biên phòng hướng dẫn nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Diện tích ban đầu khoảng 2.000 ha.
Đồng thời, phối hợp thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giúp người dân trên địa bàn huyện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế; thực hiện các mô hình, chương trình: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
Tạo điều kiện, giúp đỡ xây dựng cảnh quan, môi trường công tác của các đồn Biên phòng. Tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Triệu Minh Xiết cho rằng: Mô hình trồng cây sắn năng suất cao được triển khai có ý nghĩa rất lớn đối với các xã vùng biên của huyện, giúp người dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống; đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, qua đó đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cùng với đó, Mường Lát đang đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của huyện, nhất là những nơi không có đất trồng trọt, hoặc có đất nhưng bạc màu, tầng canh tác mỏng, hiệu quả trồng trọt thấp. Thực hiện cải tạo và nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò.
Tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ, sông, suối để nuôi trồng thủy sản; phát triển nghề nuôi cá lồng trên khu vực lòng hồ Sông Mã (hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Trung Sơn) nghiên cứu nuôi trồng một số giống thủy sản mới, có hiệu quả kinh tế cao.
Quy hoạch khoảng 10 ha đất công nghiệp tại thị trấn Mường Lát để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động, như: may mặc, giầy da, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông, lâm sản... Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án thủy lợi - thủy điện Tén Tằn; thu hút đầu tư các dự án điện gió tại những khu vực có điều kiện; duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp hiện có.
Phát triển tiểu thủ công nghiệp, gắn với khôi phục các nghề truyền thống, như: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề ủ rượu cần, nghề rèn của đồng bào Mông,... Du nhập và phát triển nghề làm tăm tre, tăm hương đề phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu từ các loài cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện.
Xây dựng một số điểm du lịch trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng; nâng cao độ phủ mạng di động, sóng truyền hình vệ tinh đến các bản.
Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, mục tiêu đưa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 sẽ thành hiện thực. Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện biên giới này an cư, lạc nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mỗi người dân là một cột mốc nơi địa đầu tổ quốc.