Vấn đề quan tâm

Người có chức vụ của Bộ GTVT phải “4 xin, 4 luôn” khi giao tiếp với người dân, doanh nghiệp

Khoa Anh 27/05/2023 07:11

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu trong Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa được Bộ này ban hành.

Theo Bộ GTVT, Quyết định 636/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2023 ban hành Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ nhằm cụ thể hóa các chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp; định hướng cho người có chức vụ, quyền hạn trong giải quyết công việc, thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp;

Đồng thời làm cơ sở để giám sát, đánh giá việc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong việc chấp hành các quy định pháp luật, thực thi nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội khác.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Quy chế bao gồm: người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp; Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Đáng chú ý, về quy tắc ứng xử và giao tiếp trong giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân, Bộ GTVT quy định: Khi giao tiếp với tổ chức, công dân để tiếp nhận hoặc giải quyết thủ tục hành chính, các phản ánh, kiến nghị; người có chức vụ, quyền hạn phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc, phản ánh, kiến nghị. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Cùng với đó, người có chức vụ, quyền hạn được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải nghiêm túc, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của tổ chức, công dân để hướng dẫn, giải quyết thấu đáo, đúng quy định của pháp luật; Hướng dẫn công khai quy trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy trình thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các đề nghị, kiến nghị của tổ chức và công dân được giải quyết đúng pháp luật.

Không được có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và công dân; không được thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi.

Bộ GTVT cũng yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn không được từ chối giải quyết các yêu cầu hợp pháp của tổ chức và công dân thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; không được làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệnh hồ sơ, tài liệu liên quan. Trường hợp hồ sơ giải quyết có sai sót, chậm, muộn phải thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi theo quy định; Không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.

Ngoài ra, về quy tắc ứng xử và giao tiếp của người có chức vụ, lãnh đạo, quản lý, Bộ GTVT còn yêu cầu: Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động trong xã hội; không được sử dụng các tài sản, phương tiện công cho các hoạt động xã hội không thuộc hoạt động nhiệm vụ, công vụ; không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình vì mục đích vụ lợi;

Không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.

Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 25/05/2023.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người có chức vụ của Bộ GTVT phải “4 xin, 4 luôn” khi giao tiếp với người dân, doanh nghiệp