Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đề xuất cho phép cơ quan chức năng được bán ngay phương tiện giao thông vi phạm nếu không có kho bãi đủ điều kiện tạm giữ.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đang được hoàn thiện với nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm tăng cường hiệu lực thi hành và giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính.
Một trong những đề xuất nổi bật là việc cho phép cơ quan chức năng được bán ngay phương tiện giao thông vi phạm nếu không có kho bãi đủ điều kiện tạm giữ – một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải và lãng phí trong công tác quản lý tang vật bị tạm giữ hiện nay.
Dự thảo luật gồm hai điều, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và quy định hiệu lực thi hành. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được đề xuất kéo dài từ 1 năm lên 2 năm. Đối với các lĩnh vực có luật chuyên ngành điều chỉnh, thời hiệu có thể dài hơn nhưng tối đa không quá 5 năm, giúp các cơ quan có thêm thời gian để phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm có tính chất phức tạp hoặc xảy ra âm thầm trong thời gian dài.
Về mức phạt tiền, Bộ Tư pháp đề xuất tăng đáng kể so với luật hiện hành. Cụ thể, mức phạt thấp nhất đối với cá nhân sẽ được nâng từ 50.000 đồng lên 300.000 đồng, còn mức cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Với tổ chức, mức phạt dao động từ 600.000 đồng đến tối đa 2 tỷ đồng. Đặc biệt, tại địa bàn TP. Hà Nội và các đô thị thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, mức xử phạt có thể cao hơn nhưng không vượt quá gấp đôi mức phạt áp dụng chung đối với cùng hành vi vi phạm – điều chỉnh này nhằm phù hợp với điều kiện đặc thù và tính chất vi phạm tại khu vực đô thị lớn.
Một điểm mới quan trọng được đưa vào dự thảo là quy định về xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ nhưng quá thời hạn mà người vi phạm, chủ sở hữu không đến nhận, hoặc không thể xác định được người sử dụng hợp pháp. Trong những trường hợp đó, nếu tang vật, phương tiện có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ mà không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp, dễ bị hư hỏng, giảm chất lượng, có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, hoặc khi không có nơi lưu trữ đáp ứng điều kiện kỹ thuật và không thể thuê kho bãi phù hợp, thì cơ quan chức năng được phép tổ chức bán ngay.
Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện này sẽ được gửi vào Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn theo quy định mà không có ai đến nhận lại tài sản, toàn bộ số tiền sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước. Theo Bộ Tư pháp, đề xuất này sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình xử lý, tránh tình trạng phương tiện bị chất đống, phơi mưa nắng trong thời gian dài gây hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cháy nổ, đồng thời tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và hiện đang được Bộ Tư pháp tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2025.