Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) có những con người bình dị nhưng làm được nhiều cao quý cho cộng đồng, xã hội. Chính những con người ấy đã tạo nên một vườn hoa nơi bản Mường tươi đẹp.
Hơn nửa đời người sinh ra và được nuôi dưỡng bởi các giá trị văn hóa của dân tộc mình, chứng kiến thực trạng chữ viết và các làn điệu dân ca của bà con đồng bào dân tộc Thái đang có nguy cơ bị mai một, những người như ông Sầm Văn Bình và bà Lương Thị Phiên đã không quản ngại khó khăn để tìm tòi, dày công sưu tầm, nghiên cứu cách truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Ông Sầm Văn Bình với con chữ Lay-tay
Ông Sầm Văn Bình (SN 1962) ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang là một “Nghệ nhân ưu tú” được biết đến là người có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái ở huyện miền núi Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Từ thuở xa xưa, người Thái là một trong số rất ít các dân tộc thiểu số ở Nghệ An có chữ viết riêng. Các bản Lai-tay ghi chép chữ Thái cổ là những bản trường ca, những truyện thơ dài, những câu ca dao, tục ngữ, những luật tục bản Mường..., đó là những viên ngọc quý/ Nhưng từ khi chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi trong cả nước thì chữ Thái dần dần bị mai một, bỏ quên và có nguy cơ bị mất hẳn.
Những người tâm huyết, biết đọc thông viết thạo chữ Thái chủ yếu là các già bản, vốn đã ít lại càng ít hơn. Thế rồi ở xã vùng cao Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, một câu lạc bộ chữ Thái đã ra đời năm 2006, ông Sầm Văn Bình được mời tham gia và trở thành linh hồn của câu lạc bộ này.
Từng tốt nghiệp khoa cơ khí đại học Hàng Hải, học tiếng Nga, biết qua tiếng Anh, tiếng Đức…nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện để xin được một công việc phù hợp, nên ông Bình đành trở về quê hương và đã hơn 13 năm nay, không lúc nào ông ngơi việc tìm hiểu, nghiên cứu các bản chữ Thái cổ do tổ tiên truyền lại.
Để có được vốn chữ Thái như ngày nay, nghệ nhân Sầm Văn Bình đã phải tự mày mò học từng chữ, từng câu, tranh thủ mỗi lần đi giỗ, hay dự đám cưới là ông lại hỏi thêm thầy mo, nghệ nhân ở các làng, các bản để có thêm sự hiểu biết.
Một trong những thành công của nghệ nhân Sầm Văn Bình là ông đã soạn gần như hoàn chỉnh (từ năm 2006-4/2009) bộ sách hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập: Tập 1 có 21 bài học, dày 108 trang với hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, được ví như những bậc đi lên dãy trên núi cao của người miền Tây, học viên cứ từng bước, kiên trì, nhẫn nại mà leo lên.
Tập 2 với 20 bài nâng cao, đảm bảo cho học viên không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được. Tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, nghệ nhân Sầm Văn Bình còn hoàn chỉnh 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: “Hệ chữ Lai Xứ-Mường Ham”; “Hệ chữ Lai-xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai-xứ Mường Mùn”…
"Trong việc dạy chữ Thái, thực tế là mình cầm tay chỉ việc cho bà con, cũng như dạy bình dân học vụ ngày xưa vì chữ Thái phải dạy theo tính chất như thế. Trong cộng đồng có nhiều lứa tuổi, một trong những điều để mình đạt được kết quả là mình đi để nắm được nguyện vọng cụ thể của bà con. Những gì gần gũi nhất thì mình đáp ứng được, ví dụ như những bài cúng, những lời ru...là những điều bình thường trong cuộc sống. Vì có nhiều điều kiện người ta muốn khôi phục lại, cũng muốn giữ lại nhưng không có thông tin, hoặc những cái người ta đã quên mất, mình có những cái đó trong máy tính hay tìm hiểu được thì mình truyền đạt lại cho nhiều người biết", ông Sầm Văn Bình chia sẻ.
Ước mơ lớn nhất của ông là làm sao cho chữ Thái được hồi sinh thật vững chắc, và những cuốn sách nghiên cứu về chữ Thái của mình được in ấn phát hành rộng rãi, để phục vụ trực tiếp cho người dạy và người học, kể cả những người nghiên cứu chuyên sâu khoa “Thái Học” (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), một khoa còn rất mới mẻ ở nước ta hiện nay.
Năm 2012, đề tài “nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức dạy học chữ Thái-Lai tay ở Quỳ Hợp” của ông Sầm Văn Bình đã được Sở Khoa học và Công nghệ thông qua. Từ đề tài này, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép Quỳ Hợp mở 20 lớp học chữ Thái-Lai tay trên địa bàn trong 2 năm 2013 và 2014.
Không chỉ tham gia giảng dạy chữ Thái ở Quỳ Hợp mà ông Sầm Văn Bình còn tham gia dạy ở trong và ngoài tỉnh. Hễ cứ ở đâu có những người yêu thích học chữ Thái thì ông đều có mặt để bày dạy.
Năm 2017, tỉnh Nghệ An triển khai dự án "Mở rộng mô hình tổ chức dạy chữ Thái hệ Lai- Tay ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An", ông Sầm Văn Bình được mời làm chủ nhiệm Dự án này và chính dự án này được trao tặng giải đặc biệt về Sáng tạo Khoa học công nghệ Nghệ An năm 2017.
Ngoài ra, ông Sầm Văn Bình còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hóa Thái trên các báo từ Trung ương tới địa phương và hoàn thành một số đầu sách về văn nghệ dân gian dân tộc Thái như: "Từ điển Thái- Việt (tiếng Thái Nghệ An)" với dung lượng 14.000 từ, 850 trang, Nhà xuất bản Nghệ An, 2018; Xở phi hươn (Cúng gia tiên), 624 trang, khổ 14.5 x 20.5, NXB Hội Nhà văn, năm 2019; và một số đầu sách khác…Đồng thời, phối hợp dạy chữ Thái trong cộng đồng cho người dân tộc Thái và tổ chức thi cấp Chứng chỉ về học chữ Thái cho các cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều đóng góp đáng ghi nhận, ông Sầm Văn Bình được Chủ tịch nước trao tặng Bằng Vinh danh Nghệ nhân ưu tú năm 2015.
Từ năm 2011-2017, Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình đã vinh dự được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An về những đóng góp trong “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay”; về “Xây dựng xã hội học tập”; về phát huy vai trò người uy tín; Giải thưởng của “Quỹ Tâm tài Nghệ An” năm 2018; Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2016.
Đặc biệt, ông còn được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham dự chương trình Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 và được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.
Người “đánh thức” những làn điệu xuối, lăm, nhuôn
Cùng với chữ viết thì những làn điệu dân ca Thái cũng được xem là “tài sản quý” của đồng bào ở Quỳ Hợp. Trong địa tầng văn hóa phong phú và giàu bản sắc của người Thái, hát dân ca là một hình thức sinh hoạt cộng đồng. Các làn điệu nhuôn, suối, lăm, khắp… đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng những người hát dân ca Thái ngày càng hiếm, các nghệ nhân phần lớn đã cao tuổi, số người có khả năng trình diễn và truyền dạy lại rất ít.
Chính vì thế mà nỗi trăn trở và lo lắng về sự mai một của nét văn hóa quý giá của dân tộc mình luôn thôi thúc bà Lương Thị Phiên ở bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp tìm mọi cách để lưu giữ và truyền dạy nó, tự mình đứng ra vận động các bạn trẻ trong các thôn bản để mở các lớp học hát dân ca.
Trước đây, bà Phiên theo học trường Sư phạm miền núi, sau khi tốt nghiệp, bà về dạy học tại trường Trung học Cơ sở Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Sau đó, với sự năng nổ, hoạt bát và có năng khiếu nghệ thuật, cô giáo trẻ Lương Thị Phiên chuyển sang làm công tác Đoàn ở huyện rồi lên tỉnh làm vào năm 1973.
Trong quá trình công tác, bà đã đem dân ca Thái với các điệu ví, dặm truyền thống của xứ Nghệ đi giao lưu. Tuy không được đào tạo trong các trường nghệ thuật nhưng bà rất am hiểu về âm nhạc. Vì thế mà ngày càng nhiều người dân ở Châu Cường nói riêng và ở Quỳ Hợp nói chung đã tìm đến bà Lương Thị Phiên để được bà dạy dân ca Thái.
Em Lương Thị Hương, bản Mường Ham, Châu Cường, Quỳ Hợp chia sẻ: "Em ở trong xóm với bà Phiên. Bà Phiên hát nhuôn hay suối em cũng rất thích. Em thường về nhà bà Phiên để học suối, khi nào rảnh em học thêm để biết được nhiều bài hơn nữa”.
Mặc dù năm nay đã ngoài 70 nhưng bà Lương Thị Phiên vẫn còn giữ được chất giọng trong trẻo. Với bà Phiên, được hát, được bè, đối đáp trong những ngày lao động sản xuất, trong các lễ hội, đám cưới là niềm vui không gì đo đếm được.
Không những hát hay, bà còn sáng tác được hàng chục làn điệu về quê hương đất nước, góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca của dân tộc mình. Niềm say mê vô tận với dân ca Thái luôn luôn cháy bỏng trong bà, nhiều tiết mục do bà Phiên sưu tầm và truyền dạy đã được các cô gái Thái biểu diễn trong các lễ hội hay các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống do huyện, tỉnh tổ chức.
Đó là phần thưởng vô giá dành cho bà Lương Thị Phiên - Người đã không biết mệt mỏi trong việc sưu tầm, sáng tác và truyền dạy cho những bản làng của quê hương mình.
Bà Lương Thị Phiên tâm sự: “Từ khi còn nhỏ tôi học được ở bố mẹ và người già lớp trước, cộng thêm tôi cũng có năng khiếu về hát hò tiếng dân tộc thiểu số mình. Tôi luôn học tập và sưu tầm có nhiều bài hát về tả cảnh, tự sáng tác về sự đổi thay của quê hương Quỳ Hợp, về xã Châu Cường và bản Mường Ham nói riêng. Vào các lễ hội không riêng bản thân tôi mà bây giờ nhiều người biết các làn điệu xuối, nhuôn, lăm”.
Tại các lễ hội dân gian mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống bản địa, hay những buổi hội thảo khoa học mà nội dung đề cập đến nguồn văn hóa dân gian của những dân tộc sinh sống trên địa bàn vùng núi miền Tây xứ Nghệ, đều thấy có mặt bà Lương Thị Phiên - người phụ nữ luôn nặng lòng với văn hóa dân gian.
Bà đã được các cấp ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương về những đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, năm 2019, bà Lương Thị Phiên là người duy nhất ở Quỳ Hợp và là một trong 26 nghệ nhân tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Gắn liền với chiều dài lịch sử lâu đời, Dân ca Thái từ bao đời nay được xem là một nét độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc. Đồng bào Thái rất thích ca hát, theo thời gian, những giá trị ấy càng được nhân rộng nhờ sự cống hiến của những người nghệ nhân thầm lặng như bà Phiên. Và không biết từ bao giờ ngôi nhà của gia đình bà đã trở thành địa chỉ lan tỏa cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Thái.
Chỉ biết rằng, mỗi khi ai có nhu cầu tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật dân gian của cộng đồng dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Tôi lại thấy người ta tìm về gia đình nghệ nhân Lương Thị Phiên - nơi lưu giữ các làn điệu "suối, lăm, nhuôn".
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc làm theo lời Bác. Không phô trương hình thức, ngày ngày họ vẫn lặng lẽ tìm tòi, nghiên cứu để có những cách làm hay, sáng tạo, đem lại lợi ích cho nhân dân. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “ Việc gì có lợi cho dân thì ta làm, việc gì có hại cho dân nên tránh” vừa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong mỗi chúng ta.