Phóng sự - Ghi chép

Lời ru buồn và những giấc mơ chưa trọn

Gia Ân- Huy Hậu 04/04/2025 06:30

Nằm lặng lẽ giữa những dãy núi của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, là một vùng đất nhiều khó khăn, nơi có những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải đối diện với những gánh nặng của cuộc sống.

Tảo hôn, một hủ tục vẫn ám ảnh cuộc sống của người dân nơi đây, khiến những thiếu niên chưa kịp hiểu hết ý nghĩa của tình yêu và hôn nhân, đã vội vã trở thành người mẹ, người vợ khi chưa đủ trưởng thành.

3-3-(1).jpg
16 tuổi, chị La Thị H. đã kết hôn, trở thành mẹ khi bản thân còn chưa kịp trưởng thành.

Nỗi buồn của những người mẹ trẻ

Chị La Thị H, dân tộc Đan Lai, sống ở bản Châu Sơn, xã Châu Khê, đã sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó. Năm 16 tuổi, chị kết hôn, trở thành mẹ khi bản thân còn chưa kịp trưởng thành.

"Em làm mẹ từ năm 16 tuổi, chưa biết gì về nuôi con, vậy nên con cái sứt sào, ốm đau liên miên. Dù có yêu thương chúng, nhưng vì thiếu kiến thức và điều kiện, em không thể chăm sóc các con đầy đủ như mình mong muốn", H. chia sẻ.

Những năm tháng làm mẹ khi còn quá trẻ để lại trong chị nhiều tiếc nuối, khi bản thân chưa có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để nuôi dạy con cái. Dù hết lòng yêu thương các con, chị vẫn cảm thấy day dứt vì những thiếu sót trong việc chăm sóc chúng. "Bây giờ muốn thay đổi thì khó quá", chị H. buồn bã nói.

77.jpg
Mỗi ngày qua đi là những nỗi lo không dứt đối với người mẹ trẻ

Hiện tại, chị H. đã là mẹ của bốn người con và có một cháu ngoại hai tuổi. Cảnh nghèo vẫn bủa vây, mỗi ngày trôi qua là một chuỗi những lo toan không dứt. Dù vậy, chị vẫn kiên trì chăm lo cho gia đình với hy vọng một ngày nào đó, cuộc sống sẽ bớt khốn khó hơn.

Mỗi buổi sáng thức dậy, chị lại bắt đầu một ngày mới đầy vất vả nhưng tràn ngập tình thương dành cho các con và cháu.

Tuy nhiên, vòng xoáy của tảo hôn tiếp tục lặp lại với thế hệ sau. Con gái đầu lòng của chị, em La Thị M., lập gia đình khi mới 15 tuổi và sớm bước vào hành trình làm mẹ.

Dù còn rất trẻ, M. đã phải đối mặt với nhiều thử thách, vừa chăm sóc gia đình nhỏ, vừa cố gắng học hỏi để làm một người mẹ tốt hơn. Cuộc sống của em không hề dễ dàng, nhưng em vẫn kiên trì từng ngày, mong mỏi một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái.

Cả hai thế hệ trong gia đình chị H. đều không thể đăng ký kết hôn hợp pháp. Họ chỉ xoay quanh những công việc nặng nhọc trên ruộng nương, không có cơ hội học hành hay phát triển nghề nghiệp.

Đời sống chật vật cứ thế tiếp diễn, như một vòng luẩn quẩn không biết đến khi nào mới có thể thoát ra.

88(1).jpg
Cuộc sống của những đứa trẻ Đan Lai.

Không chỉ riêng gia đình chị H., tình trạng tảo hôn còn phổ biến ở nhiều gia đình khác. Không ít cô gái chưa kịp trưởng thành đã phải bước vào những cuộc hôn nhân vội vã.

Những cuộc hôn nhân này không chỉ tước đi tuổi thơ và tương lai của các em mà còn khiến họ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng sống và cơ hội phát triển bản thân.

Dù họ có yêu thương gia đình đến đâu, thì sự thiếu chuẩn bị đầy đủ cũng khiến cuộc sống hôn nhân và làm mẹ trở nên đầy rẫy khó khăn.

Chị La Thị T., một phụ nữ dân tộc Đan Lai khác ở bản Châu Sơn, chia sẻ: "Tôi lấy chồng khi mới 16 tuổi, phải bỏ học giữa chừng. Giờ cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn".

Luẩn quẩn những hệ lụy

Tại các vùng sâu, vùng xa như Khe Bu, Khe Nà, Châu Sơn, nơi sinh sống của người dân tộc Thái, Kinh và Đan Lai, tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều thế hệ, cản trở sự phát triển của trẻ em.

Dù xã hội ngày càng tiến bộ, nhưng những tập tục cũ vẫn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người dân, khiến họ không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc kết hôn sớm.

Những cuộc hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ gây ra những khó khăn cho bản thân các cặp vợ chồng, đồng thời ảnh hưởng đến cộng đồng, kéo dài những hệ lụy về kinh tế và giáo dục.

33.jpg
Bản Bủng nơi 100 hộ tộc người Đan Lai sinh sống, nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.

Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn cũng làm gia tăng tỷ lệ hôn nhân cận huyết, gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Trẻ em sinh ra từ những gia đình có quan hệ huyết thống gần gũi thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi sự thiếu hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe vẫn còn phổ biến trong cộng đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bà mẹ trẻ mà còn làm tăng thêm khó khăn trong việc nuôi dạy thế hệ sau.

Những bước tiến vững vàng

Nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chính quyền huyện Con Cuông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

11(2).jpg
Cán bộ xã Châu Khê đã trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động người dân.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê, cho biết: "Những trường hợp tảo hôn thường xảy ra ở các bản xa xôi, nơi trình độ dân trí còn hạn chế, người dân thiếu kiến thức về pháp luật và kế hoạch hóa gia đình".

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt dưới cờ tại các trường học, và trực tiếp tiếp cận những trường hợp có nguy cơ tảo hôn để kịp thời can thiệp.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng chú trọng đến việc hỗ trợ sinh kế cho các gia đình trẻ, giúp họ có cơ hội cải thiện cuộc sống.

Những mô hình kinh tế hộ gia đình, các chương trình đào tạo nghề nghiệp và hướng nghiệp đã được triển khai, nhằm giúp các cặp vợ chồng trẻ có công việc ổn định, từ đó không phải coi tảo hôn là lối thoát duy nhất khỏi nghèo đói.

Dù cuộc chiến chống lại tảo hôn vẫn còn nhiều thách thức, nhưng sự nỗ lực của chính quyền và cộng đồng đang dần mang lại những thay đổi tích cực.

99.jpg
Chính quyền huyện Con Cuông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

Những đứa trẻ hôm nay có cơ hội được đến trường, được học hành, được trang bị kiến thức để thay đổi cuộc đời, không còn phải bước vào hôn nhân khi chưa đủ trưởng thành.

Có thể một ngày không xa, câu chuyện tảo hôn nơi biên viễn chỉ còn là ký ức. Nhưng để thay đổi một thói quen đã bám rễ qua nhiều thế hệ, đó vẫn là một cuộc chiến lâu dài và gian nan.

Và cho đến khi ấy, những lời ru buồn vẫn còn vang vọng trong đêm, những giấc mơ về một tương lai tươi sáng vẫn tiếp tục được nhen nhóm, mong chờ ngày mai tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời ru buồn và những giấc mơ chưa trọn