Phóng sự - Ghi chép

Những “bông hồng thép” trong kháng chiến

N. Hoàng 11/04/2025 - 07:05

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, họ vừa lao động sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

anh-bai-nhung-bong-hong-thep-trong-khang-chien-1.jpg
Tại TP.Hồ Chí Minh và Bạc Liêu có công viên, trường học, con đường mang tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng.

Lấy thân mình đỡ đạn cho đồng đội

Trong những nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam thì Anh hùng Lê Thị Riêng trở thành biểu tượng đầy tự hào về tấm gương người nữ cộng sản kiên trung, bất khuất, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Bà cũng là người vợ, người mẹ thủy chung son sắt, dành trọn tình thương yêu ngọt ngào nhất cho chồng con.

Anh hùng Lê Thị Riêng sinh năm 1925, ở Giá Rai, Bạc Liêu. Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực dưới ách áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào và ách thống trị của bọn thực dân Pháp, bà đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi.

Tháng 3/1946, bà tham gia công tác phụ nữ huyện Giá Rai, phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá, rồi trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Nam bộ vào năm 1949. Ở cương vị nào, bà cũng đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong công tác xây dựng phong trào, vận động quần chúng, được mọi người tin yêu và kính phục.

Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, bà tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ Mỹ - Diệm. Cũng trong thời gian này, bà lập gia đình và sau đó sinh được hai con. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, bà được bầu làm Phó Hội trưởng Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Trước cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, bà đành phải gửi 2 con ra miền Bắc. Đến cuối năm 1960, chồng bà hy sinh ở Biên Hòa. “…Bao nhiêu mong nhớ đợi chờ làm tắt ngấm! Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ lùi bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly…”, đó là những dòng nhật ký mà bà ghi lại sau khi chồng mất.

Năm 1965, khi đang là Khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định, Bà được giao giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (T4), phụ trách cánh đô thị và nông thôn. Ngày 9/5/1967, trên đường đi công tác, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng bị tên phản cách mạng Ca Vĩnh Phối nhận mặt, chỉ điểm cho bọn mật vụ bắt và giam giữ tại khám Chí Hòa.

Địch dùng đủ chiêu bài tâm lý dụ dỗ, mua chuộc… bất thành, chuyển sang thực hiện những cực hình tra tấn man rợ nhất như: đánh đập, chích điện, đốt trơ xương ngón tay, đánh toét hai bàn chân…, hòng làm khuất phục người nữ chiến sĩ cộng sản đầy kiên trung, nhưng tất cả đều thất bại trước tinh thần và ý chí bất khuất “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bà.

Biết không thể khai thác được thông tin từ người tù cộng sản Lê Thị Riêng, đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (nhằm ngày 01 tháng 02 năm 1968), địch bí mật đem bà đi thủ tiêu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Trong những giờ phút cuối cùng, khi bị còng trên xe cùng đồng đội, bà vẫn không ngừng cổ vũ tinh thần cho mọi người “Trong tình huống này, ta phải xứng đáng là những người cộng sản” và hô vang: “Đả đảo khủng bố, đả đảo tàn sát. Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Khi thấy địch nổ súng, bà đã nhào ra lấy thân mình che chở cho người đồng chí, đồng đội Ngọc Anh. Trong tác phẩm “Gương sáng nữ Việt” - tác giả Trần Đình Ba đã viết: “Trong những giờ phút cuối cùng trước lúc anh dũng hy sinh, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người cách mạng ở cương vị lãnh đạo”.

Để ghi nhớ công lao của người nữ chiến sĩ anh hùng, ngày 10/4/2001, Chủ tịch nước đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Lê Thị Riêng. Tại TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu xây dựng tượng đài, bia lịch sử, công viên, trường học, con đường mang tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng.

anh-bai-nhung-bong-hong-thep-trong-khang-chien-2.jpg
Anh hùng LLVTND Lê Thị Riêng

Tự cắt cánh tay bị thương rồi tiếp tục chiến đấu

Noi gương người nữ cộng sản kiên trung, những nữ chiến sỹ trong Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng đã không ngại khó khăn, gian khổ, kiên trì sống và chiến đấu trong lòng địch và lập được nhiều chiến công vang dội. Trong số đó phải kể đến bà Lê Thị Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ Biệt động Lê Thị Riêng, người nổi tiếng với việc tự cắt cánh tay bị thương rồi tiếp tục chiến đấu cho đến khi kiệt sức. Hành động ấy của bà đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Bà Quân tên thật là Đào Thị Huyền Nga, quê ở Phú Thứ, Châu Thành, Cần Thơ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả bố mẹ và 4 người anh em trai đều tham gia chiến đấu, nên từ nhỏ Huyền Nga đã sớm được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức căm thù giặc. Nhờ gan dạ, mưu trí nên năm 13 tuổi, Huyền Nga được tổ chức điều động làm Tổ trưởng trinh sát với nhiệm vụ lựa chọn, giác ngộ thanh thiếu niên vùng ven thị xã Cần Thơ tham gia hoạt động cách mạng, và chịu trách nhiệm mua, vận chuyển thuốc nổ về công trường chế tạo vũ khí để chuẩn bị cho đồng khởi.

Sau khi chính quyền của Ngô Đình Diệm sụp đổ, năm 1962, Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam. Cần Thơ lúc bấy giờ là một trong những trung tâm đầu não về quân sự của địch, nên chúng tăng cường đánh phá vùng ven thị xã. Quê hương đứng trước thử thách lớn, Huyền Nga được chi bộ Đảng xã Phú Thứ tín nhiệm giao giữ chức xã đội trưởng. Nhờ thông thạo địa bàn, nắm rõ đường đi nước bước của địch, lại xây dựng được một số cơ sở ở hai bên bờ sông Hậu nên nhóm của Huyền Nga vận chuyển thành công được nhiều chuyến hàng quan trọng.

Cũng trong năm 1962, Huyền Nga được xét đặc cách vào Đảng, mặc dù lúc đó bà mới 15 tuổi. Trong buổi lễ kết nạp, các Đảng viên có mặt đã thống nhất đặt tên mới cho Huyền Nga là Lê Hồng Quân. Đầu năm 1966, Hồng Quân nhận được quyết định tăng cường cho chiến trường Sài Gòn – Gia Định (T4). Kể từ đây, bà bí mật ra đi, chia tay những đồng đội thân yêu từng vào sinh ra tử, chia tay mảnh đất Tây Đô đã một thời gắn bó.

anh-bai-nhung-bong-hong-thep-trong-khang-chien-4(1).jpg
Bà Quân trò chuyện với thiếu nhi Hà Nội năm 1980. Ảnh tư liệu

Năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt một Mậu Thân, Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng do Lê Hồng Quân làm Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ tỏa vào các ngõ xóm tuyên truyền phát động, chuẩn bị cho quần chúng khí thế để tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Đợt 2 của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân mở màn vào đêm 4/5/1968 bằng các loạt hỏa tiễn bắn vào các căn cứ lớn của địch. Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng ém quân ở những khu vực chiến sự xảy ra nóng bỏng nhất như khu vực chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, hẻm 83 Đề Thám, cư xá Kiến Thiết giữa hai đường Cô Bắc – Cô Giang.

Vào 0 giờ ngày 5/5/1968, ngày thứ hai của đợt tiến công, các mũi quân của tiểu đoàn đã chiếm lĩnh được các khu vực, bắt gom nhiều cảnh sát, nhân viên Ngụy quyền, dùng loa phóng thanh trấn áp địch và vận động nhân dân làm công sự chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Địch liên tục tăng quân hình thành thế bao vây, cuộc chiến đấu càng lúc càng ác liệt.

Cuộc giằng co nóng bỏng giữa Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng và địch trong con hẻm 83 Đề Thám, rộng chưa đầy một mét đã trở thành cuộc tử chiến khốc liệt khi đối phương liên tục tăng quân áp đảo. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho anh em vượt vòng vây giặc rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. Chỉ còn ba người tình nguyện ở lại để hút hỏa lực, đánh lạc hướng địch, trong đó có Lê Hồng Quân – người nữ chỉ huy.

anh-bai-nhung-bong-hong-thep-trong-khang-chien-3.jpg
Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân hướng dẫn bộ đội đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Lúc ấy, bà Quân bị thương nát một cánh tay. Ngay từ lúc quyết tâm ở lại hút hỏa lực, bà đã xác định mình sẽ hy sinh. Để không còn bị vướng bận, bà tự mình cắt lìa cánh tay bị thương, băng bó qua loa rồi tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi hết đạn và đuối sức vì mất máu, bà Quân mới chịu rơi vào tay giặc. Để moi thông tin về lực lượng của ta, bọn địch đã tra tấn bà hết sức dã man, tàn khốc. Thế nhưng, người nữ chỉ huy ngoan cường ấy sẵn sàng đối diện với cái chết chứ nhất định không khai lấy nửa lời trong ròng rã suốt 7 năm trời…

Sau ngày giải phóng, Lê Hồng Quân may mắn sống sót trở về. Khi niềm vui hòa bình thống nhất chưa kịp lắng xuống, thì bà lại tiếp tục với cuộc chiến đấu mới với chính bản thân mình, cuộc chiến đấu với những vết thương trên cơ thể từ những trận đòn thù. Không những thế, kể từ khi hòa bình lập lại, trong lòng người nữ chỉ huy Tiểu đoàn Biệt động năm xưa vẫn còn nhiều trăn trở, bà thấy mình như còn mắc nợ với quá khứ. Thế cho nên, từ bao năm nay, bà Quân vẫn thường xuyên đi khắp mọi nơi để thăm hỏi, chăm lo cho gia đình đồng đội thời hậu chiến. Riêng bản thân mình, là thương binh ¼ nhưng bà vẫn tự lo nơi ở, tự lao động để kiếm sống và chăm sóc người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bông hồng thép” trong kháng chiến