Phóng sự - Ghi chép

Lời thỉnh nguyện từ chân sóng

N. Hoàng 05/04/2025 - 09:37

Trong nghi ngút khói hương, những lời thỉnh nguyện được gửi đến cá Ông để mong vị “Nam Hải tướng quân” này giúp ngư dân không còn “hồn treo cột buồm” trong những chuyến vươn khơi.

Tôn kính cá Ông

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 3 âm lịch, người dân ven biển Gành Hào lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Nghinh Ông. Đây là dịp để đồng bào Kinh, Hoa, Khmer… hiện đang sinh sống ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bày tỏ lòng tri ân đối biển cả vì đã cho họ cá, tôm, hải sản. Và trong nghi ngút khói hương, rất nhiều lời thỉnh nguyện cũng được gửi đến cá Ông để mong vị “Nam Hải tướng quân” này giúp ngư dân không còn “hồn treo cột buồm” trong những chuyến vươn khơi.

Từ lâu, Lễ hội Nghinh Ông luôn được xem là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc nhất của ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Lễ hội thường được tổ chức vào 2 ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là dịp tưởng nhớ đến công ơn của cá voi, loài cá được ngư dân tấn phong là “Nam Hải tướng quân” vì đã có công cứu giúp nhiều ngư dân đi biển vượt qua sóng to gió cả.

anh-bai-loi-thinh-nguyen-tu-chan-song-1.jpg
Đoàn thuyền ra biển rước Ông.

Theo lưu truyền trong dân gian, cá voi, hay còn gọi là cá Ông là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì Ngài sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn hoặc chết, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Hiện tại, ở Gành Hào và một số địa phương ven biển khác đều lập miếu thờ bộ cốt (xương) cá Ông.

Năm nào cũng vậy, Lễ hội Nghinh Ông đều có 2 phần, đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Sau phần lễ là phần hội, phần này bao gồm những hoạt động vui chơi và ăn uống.

Phần lễ với 2 phần chính là lễ tế và lễ rước kiệu của Nam Hải tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Lễ rước kiệu diễn ra khá trang trọng.

Từ sáng sớm, hàng ngàn ngư dân và du khách trong trang phục quần áo chỉnh tề cùng những lễ vật đã chuẩn bị sẵn cùng tụ hội về ngay trước cửa Lăng Ông - Nam Hải Trên con đường mà đoàn Nghinh Ông sẽ đi qua, người dân lập sẵn nhiều bàn thờ và đặt cỗ cúng, bao gồm gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả…

Ông Nguyễn Văn Hà (62 tuổi, ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu), người có thâm niên hơn 30 năm đi biển, chia sẻ: “Trong lễ hội, buổi lễ chính quan trọng nhất đó là lễ rước Ông, hay nghinh Ông. Lễ được khởi hành tại Lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Gành Hào và tiến lên ghe ra biển cúng và thả tôm giống. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là học trò lễ, các đoàn binh sĩ, nữ thanh lịch… Đoàn rước đi đến đâu, dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ. Vui lắm”.

Cũng theo ông Hà thì trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển nghinh Ông, có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại thành đoàn. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ… Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng… Họ đưa Long đình xuống tàu và chạy ra biển tiến hành làm lễ cúng bái, xin keo cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và tiến hành thả hàng triệu con tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Nghinh ông hàng năm của ngư dân Gành Hào - Đông Hải.

Chủ lễ cùng Ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở quanh vùng. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành, bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo.

anh-bai-loi-thinh-nguyen-tu-chan-song-2.jpg
Lễ hội Nghinh Ông thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ở ngoài bờ biển, trên những chiếc ghe giăng đầy đèn, kết hoa, treo cờ màu sắc rực rỡ và trước mỗi ghe đều bày mâm lễ vật chuẩn bị sẵn sàng ra khơi cúng Ông. Những lễ vật mà ngư dân cúng tế thường là gà, vịt, đầu heo, heo quay… Có một điều đặc biệt là trong những lễ vật cúng Ông không bao giờ có hải sản. Bởi người ta cho rằng, đó là vì đây là “binh tướng” của Ông.

Lễ tế được diễn ra khá trang trọng với các nghi thức cổ truyền ngay sau khi phần lễ rước kết thúc. Lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội lần lượt diễn ra tại lăng.

Sinh hoạt văn hóa quan trọng

“Nhà tôi có 2 thuyền đánh cá loại nhỏ. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 2 âm lịch là tôi cho thuyền trở về để chuẩn bị tham gia lễ hội. Mà không chỉ gia đình tôi mà hầu như những gia đình có tàu thuyền đi biển đều tụ tập về để ra biển Nghinh Ông. Thế nên từ sáng sớm ngày lễ chính đã có hàng trăm tàu thuyền trong huyện và khắp nơi về tham gia lễ hội. Các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu.

Ngoài lễ cúng ở lăng Ông, gia đình tôi thường làm vài mâm cơm để mời anh em, bè bạn, thợ thuyền cùng chung vui. Đây cũng là dịp để những người theo nghề biển như chúng tôi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

anh-bai-loi-thinh-nguyen-tu-chan-song-3.jpg
Múa lân sư rồng tại lễ hội.

Cũng theo ông Hà, sau phần lễ, phần hội trong Lễ hội Nghinh Ông sẽ được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như đua ghe trên cạn, thi kéo co, đi cà kheo, thi đập niêu (nồi), thi thả diều, hội thi giao lưu ẩm thực, hội chợ thương mại, triển lãm trưng bày hình ảnh, sách báo, hiện vật giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer cùng chung sống trên địa bàn.

Nhìn chung, các trò chơi trong Lễ hội Nghinh Ông thường gắn với tập tục làm ăn sinh sống của những người đi biển. Nó mang ý nghĩa đề cao tính nghề nghiệp, đồng thời cũng là để người dân giải trí.

“Theo như tôi biết thì không chỉ ở Gành Hào, mà ở nhiều địa phương ven biển cũng có tổ chức Lễ hội Nghinh Ông và nó cũng có nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ rước cốt Ông, Lễ cầu ngư, Lễ tế cá Ông, Lễ cúng Ông, Lễ nghinh Ông, Lễ nghinh Ông Thủy tướng. Dù tên gọi có sự khác biệt song tất cả đều có chung một quan niệm rằng: Cá Ông là sinh vật thiêng của biển cả, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung”, ông Hà chia sẻ.

Ngoài tên gọi khác nhau, một số địa phương còn lưu truyền một truyền thuyết cho rằng tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm. Truyền thuyết đó kể rằng: “Có một vị Thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi. Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị Thần này đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ”.

Nhưng cũng có truyền thuyết lại cho rằng: “Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn”.

Trong lịch sử triều Nguyễn cũng có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”.

Vậy là từ bấy giờ, những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe dọa.

Dẫu xuất xứ hay lịch sử của Lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào hay ở một số địa phương khác như thế nào thì có một điều bất biến là theo thời gian, lễ hội này ngày càng có một vị trí quan trọng trong đời sống, là một sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của người dân. Đây là ngày hội mang giá trị tâm linh của đời sống xã hội và văn hoá của cộng đồng, là nơi người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thỏa mãn khát vọng trở về nguồn cội.

anh-bai-loi-thinh-nguyen-tu-chan-song-4.jpg
Cá Ông được thời trong Lăng Ông - Nam Hải.

Có rất nhiều giá trị truyền thống của Lễ hội Nghinh Ông vẫn đáp ứng được nhu cầu của đời sống ngày nay. Đó là giá trị cố kết cộng đồng, hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc…

Ngày nay, Lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi giải trí mà nó còn là dịp để những người trong cộng đồng gần gũi. Các nghi thức tế tự và các trò diễn đã làm cho mọi người xích lại gần nhau, gắn bó tình cảm, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thỉnh nguyện từ chân sóng