Vẫn biết lận vào cái nghề này thì chả khác gì bán phổi ăn dần, nhưng mình không có vốn bán buôn, đồng ruộng trung du lại thấp thểnh, cấy hái chẳng thấm tháp vào đâu. Cực chẳng đã, vợ chồng tôi đành bảo nhau xin vào đây làm kiếm thêm tiền nuôi bọn trẻ"...
Một lò gạch ven sông Hồng
Dầm mình trong khói bụi
Chiều cuối đông, con đê chạy dài từ đầu cầu Phong Châu về đến thị xã Phú Thọ thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ vắng người qua lại. Nước sông Hồng đang mùa cạn, khắp hai triền sông rực lên một màu vàng hoa cải. Xen giữa bạt ngàn bờ bãi là lô xô những chiếc lò đốt gạch của người dân. "Giang sơn" của anh Thuận chính là trùng trùng những tòa ngang dãy dọc của cả trăm nghìn viên gạch được xếp ngay ngắn trong khu vực trảng phơi. Những dãy gạch này chỉ còn chờ nắng cho lên "phấn" là đưa vào gần hai chục lò gạch đang há miệng lên trời. Nhẩm tính mới thấy, trên đoạn đê chưa đầy 20km này phải có đến hàng chục miệng lò như thế nằm ở tả hữu thân đê, mỗi ngày cung cấp cho thị trường xây dựng hàng triệu viên gạch thẻ được đóng bằng đất bãi sông Hồng.
Anh Thuận đã vào việc, vừa làm vừa giải thích. Anh cùng một thanh niên nữa nhào nhuyễn đống đất thịt có màu nâu đỏ rồi xúc dần vào máy đùn. Cả hai trông giống như bức tượng đất mới đắp, quần áo bê bết, tóc tai chổng ngược một màu xám bạc của bùn khô. Những thớ đất chạy rần rật vào lòng máy rồi từ đó, từng viên gạch mộc vuông thành sắc cạnh lần lượt trôi ra phía đầu máy. Ở đó, gạch đã có sáu người chờ sẵn để bốc vào xe đẩy ra trảng phơi, họ là tốp thợ phơi. "Từ ngày có cái máy này, thợ đùn cũng đỡ khổ anh ạ - Dát, anh thợ đùn trẻ lên tiếng - Làm gạch chẳng phải bùn cũng phải bụi. Tối về tắm xà phòng thơm đến ba bốn bận mà ngồi cạnh bạn gái vẫn cứ thấy luẩn quất mùi bùn đất. Ngửi đi ngửi lại mãi, còn nhờ cả người khác ngửi hộ vẫn chẳng thấy gì mới vỡ nhẽ là cái mùi nồng nồng ấy nó ám vào đầu óc mình rồi. Lúc nào cũng nghĩ đến nó, váng vất thấy mùi của nó. Thế có gọi là bệnh nghề nghiệp không nhỉ?”, Dát khôi hài.
Lấm láp thợ đùn
Để có một viên gạch hồng, xem ra cũng lắm công phu. Chọn đất làm gạch nhất nhất phải là đất thịt. Ngay từ khâu đầu là mua đất đã có biết bao điều để nói. Ở vùng trung du này, trồng trọt, canh tác chẳng được là mấy nên người ta bán đất. Đất ở thì bán cho những người giàu từ Thủ đô lên mua đầu cơ chờ thời. Đất nông nghiệp thì chỉ bán bề mặt, nghĩa là bán lớp đất thịt phía trên cho các chủ lò gạch ngói. Thấy cái lợi trước mắt mà quên cái lợi lâu dài, cứ thế, biết bao bờ xôi ruộng mật ùn ùn đổ vào các công ty gạch, các lò gạch tư nhân. Anh Tuất, chủ của năm lò gạch cho biết: Dựng một lò gạch tốn hơn hai trăm triệu, toàn vốn đi vay cả nên khổ mấy cũng phải cố mà làm để trả nợ. Cũng may gần đây giá gạch lên đôi chút, mỗi lò gạch xuất đi thu được gần hai trăm triệu, trả công thợ rồi trừ các khoản lãi ngân hàng, đất, than, điện... thì vừa hết một trăm tám. Gọi là chủ lò cho oai chứ cũng toàn dân vắt mũi bỏ miệng, cũng làm quần quật chả kém thợ. Làm cả chục lò may ra mới thu được vốn.
Ấy vậy mà mới chỉ là khâu bắt đầu. Những công đoạn sau đó mới thực sự là một trận đồ bát quái mà nếu không có sức khỏe và sự dẻo dai thì chẳng mấy mà bị cái nghề "thổ mộc" này quật đổ. Người trộn đất, đóng đất vào máy đùn phải giàu kinh nghiệm, trộn sao cho đất không bị quá nhão hoặc quá khô sẽ ảnh hưởng đến thời gian phơi, gạch đùn ra phải đều tăm tắp. Việc của thợ phơi cũng chẳng đỡ vất hơn là mấy, phải biết độ để thu gạch vào lúc gạch vừa nổi phấn là đẹp. Nhãng ra đôi chút thì khéo mà gạch khô sẽ nứt vỡ, cong vênh, còn gạch ướt sẽ sống gạch. Thợ đốt lò thì càng cần phải có kinh nghiệm và sức khỏe hơn. Trong công đoạn vào lò cứ khoảng năm viên gạch là đặt thêm một viên than cám, nếu cảm thấy gạch đã nỏ rồi thì tăng thêm gạch để giãn nhiệt bởi nếu than quá nóng sẽ làm gạch bị phồng. Khi gạch đã vào hết thì bắt đầu đốt.
Nhọc nhằn đời nữ phu
Với kiểu lò thịnh hành của các cơ sở nhỏ ở miền Bắc hiện nay thì mỗi khẩu lò cần khoảng từ bốn đến sáu thợ đốt lò, một quạt công suất lớn, một máy nổ phòng khi mất điện. Quạt suốt bảy ngày, bảy đêm để lửa có thể ăn thông từ chân lò đến miệng lò, bén vào tất cả các bánh than. Nhỡ không may mất điện thì phải lập tức giật máy nổ để cầm chừng cho quạt chạy. Anh Khắc, thợ đốt lò phẩy tay chỉ cái quạt cỡ đại đang quay hết tốc lực: "Chỉ sơ sảy độ dăm phút là ăn đủ ngay. Dừng quạt là nhiệt trong lò hắt ngược ra, lúc đấy có mà trời cứu. Gạch thì bị sượng, quạt thì cháy mà công khôi phục cũng đủ ốm. Nhà nào làm gạch mà chỉ cần bị hai ba lò có sự cố kiểu ấy thì khuynh gia bại sản tức thì". Khổ nhọc và hại sức là vậy cho nên đa phần thợ làm gạch chỉ kham nổi việc cho đến tầm trên dưới bốn mươi tuổi là đã tính bề giải nghệ.
Từ sáng đến tối mịt, những nữ phu gạch phải dầm mình trong khói bụi
Có lẽ, khó có nghề nào nhọc nhằn, vất vả và "vắt mũi bỏ miệng" như cái tổ hợp nghề đốt lò gạch thuê. Đồng đất trung du đã không mênh mông thì chớ, cả chục năm nay, người ta cứ bóc tuốt tuột bờ xôi ruộng mật của mình lên, tống vào lò gạch. Dân trong vùng bị đẩy đến kiệt quệ khi khói lò gạch gây thiệt hại mùa màng, khói lò gạch cuốn bệnh tật, cướp đi tính mạng nhiều người. Thanh niên trai tráng không nghề nghiệp, đành làm thuê trong các lò nung, với mức tiền công rẻ mạt. Từ trước tới giờ, rất hiếm người làm nghề coi củi lửa đốt than lò gạch mà trụ được tới 5 năm. Phần lớn thợ đốt lò đều phải bỏ ngang vì bệnh tật.
Vất vả thì mỗi người một cách, nhưng đáng nói nhất có lẽ chính là tốp thợ gánh. Biên chế của tốp thợ này hầu hết là phụ nữ nên càng khiến cho tôi thấy ái ngại. Gần mười người khó đoán tuổi bởi ai nấy đều bịt kín mặt bằng mấy lớp khẩu trang, găng tay cũng đeo loại dày nhất có thể để hạn chế tay không bị chai nứt. Bình quân mỗi ngày, có đến cả trên nghìn viên gạch qua đôi vai của những người phụ nữ này mà lên lò hay ra xe xuất gạch. Chịu khó thì ngày cũng kiếm được hơn trăm nghìn. Gạch vào lò nặng hơn thì công gánh tính ra 250 đồng một viên, gạch ra lò nhẹ hơn thì tính 200 đồng. Nhưng cái sự nặng nhẹ ấy chẳng hề ngon ăn chút nào. Cứ 20 viên một gánh, chị Tuất, vợ anh Thuận phải gánh từ trảng phơi vào chân lò, rồi cứ thế mà bước lên chiếc thang khá chắc chắn đóng bằng gỗ tạp để đưa gạch lên cửa khám thượng (cửa lò tầng trên cùng, có khoảng cách trên ba mét tính từ mặt đất).
Rất ít người làm nghề coi lửa lò gạch trụ được quá 5 năm
Gánh gạch ra lò thì đỡ công hơn, bởi không phải gánh gạch lên cao mà chỉ cần đón gạch ngay cửa khám. Vậy mà không hề đơn giản như tôi tưởng. Hơi nóng hầm hập từ trong lò hắt ra cộng thêm mùi xỉ than khét lẹt khiến tôi có cảm giác bị ai đó tống thẳng cả túi nước chườm vào ngực. Loan, một thợ gánh áng chừng bằng tuổi tôi vội cầm tay kéo ra ngoài, bảo nếu không quen mà thò mặt vào cửa lò thì có ngày bị sốc khói mà chết ngạt. Nói rồi, cô lại thộc vào cửa khám, dùng xà beng gạy từng viên gạch còn bám xỉ xếp vào quang gánh quảy ra. Qua lớp áo dày và chiếc khăn bịt kín, tôi vẫn kịp nhận ra những nét con gái mềm mại và đôi mắt lá răm. Chả vậy mà cánh thợ gạch suốt dọc con đê này đặt cho cô danh hiệu "người đẹp xóm lò".
Ngày nay, người ta có thể sản xuất gạch bằng công nghệ hiện đại, tiết kiệm sức người. Nhưng với hoàn cảnh những người dân nơi đây tưởng như chẳng có công việc nào khá hơn là bỏ sức lao động của mình chạy đua với công nghệ nhằm giảm giá thành cho mỗi viên ngạch làm ra. Và, mỗi lần dõi mắt nhìn theo những tầng nhà đang xây, tôi lại nhớ đến câu nói đùa của anh Thuận: "Người ta bảo bọn tôi đang ăn vào tương lai, kể cũng đúng chú ạ. Ngẫm ra dãy gạch mình làm ra càng dài thì tuổi đời mình càng ngắn. Nhưng thôi, trời cho mỗi người một phận, khổ đấy nhưng mà vui. Các cụ chả bảo, ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm với bò thì lo ngay ngáy đấy còn gì".
Nhìn những phu gạch đang cặm cụi làm việc trong lò nung mịt mù khói bụi, tôi chợt rùng mình nhớ lại những vụ sập lò gạch trước kia ở Nghệ An và Hà Tây (cũ) làm nhiều người thiệt mạng. Nhưng ở đây, dường như chưa có một phu gạch nào có ý định bỏ nghề. Với họ, như lời chị Tuất: “Bỏ nghề thì lấy gì mà nuôi con? Đời mình vất vả, cực nhọc đã nhiều, thôi thì cố gắng thêm chút nữa để con cái mình đỡ khổ. Chúng nó có được ăn học đàng hoàng thì tương lai sau này mới không mịt mù như bố mẹ...”.