Để tăng sức mua trong dịp Tết Trung thu, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, các doanh nghiệp đã tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, mẫu mã phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, không khí mua bán trên thị trường vẫn khá ảm đạm.
Quầy bánh trung thu ảm đạm, thiếu bóng người mua
Tại một số tuyến đường lớn trên địa bàn Hà Nội như: Kim Mã, Cầu Giấy, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Khánh Toàn... đã xuất hiện hàng loạt ki-ốt bán bánh Trung thu của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Tràng An, Long Đình, Bánh mứt kẹo Hà Nội và một số thương hiệu bánh của các khách sạn lớn. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm nhộn nhịp năm ngoái, năm nay có vẻ thị trường khá im lìm, vắng bóng người mua.
Chị Lê Ngân nhân viên bán bánh Kinh Đô trên phố Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Từ đầu mùa, hãng đã nghiên cứu và cho ra nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã bắt mắt, bảo đảm về chất lượng. Thế nhưng, sau gần một tháng, lượng khách đến tham quan, mua hàng rải rác chứ không đông như mọi năm. Nhiều người nghĩ, bán bánh Trung thu đợt này sẽ thu lãi rất lớn nhưng thực tế, tiền thuê mặt bằng, chiết khấu, chi phí bảo quản đã ngốn gần hết. Nếu cứ tình trạng ế ẩm như thời gian vừa này thì công ty dễ bị lỗ nặng và lương doanh số của chúng tôi cũng không có vì không bán được hàng”.
Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đã tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã phong phú và đa dạng
Vừa qua, công ty Kinh Đô đã đưa ra thị trường gần 3.000 tấn bánh với nhiều sản phẩm mới phục vụ các phân khúc khác nhau như dòng cao cấp Trăng Vàng hay bánh Trung thu Xanh. Bên cạnh đó, công ty vẫn chú trọng các dòng bánh chủ lực, truyền thống với gần 60 loại bánh nướng, bánh dẻo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cũng tung ra thị trường nhiều dòng bánh mang thương hiệu Hữu Nghị như: Hoa Sen - Trăng, Thăng Long Đế Nguyệt, Thanh Nguyệt với nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguồn gốc từ thực vật và sử dụng đường không năng lượng bảo đảm chỉ số đường huyết thấp... Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn khách hàng đều cho biết, họ không còn chuộng bánh trung thu của các thương hiệu lớn như trước. Trừ trường hợp đi biếu, làm quà tặng thì mới phải chi khoản tiền cho những hộp bánh hạng sang lên tới vài triệu đồng, còn lại người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn các loại bánh trung thu truyền thống và tự làm thủ công theo sở thích, ngon, rẻ và bảo đảm vệ sinh.
Chính sự ảm đạm, đìu hiu này đã khiến nhiều chủ của hàng bán bánh Trung thu lo lắng, than phiền "đứng ngồi không yên". Đặc biệt là nhưng gian hàng phải đầu tư một khoản tiền lớn để chi phí mặt bằng.
Nỗi lo bánh Trung thu bẩn, kém chất lượng
Do nhu cầu và thị hiếu của người dân thay đổi và hướng tới những sản phẩm sản xuất thủ công, các cửa hàng buôn bán nguyên, phụ liệu làm bánh Trung thu như mứt bí, hạt vừng, bột bánh dẻo, nhân hạt sen, đậu xanh, đậu đỏ… lại nhộn nhịp bán rất đắt hàng.
Nguyên liệu làm bánh được chủ yếu bán tại chợ Đồng Xuân, trong đó một số nguyên liệu, phụ gia có xuất xứ Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia về an toàn thực phẩm, nhân bánh Trung thu làm sẵn đóng gói rất dễ bị hỏng, cho nên cơ sở sản xuất thường cho vào nhiều phụ gia, hóa chất bảo quản.
Theo quan sát của PV, toàn bộ các loại nguyên liệu này được đựng trong những túi ni-lông rất sơ sài, không có bất kỳ nội dung gì liên quan tới nguồn gốc xuất xứ và thời hạn sử dụng sản phẩm. Tương tự, phố Hàng Buồm cũng được các tiểu thương, hộ kinh doanh vô tư bày bán các loại nguyên liệu đựng trong các bao tải, túi ni-lông trắng trơn, nhìn mờ mắt cũng không thấy đề cơ sở sản xuất, hạn sử dụng ở đâu, nhưng không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Mức giá bán sản phẩm ở những khu vực này khá mềm: bột làm vỏ bánh từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg, nhân khoai môn, đậu đỏ, đậu xanh 80 nghìn đồng/kg, nhân lá dứa 90 nghìn đồng/kg, nhân thập cẩm 200 nghìn đồng/kg, lạp xường 150 nghìn đồng/kg
Theo TS Lâm Quốc Hùng (Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế) cho biết, để làm ra chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu: thực phẩm, gia vị, phụ gia, bao gói bánh. Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm hóa chất độc hại, rồi điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến đều có nguy cơ chứa đựng các tác nhân gây ô nhiễm bánh. Bánh Trung thu không bảo quản lâu được. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8 đến 10 ngày; bánh nướng có thể tới 20 đến 30 ngày.
Thời gian Tết Trung thu rất ngắn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung gia tăng đột biến nhiều khi vượt quá cả năng lực sản xuất. Vì lợi nhuận, nhiều người bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, đã sản xuất, kinh doanh bánh kém chất lượng. Hậu quả là bánh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người ăn.
Nguyên liệu làm bánh trung bánh không rõ nguồn gốc được bày bán trong các khu chợ
Ngày 14-9 vừa qua, lực lượng công an và quản lý thị trường đã phát hiện và bắt giữ một tấn nhân bánh Trung thu không rõ nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, được chủ hàng tập kết ở quận Long Biên (Hà Nội)
Trước đó, đêm 23-8, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội cũng đã phát hiện và thu giữ hai tấn nhân bánh không rõ xuất xứ. Số nhân bánh này được đóng trong các bịch ni-lông đã hút chân không gồm nhiều loại như cốm, đậu đỏ, đậu xanh… cùng hơn 50 nghìn quả trứng muối. Nhân bánh đựng trong các thùng các-tông bên ngoài có in chữ Trung Quốc. Theo lời khai của người vận chuyển và chủ hàng, nếu trót lọt sẽ đưa về các làng nghề sản xuất bánh và các chợ đầu mối tiêu thụ.
Gần đây nhất, Sở y tế Hà Nội đã tiến hành điều tra và xử phạt 14 triệu đồng với cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương 2. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương (ở địa chỉ 223 phố Thụy Khuê) có khoảng 60 công nhân, quy mô sản xuất tương đối lớn nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, một số nguyên liệu như: mỡ lợn, trứng gà chưa chứng minh được nguồn gốc. Qua kiểm tra, điều kiện vệ sinh của cơ sở chưa đảm bảo do nền nhà, trần nhà bong tróc, cửa sổ mở ra đường khiến cho bụi bẩn và côn trùng gây hại (chuột, ruồi, rán…) có thể xâm nhập vào sản phẩm và nguyên liệu làm bánh. Cùng với đó, dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, cơ sở vẫn dùng bàn gỗ để làm bánh, rổ tre đựng nguyên liệu.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam, lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh hóa chất công nghiệp thực phẩm. Trên thực tế, qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu là bán hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc
Gia vị, nguyên liệu làm bánh không đảm bảo chất lượng, nguốn gốc xuất xứ, các cơ sở lâu năm uy tín nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng thì lại không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép kinh doanh. Đây cũng chính là lý do khiến người tiêu dùng có tâm lý hoang mang, e dè, ngần ngại khi mua sắm bánh Trung thu cho dịp lễ tết khiến cho thị trường bánh Trung thu ế ẩm, ảm đạm vắng bóng khách mua so với mọi năm.
Để tránh mua phải bánh Trung thu giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên tìm đến các thương hiệu nổi tiếng, tham khảo các địa điểm bán bánh có chất lượng, được nhiều người tin dùng. Đặc biệt, khi chọn bánh Trung thu cần quan sát vỏ bánh còn nguyên vẹn, được bao gói cẩn thận trong ni-lông và có hút ẩm tránh bị mốc, tránh tình trạng mua bánh trôi nổi trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành ráo riết các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm bánh Trung thu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu sắp tới.