Bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hóa: Siết chặt quản lý bánh trung thu

Thanh Phương 25/09/2023 - 22:46

Càng gần tới dịp Tết Trung thu, nhiều cơ sở chế biến bánh, đơn vị cung ứng đưa ra thị trường nhiều loại bánh trung thu bắt mắt, hấp dẫn. Không ít các gian thương đã lợi dụng tình hình, đưa các loại sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bán kiếm lời. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang siết chặt quản lý từ đầu nguồn.

Ngày 25/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết đã triển khai lực lượng để tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

banhthanhhoa.jpg
Kiểm soát chất lượng bánh trung thu từ cơ sở.

Yêu cầu các phòng, đội Quản lý thị trường trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiêm túc nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Thanh Hoá.

Về công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết Trung thu 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu.

trungbaysp.jpg
Các gian hàng bày bán bánh trung thu trên đường phố Thanh Hóa.

Tiến hành kiểm tra về nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu; kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.

lambanhtt.jpg
Xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia.

Tăng cường biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, các địa điểm tập kết hàng hóa; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, kinh doanh bánh trung thu, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sử dụng trên khâu lưu thông và trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở sản xuất bánh trung thu, hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng và địa điểm kinh doanh bánh trung thu và các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 8. Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp cận với công nghệ làm bánh tân tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu, uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh trung thu và việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia trong sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.

Qua kiểm tra 56 cơ sở, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến bánh trung thu trên địa bàn là cơ sở mang tính chất hộ gia đình, sản xuất thủ công và theo thời vụ, thời hạn của bánh thành phẩm chỉ trong 1 tháng.

Quá trình kiểm tra, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm: Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; có giấy tự công bố sản phẩm; một số cơ sở đã trang bị thêm máy móc, dụng cụ sản xuất đạt chất lượng; điều kiện vệ sinh cơ sở và điều kiện về con người đúng quy định; nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rõ ràng. Các điểm kinh doanh bánh trung thu thực hiện đúng các quy định trong bảo quản, có giấy chứng nhận đủ điều kiện của cơ sở sản xuất và tự công bố sản phẩm, ghi nhãn đúng quy định.

Trong tháng 8, 9/2023, đoàn kiểm tra liên ngành và phòng Cảnh sát Kinh tế đã kiểm tra phát hiện, xử lý 4 cơ sở vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính 26 triệu đồng.

Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, nhận biết, lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh. Nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình. Kịp thời phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Siết chặt quản lý bánh trung thu