Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục hành chính thuế và hải quan

Mạnh Nguyễn| 28/11/2017 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn với thủ tục hành chính thuế và hải quan.

Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho biết   những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó. Thậm chí, nhiều doanh  nghiệp cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết.

Đại diện của VCCI cũng cho rằng do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế. Bên cạnh đó, thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp. Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục hành chính thuế và hải quan

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Một số bất cập khác cũng được Phó Chủ tịch VCCI chỉ ra như ngành thuế đã ứng dụng CNTT để triển khai thủ tục hành chính tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan thuế theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số bất cập; hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp không đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhân được. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý doanh nghiệp gặp khó khăn do không được hỗ trợ về mặt thuế.  

Đáng chú ý là trong việc thanh tra, kiểm tra thuế, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý. Ông Khương cho rằng việc vừa bị bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản.

Cũng theo ông Khương, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Theo đó, phần lớn hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản.

Đối với lĩnh vực hải quan, theo ghi nhận của VCCI, doanh nghiệp phản ánh công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và  các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng chi phí ngoài quy định vẫn còn quá nhiều bởi trên thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan, sợ bị làm chậm hồ sơ hay bị bắt lỗi nhỏ nhặt. Cùng với đó là vấn đề kiểm tra chuyên ngành, mặc dù không trực tiếp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành hải quan nhưng lại liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hiện đang là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển DN. Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện các Kế hoạch hành động này dã đạt được những kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính; Thực hiện kê khai thuế điện tử trên cả nước với 622.654 DN, đạt 99,64% trên tổng số 624.915 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng khai thuế điện tử tiếp nhận trên 43,5 triệu hồ sơ; Triển khai hoàn thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành với 2.155 DN khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.747 DN tham gia thí điểm.

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, đến nay đã có trên 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACCS/VCIS với khoảng 74.600 DN tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 DN...

Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu và ban hành 06 Thông tư nhằm cải cách thủ tục cung cấp dịch vụ thu phí, bãi bỏ 02 khoản phí, điều chỉnh giảm mức thu từ 5-57% đối với 23 dòng phí có liên quan đến chi phí của DN.  Nhờ những nỗ lực cải cách nói trên, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng thế giới công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, trong đó chỉ số về nộp thuế là năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất đến môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam (tăng 81 bậc và xếp vị trí 86/190)

Thời gian tới, ngành tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước mắt phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN -4, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ, triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử giải quyết trong quý IV/2017.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục hành chính thuế và hải quan