Nhịp cầu Công lý

Kiên Giang: Lý do chưa đưa vụ thầy giáo đâm chết đồng nghiệp ra xét xử

Phú Khởi 12/06/2024 11:50

Không đồng ý với kết quả giám định, gia đình bị hại đề nghị giám định lại và đến nay, vụ án Phạm Thế Giáp giết người vẫn chưa đưa ra xét xử.

Đâm chết đồng nghiệp chỉ vì xích mích nhỏ

Theo cáo trạng số 36/CT-VKSTKG-P2 ngày 25/5/2023 của VKSND tỉnh Kiên Giang, bị can Phạm Thế Giáp (sinh năm 1984) là giáo viên dạy môn thể dục tại trường THCS Nguyễn Du (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Trong quá trình giảng dạy, Phạm Thế Giáp thường phát sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp.

kham-nghiem.jpg
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khám nghiệm hiện trường (Ảnh Văn Vũ)

Vào khoảng 9 giờ ngày 6/9/2022, Phạm Thế Giáp đi từ phòng giáo viên ra ngoài thì có va chạm với thầy Lê Phước Hảo, dẫn đến cự cãi, đánh nhau với thầy Hảo. Vụ việc xô xát chỉ dừng lại khi được các giáo viên cùng trường can ngăn.

Sau đó, Phạm Thế Giáp cho rằng thầy Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1982, giáo viên cùng bộ môn thể dục) nhìn mình “cười đểu” và định thuê người đánh mình nên Giáp có ý định ra tay trước.

Sáng ngày 7/9/2022, Phạm Thế Giáp đã chuẩn bị 1 cây dao mũi nhọn, lưỡi bằng kim loại được ngụy trang trong tờ giấy A4 mang theo trong mình. Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 7/9/2022, khi thầy Hoàng Anh Tuấn cùng đồng nghiệp đang ngồi ăn sáng ở căn tin của trường thì Phạm Thế Giáp đi đến chỗ thầy Tuấn, dùng con dao được chuẩn bị trước, bất ngờ đâm nhiều nhát vào người thầy Tuấn, khiến bị hại tử vong tại chỗ.

Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang nhận định: “Mặc dù đang công tác trong ngành ươm mầm cho thế hệ trẻ nhưng Phạm Thế Giáp chọn cách giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp bằng hành vi lưu manh, côn đồ, hung hãn khi dùng dao đâm đồng nghiệp gây ra 10 vết thương, cho đến khi bị hại nằm bất động mới dừng tay. Hành vi đó có đủ cơ sở kết luận đây là vụ án giết người mang tính chất rất nghiêm trọng”.

VKSND tỉnh Kiên Giang đã ban hành cáo trạng đề nghị truy tố ra trước TAND tỉnh Kiên Giang, để xét xử bị can Phạm Thế Giáp về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ Luật hình sự.

Chậm đưa ra xét xử vì đang trưng cầu giám định lại

Theo quy định tại khoản 1, Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong thời gian 2 tháng, TAND thụ lý vụ án hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng phải đưa vụ án ra xét xử hoặc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

hinh-thay-giao-dam-dong-nghiep-da-che-mat.jpg
Tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, hung thủ Phạm Thế Giáp đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội (Ảnh Văn Vũ)

Lý giải nguyên nhân chậm đưa vụ án ra xét xử, ông Phan Văn Thuấn - Phó Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang cho biết, đối với vụ án này, lý do vụ án chậm đưa ra xét xử không phải lỗi do sự chậm trễ của cơ quan tố tụng mà do gia đình bị hại không đồng ý với kết quả trưng cầu giám định được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu và yêu cầu giám định lại. Đơn vị được gia đình bị hai yêu cầu giám định lại là Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.

“Hiện nay phía đơn vị này yêu cầu cung cấp thêm các ý kiến xác nhận của nhà trường, đồng nghiệp, phạm nhân đang được tạm giam cùng bị can Phạm Thế Giáp về tình trạng sức khỏe tâm thần của bị can để làm cơ sở giám định tình trạng sức khỏe tâm thần của bị can này. Khi nào có kết quả trưng cầu giám định, chúng tôi sẽ ngay lập tức đưa vụ án này ra xét xử”, Phó Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang Phan Văn Thuấn khẳng định.

Ở một diễn biến khác, theo kết quả trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng (Kết luận giám định số 40/2023/KLG ngày 7/3/2023 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ), có kết quả: “Về y học, hung thủ Phạm Thế Giáp có bệnh lý tâm thần: Rối loạn nhân cách Paranoid (F60.0 – ICD10). Về năng lực: Tại thời điểm phạm tội và hiện tại, đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều kiển hành vi, rối loạn nhân cách ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi”.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, đại diện hợp pháp của người bị hại (em gái của bị hại) chia sẻ, hung thủ Phạm Thế Giáp có nhiều năm công tác trong ngành sư phạm và được nhà trường và địa phương tặng nhiều nhiều giấy khen về thành tích giảng dạy, là lao động tiên tiến nhiều năm liền.

Ngày 15/6/2023, ông Lâm Hữu Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cũng đã có văn bản xác nhận gửi cơ quan tố tụng với nội dung: “Trong thời gian công tác (trước thời điểm xảy ra hành vi phạm tội), Pham Thế Giáp luôn thực hiện theo sự phân công của nhà trường, không có biểu hiện gì bất thường về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

“Gia đình tôi đặt nghi vấn tính về tính chính xác của Kết luận giám định số 40/2023/KLG ngày 07/02/2023 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ nên yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng cho trưng cầu giám định lại để làm cơ sở xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Cụ thể, ngày 16/6/2023, tôi đã có đơn gửi TAND tỉnh Kiên Giang đề nghị trưng cầu giám định lại. Đến ngày 9/5/2024, tôi đã nộp 20 triệu đồng tạm ứng chi phí giám định tâm thần vụ án Phạm Thế Giáp;

Phạm Thế Giáp đã cố tình thực hiện đến cùng hành vi giết người bằng việc đâm bị hại 10 nhát dao vào vị trí trọng yếu cơ thể anh tôi. Do đo, gia đình tôi cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng xem tình tiết tăng nặng vì hung thủ có hành vi côn đồ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự”, bà Hoàng Thị Thu Hương nói.

Hiện gia đình đang rất mong muốn đưa vụ án ra xét xử, để kẻ phạm tội chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Lý do chưa đưa vụ thầy giáo đâm chết đồng nghiệp ra xét xử