Bác sĩ Lê Đình Đờn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết hầu hết các mẫu ô mai, xí muội trên địa bàn được kiểm tra đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép...
Đáng chú ý, trong đó có cả sản phẩm đã được Chi cục ATVSTP Tp. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận (GCN) tiêu chuẩn sản phẩm.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế về việc kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm ô mai, xí muội không đảm bảo ATTP, Chi cục ATVSTP tỉnh và các địa phương đã thành lập 10 đoàn kiểm tra để thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh (CSKD), dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra ô mai, xí muội
Qua 2 đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 3 CSKD dịch vụ ăn uống và 1 CSKD nhỏ lẻ có sử dụng xí muội do cơ sở Mã Tạp Phong (57/21A đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh) sản xuất; các cơ sở còn lại sử dụng xí muội không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ. Đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm chỉ tiêu chì và cyclamate, saccharin (đường hóa học). Đoàn cũng đã lấy 9 mẫu ô mai, xí muội để xét nghiệm; trong đó có 4 mẫu không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ; 1 mẫu do cơ sở Mã Tạp Phong sản xuất, hạn sử dụng đến ngày 8-1-2013; 2 mẫu không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đến ngày 29-3-2014, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, nhà nhập khẩu Công ty Minh Châu, địa chỉ 21 Nguyễn Văn Tráng, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh; 2 mẫu còn lại có ngày sản xuất 20-4-2012, hạn sử dụng 2 năm, do cơ sở Mã Tạp Phong sản xuất.
Kết quả kiểm tra cho thấy, cả 9 mẫu đều có hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép từ 3,2 - 27 lần và đều chứa cyclamate, saccharin, là chất ngọt tổng hợp không có trong danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm theo quyết định của Bộ Y tế. Các chất trên, nếu dùng lâu dài, người sử dụng sẽ có nguy cơ bị ung thư đường tiêu hóa, ung thư bàng quang, ung thư xương, phụ nữ sinh con dễ bị quái thai…
Về đảm bảo chất lượng ATTP, qua kiểm tra, đa số cơ sở không ký hợp đồng trách nhiệm với chủ cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; chỉ có 2 cơ sở (1 cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát và 1 CSKD thực phẩm) sử dụng xí muội có nguồn gốc xuất xứ và có chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Nhưng đáng chú ý, xí muội của cơ sở Mã Tạp Phong, tuy có GCN tiêu chuẩn sản phẩm do Chi cục ATVSTP Tp. Hồ Chí Minh cấp, nhưng kết quả xét nghiệm vẫn cho thấy sản phẩm của cơ sở này có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Ngoài ra, cơ sở này còn sử dụng chất cyclamate, saccharin trong sản phẩm.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở tự tiêu hủy 100% sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 12,5 triệu đồng. Các cơ sở còn lại, do tính chất vi phạm chưa nghiêm trọng, vi phạm lần đầu nên đoàn chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu làm bản cam kết không sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.
Ở tuyến huyện, thị, thành phố, qua kiểm tra 159 cơ sở, các đoàn đã phát hiện 20 CSKD ô mai, xí muội không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 2,8 triệu đồng. Một số CSKD vi phạm như: Hộ kinh doanh Nguyễn Sơn Trung ở tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức (Cam Lâm); quầy tạp hóa Hồng Phước ở chợ Cam Đức (Cam Lâm); quán cà phê Nguyệt Cầm ở đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, tổ dân phố 5, phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa).
Theo bác sĩ Lê Đình Đờn, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh công tác thẩm định và cấp GCN đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở thực phẩm đã được phân cấp quản lý; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về ATTP đối với các CSKD trên địa bàn.
Hoàng Thiên Lý