Văn hóa - Du lịch

Khám phá tuyến du lịch “Trường ca của Lửa và Nước”

Lê Vương - Nguyễn Dương 28/06/2023 13:41

Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2020 với diện tích là 4.760 km2, trải dài các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông như: huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thành phố Gia Nghĩa.

tit-1(1).jpg
sapo1.jpg

UBND tỉnh Đắk Nông đã bước đầu xây dựng 03 tuyến du lịch trải nghiệm địa chất cụ thể: “Trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của Làn gió mới”, “Âm vang từ trái đất”.

nui-lua-nam-kar.jpg

Núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một miệng núi lửa chính (nón xỉ) và hai nón than phụ (nằm cạnh quốc lộ 28 thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô). Ngoài ra, xung quanh các nón xỉ và nón than này còn rất nhiều nón than khác nhỏ và thấp hơn nhưng không có hình thái rõ ràng.

Miệng núi lửa chính (M) và cao nhất 60m có đường kính 220m, miệng nhỏ, sâu khoảng 20m tính từ đỉnh núi, có hình dạng oval điển hình. Ở độ cao 660m trên mực nước biển, miệng núi lửa được cấu tạo chủ yếu từ xỉ, mỗi viên đường kính trung bình vài centimet.

Cách vài chục mét về phía Bắc là một nón than nhỏ hơn (S1) cao 24.2m và ở độ cao 605m trên mực nước biển. Được thành tạo do quá trình phun nổ yếu, gồm xỉ và bom núi lửa đường kính khoảng 10cm dính kết với nhau, nón than này không có miệng trên đỉnh, thay vào đó là các hiện tượng thoát khí, tạo cấu trúc ống trong quá trình di chuyển và được ví như hình dáng của thân cây.

Cách vài chục mét về phía Nam là miệng dung nham núi lửa thấp nhất (S2) cao 22.4m và ở độ cao 621m trên mực nước biển. Miệng núi lửa có hình móng ngựa do các pha phun trào dung nham ở các thời kì khác nhau, đồng thời hình thành nên cánh đồng dung nham pahoehoe có diện tích khoảng 4.75km 2 .

Nón xỉ và nón than được hình thành trong giai đoạn đầu của quá trình phun trào khi dung nham vẫn còn giàu khí và quánh, bị phun nổ bắn thành từng mảnh lớn nhỏ lên không trung. Nếu sức nổ lớn, tro xỉ bị bắn lên cao, kịp nguội đi nhiều trong quá trình rơi xuống, tích lại trên sườn thì sẽ tạo thành một miệng núi lửa cấu tạo chủ yếu từ tro xỉ dính kết yếu.

nui-lua-nam-kar-anh-ngo-minh-phuong.jpg
Núi lửa Nâm Kar nhìn từ trên cao.

Nếu sức nổ yếu, tro xỉ núi lửa không bắn tung lên được hoặc chỉ bị bắn lên đến độ cao thấp thì khi rơi xuống các viên tro xỉ vẫn còn nóng, sẽ gắn kết chặt với nhau và thậm chí có thể tiếp tục theo sườn chảy thành dòng xuống dưới, đó là trường hợp của các nón than, hay nón xỉ thiêu kết.

Cũng có thể có những khối dung nham lớn bị bắn lên rất cao, khi rơi xuống đã kịp nguội lạnh, tạo nên một lớp riềm thủy tinh mỏng bao quanh, gọi là bom núi lửa. Sau khi phần lớn khí và hơi nước đã bốc thoát hết, dung nham núi lửa sẽ trở nên lỏng hơn, tiếp tục đùn lên làm đầy miệng núi lửa, trào ra và có thể làm vỡ mất một phần miệng núi lửa. Dung nham cũng có thể len dưới chân đế để thoát ra ngoài trong khi vẫn giữ nguyên được hình dạng của miệng núi lửa. Trong cả hai trường hợp, dòng dung nham sẽ tạo nên cánh đồng dung nham.

Với hình dạng còn khá nguyên vẹn, núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ có niên đại dưới 10.000 năm tuổi. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua của Công viên địa chất Đắk Nông.

thung-lung-mat-troi-moc.jpg

Khi Mặt trời tỉnh giấc và bắt đầu chiếu những tia nắng ban mai rực rỡ đầu tiên, làm bừng sáng cả một vùng rộng lớn tại Thung lũng Mặt trời mọc cũng là lúc du khách cảm nhận rõ nhất sự bình yên, nhẹ nhàng, tràn đầy năng lượng và hy vọng cho một ngày mới tươi sáng

Người M’nông nơi đây xem vùng đất này là nơi tốt nhất để chiêm bái các vị thần linh bảo trợ, che chở cho họ khỏi những thế lực đen tối, ban mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Người M’nông bản địa gọi nơi này là “Rdŭng Luh Nar”, nghĩa là Thung lũng Mặt trời mọc.

1-1-.jpg
Thung lũng Mặt trời mọc.

Các nhà địa chất cho biết Thung lũng Mặt trời mọc là nơi tích tụ các trầm tích phù sa sông từ khoảng vài trăm ngàn năm trước đến nay. Chếch sang bên trái, xa xa, cạnh những dãy núi trùng điệp nổi bật lên Núi lửa Nâm Blang (Chư R’Luk).

Núi lửa Nâm Blang hình thành cách nay khoảng 10.000 năm. Nhiều đợt phun trào của núi lửa này đã tạo nên những dòng dung nham “pahoehoe” dài hàng chục kilomet, cộng lại thành một trường dung nham rộng hàng trăm kilomet vuông.

Một số dòng dung nham lớn, nóng bỏng đã đủ sức chảy đến tận nơi vốn là xứ sở của Thần nước - Dòng sông Krông Nô - che phủ một phần thung lũng và thậm chí còn đụng độ dữ dội với cả dòng chảy sông trước khi bị đông nguội.

Quá trình này còn lặp đi lặp lại nhiều lần và Thung lũng Mặt trời mọc chính là nơi thể hiện rõ nhất sự gặp gỡ giữa hai thế lực siêu nhiên - bản “Trường ca của Lửa và Nước”.

Với thổ nhưỡng đặc biệt, Thung lũng Mặt trời mọc được người dân địa phương canh tác đủ các loại cây ngắn ngày như ngô, rau màu và dài ngày như cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng… Lúa trồng nơi đây cho loại gạo ngon, ngọt tạo nên thương hiệu gạo Krông Nô từ lâu đã nổi tiếng xa gần.

di-bo-trong-rung.jpg

Đến với tuyến đi bộ trong rừng, du khách sẽ được thưởng thức không khí trong lành, thoang thoảng hương thơm của các loài hoa, ngắm nhìn cây lá rung rinh như đang thủ thỉ tâm tình và lắng nghe tiếng chim hót lảnh lót, ngân vang. Tất cả được hòa quyện, mở ra sự cân bằng nội tại, khơi nguồn cảm hứng và giải phóng những năng lượng tích cực khi du khách được hòa mình với "Mẹ Thiên nhiên".

3-1-.jpg
3.jpg

Trên tuyến đi bộ, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều loài cây thực phẩm như lá bép (lá nhíp), mây đắng, sâm, lá chua, măng... là nguyên liệu để đồng bào M’nông nơi đây chế biến ra những món ăn truyền thống độc đáo, cũng như nhiều vật dụng khác phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Cảnh quan núi rừng hùng vĩ, thảm thực vật phong phú, đa dạng che chở cho các loài động vật sống hòa mình vào thiên nhiên.

hang-dong-nui-lua.jpg

Đây là điểm đến lý tưởng cho các nhà khoa học và du khách thích mạo hiểm, khám phá khi đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Cùng với đặc trưng như núi lửa, thác nước,… hệ thống hang động này có giá trị khoa hoạc mang tầm quốc tế. Nếu ví một ngọn núi là trái tim của cánh đồng dung nham thì các hệ thống hang động được ví như mạch máu của nó.

untitled-4.png

Theo đó, Hệ thống hang động núi lửa trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được các nhà khoa học phát hiện từ năm 2007, cho đến nay được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang (người Ê Đê thường gọi là núi lửa Chư R’luh).

Hiện đã điều tra, khảo sát 49 hang động phân bố rộng khắp bốn hướng Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc trong đó có 8 hang nằm trong top 10 hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á và Trung Quốc (hang dài nhất là 1.240m ).

Ngày 27/6, đoàn UNESCO đã ghé thăm khảo sát, hang động có chiều dài 968m, bao gồm một số đoạn hướng Đông Nam - Tây Bắc nằm trọn trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan D’ray Sáp. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về các loài sinh vật sống trong hang động này nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy khá nhiều di vật khảo cổ gần cửa hang như rìu, đá, đe được làm từ đá cuội ven sông, mảnh đá opal, các mảnh gốm thời kỳ đá mới (4.000- 5.000 năm trước).

4.jpg
1-2-.jpg
Đoàn thám hiểm của UNESCO  khảo sát hang động.

Trong một hang động bazan khác (ký hiệu là hang C6.1) đã phát hiện được một số di cốt người tiền sử có niên đại 6.000-7.000 năm trước, đây là phát hiện độc đáo, duy nhất trên thế giới.

thac-gia-long.jpg

Vào khoảng thời gian từ năm 1935-1936, trong một chuyến đi đến tỉnh Đắk Lắk, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và đoàn cận vệ cưỡi voi đi vào rừng để săn bắn, sau đó nghỉ ngơi dưới chân thác D’ray Sáp Thượng để du ngoạn cảnh đẹp. Trước khung cảnh hùng vỹ và tuyệt đẹp của thác khiên vua Bảo Đại rất thích thú nên nhà vua đã đổi tên thác thành thác Gia Long (tên vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn).

Từ đó về sau, tên thác D’ray Sáp Thượng đã dần bị lãng quên, thay vào đó là tên gọi thác Gia Long cho tới nay. Thác nằm trong cảnh quan rừng đặc dụng D’ray Sáp với đa dạng các loại động thực vật (755 loài thực vật bậc cao, 289 loài động vật có xương sống), trong đó có nhiều loài quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Thác Gia Long được hình thành bởi dòng chảy bazan của núi lửa Nâm Blang bao phủ lên đá trầm tích, các dòng chảy bazan mang lại nhiều giá trị địa chất có ý nghĩa cho khoa học và giáo dục. Cũng tại nơi đây, du khách có thể quan sát những tảng đá bazan bị vỡ vụn, kèm theo các dãy núi với hoạt động kiến ​​tạo không liền mạch và chắp nối cùng với hiệu ứng của dòng nước, tạo thành nhiều hình dạng thú vị khác nhau.

thac-gia-long-anh-tran-an.jpg
Thác Gia Long.

Thác Gia Long cũng gắn liền với một câu chuyện tình yêu cảm động của người con gái Êđê xinh đẹp tên H’Mi đã bị cuốn trôi bởi dòng nước khổng lồ do một quái thú tạo nên. Không cứu được người con gái mình yêu, vì quá đau buồn người yêu cô đã biến thành một cái cây lớn, cắm sâu vào đá trông như một người đàn ông đau khổ với vòng tay rộng mở, đợi chờ người yêu quay về.

Nội dung: Lê Vương

Đồ họa: Nguyễn Dương

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá tuyến du lịch “Trường ca của Lửa và Nước”