Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Mạnh Cường| 27/03/2015 17:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai ngày 26 và 27-3, TANDTC tổ chức tọa đàm về “Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vụ án dân sự và đề xuất sửa đổi, bổ sung BLTTDS theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”.

Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc

Buổi tọa đàm tổ chức nhằm thực hiện chương trình đối tác tư pháp do Ủy ban Châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ.

Chủ trì chương trình tọa đàm có đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi); ông Tobias Oelsner, Thẩm phán Tòa khu vực Tp. Berlin (Liên bang Đức), cùng với sự tham gia của cán bộ TAND 2 cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tại cuộc tọa đàm, đồng chí Tống Anh Hào đã sơ lược về những nội dung chủ yếu về Dự án BLTTDS, báo cáo tóm tắt nghiên cứu mô hình tố tụng dân sự Việt Nam và sự cần thiết ban hành BLTTDS. Theo đó, BLTTDS năm 2004 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2005 và được bổ sung năm 2011 theo Luật số 65/2011/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2012. Kết quả 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đảm bảo tính trình tự và thủ tục TTDS dân chủ, công khai, đơn giản, tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS.

Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Ông Tobias Oelsner trình bày một số vấn đề về thủ tục tranh tụng

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành các quy định của BLTTDS cho thấy có nhiều quy định của BLTTDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Một số quy định trong BLTTDS chưa rõ ràng, thiếu cụ thể làm cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khó hiểu hoặc hiểu khác nhau, Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải ban hành nhiều nghị quyết, TANDTC phối hợp với VKSNDTC ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, nhất là quyền và nghĩa vụ của đương sự trong TTDS chưa được quy định đầy đủ như quyền và nghĩa vụ trong việc chứng minh, thu thập chứng cứ, quyền tiếp cận chứng cứ… nhằm thể hiện tính công khai, dân chủ công bằng trong quá trình tố tụng; đồng thời trách nhiệm của đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ, những yêu cầu của Tòa án chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, nhiều trường hợp đương sự trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, cố tình gây khó khăn nhằm kéo dài việc giải quyết vụ án thì Tòa án gặp khó khăn vì thiếu quy định cụ thể để xử lý hành vi đó.

Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Vấn đề trình tự, vai trò của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phiên tòa chủ yếu là theo mô hình xét hỏi, yếu tố tranh tụng chưa được rõ cho nên việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thực hiện rất khó; trình tự thủ tục giám đốc thẩm còn rườm rà, lòng vòng, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm chưa rõ ràng, làm cho việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm chậm, hiện tượng tràn lan vẫn còn…

Vì lẽ trên, việc soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) quán triệt những quan điểm chỉ đạo và yêu cầu như sau:

1. Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI; trong đó, xác  định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định; khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp trong qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.

2- Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức TAND năm 2012 và các đạo luật có liên quan.

4- Việc xây dựng dự án BLTTDS (sửa đổi) phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của BLTTDS năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp; đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về TTDS.

5- Bảo đảm trình tự và thủ tục TTDS có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS. Đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.

6- Bảo đảm các quy định của BLTTDS (sửa đổi) không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Tại cuộc tọa đàm, một số đại biểu tham gia tham luận “Một số ý kiến về mô hình tố TTDS Việt Nam và góp ý cụ thể Dự thảo BLTTDS sửa đổi”… Ngoài ra, ông Tobias Oelsner trình bày về thủ tục tranh tụng: thủ tục chung hình thành vụ việc; thu thập và trình bày chứng cứ trước tòa; thủ tục giải quyết tranh chấp thay thế và tự nguyện… những vấn đề này được phân tích so sánh tố tụng ở Anh và Đức. Đồng thời ông Tobias Oelsner tham gia góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung mô hình TTDS Việt Nam…

Cũng tại buổi tọa đàm, các Thẩm phán cũng thảo luận, trao đổi về những vấn đề xoay quanh việc hoàn thiện pháp luật TTDS của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam