Công dân có quyền im lặng khi bị bắt?

Đắc Minh| 25/10/2014 06:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ai thích xem phim hình sự, xã hội đen của Hongkong, thường thấy cảnh cảnh sát khi bắt giữ nghi phạm đọc “Anh có quyền giữ im lặng. Nếu anh từ bỏ điều này, bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh khi tòa xét xử”.

Ngày 23/9/2014, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (sửa đổi), đã thảo luận và cho ý kiến về quyền im lặng này. Vậy quyền im lặng là gì, xuất phát từ đâu và quan điểm của giới luật gia trong nước như thế nào về vấn đề này?

Quyền im lặng gì?

Ở Mỹ, quyền im lặng hay còn gọi là Lời cảnh báo Miranda (Miranda Warning) được cảnh sát thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở trong tình trạng bị tạm giữ, tạm giam, trước khi bị thẩm vấn hoặc hỏi cung liên quan đến hành vi phạm tội, hay trong một tình trạng quyền tự do đi lại của nghi phạm bị cản trở dù người đó không bi bắt giữ. Biên bản lời khai nhận tội hay bản kết luận điều tra buộc tội bị can sẽ không được Tòa án thừa nhận là chứng cứ trừ phi bị can đó đã được cảnh sát thông báo cho biết "quyền im lặng" của mình và đã được bị can hiểu, nắm rõ và tự nguyện từ bỏ các quyền này.

Lời cảnh báo Miranda xuất phát từ vụ kiện Miranda kiện bang Arizona, theo đó, vào năm 1963, nghi phạm Ernesto Miranda bị bắt giữ vì tội bắt cóc và cưỡng dâm. Ông này nhận tội nhưng trước đó ông không được cảnh sát báo cho mình biết về quyền im lặng do hiến pháp, cũng như quyền có luật sư có mặt trong phòng khi cảnh sát thẩm vấn. Trong phiên xét xử sơ thẩm, các Công tố viên của bang Arizona căn cứ vào lời nhận tội của ông thành chứng cớ buộc tội và ông bị kết án. Luật sư của Miranra chống án và Tối cao Pháp viện đã quyết định trong vụ án này, Miranda cảm thấy bị cảnh sát đe dọa trong quá trình thẩm vấn và ông không biết mình có quyền không tự buộc tội chính mình và quyền có luật sư. Theo cơ sở nhận định này, Tòa án đã tuyênMiranda vô tội.

Công dân có quyền im lặng khi bị bắt?

Cuốn sách về nội dung quyền im lặng (Miranda’s Right)

Thông qua vụ bào chữa cho Miranda, các luật sư John J. Flynn và John P. Frank đã thay đổi thủ tục tố tụng hình sự của nước Mỹ. Từ đó, cảnh sát Mỹ luôn phải tuân theo quy định của Tối cao pháp viện Mỹ, là trước khi bắt giữ hay thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi phạm tội như sau: “Anh có quyền giữ im lặng. Nếu anh từ bỏ điều này, bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh khi tòa xét xử. Anh có quyền có luật sư và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư mà không phải trả phí.Trong bất cứ cuộc thẩm vấn nào, anh cũng có quyền sử dụng các quyền này, không trả lời bất cứ câu hỏi nào và không đưa ra tuyên bố nào. Anh có hiểu những gì tôi vừa nói với anh?”.Không chỉ ở Mỹ, cả những nước chịu ảnh hưởng nền pháp lý của Mỹ cũng sử dụng câu này - được cảnh sát gọi một cách ngắn gọn là “Lời cảnh báo Miranda” - khi tiến hành việc bắt giữ.

Số phận của Miranda

Ngày 13/6/1966, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ việc kết tội Ernesto Miranda dựa trên lời nhận tội của anh vì điều đó được thực hiện qua quá trình thẩm vấn không đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, Tòa án bang Arizona mở lại phiên tòa xét xử Miranda, lần này không dùng lời thú tội của anh ta như một chứng cứ chống lại anh. Tòa xử Miranda về cáo buộc trộm cắp cùng bắt cóc và hãm hiếp - là những điều không được đề cập trong phán quyết của Tòa án Tối cao về bản án của Miranda, mà dựa vào lời khai từ người vợ của mình, bà đã đưa ra chứng cứ mới chứng minh Miranda thực sự bắt cóc và hãm hiếp cô gái tên là Patti McGees. Miranda bị kết án tù đến 30 năm.

Ernesto Miranda được ân xá năm 1972. Sau khi ra tù, anh ta kiếm sống bằng cách bán tấm ảnh với dòng chữ “Quyền của Miranda” với chữ ký của mình với giá 1,5 USD mỗi bản. Ngày 31/1/1976, trong một cuộc ẩu đả tại quán rượu ở Kingman, Arizona, Miranda bị đâm chết khi trên người vẫn còn nhiều “Lời cảnh báo Miranda” chưa kịp bán hết.Trớ trêu là nghi phạm giết Miranda, một người Mexico nhập cư tên Eseziquiel Moreno, hiểu rất rõ quyền của mình. Hắn kiên quyết im lặng khi bị bắt cũng như trong các cuộc thẩm vấn. Cảnh sát không thể tìm ra được chứng cứ thuyết phục để buộc tội nên cuối cùng phải thả nghi phạm này.

Quan điểm của giới luật gia Việt Nam

Quan tâm đến quyền tố tụng đặc biệt này, LS.Ngô Ngọc Thủy (ĐLS Hà Nội) nhấn mạnh: “Đã đến lúc “sới” lên vấn đề về chế định “quyền im lặng” cho những người bị tạm giữ, tạm giam”. Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSNDTC đã đáp lại: “Quyền im lặng của bị can, bị cáo đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai cho đến khi có luật sư. Nếu tự tin bào chữa được thì người ta có quyền nói”.

Trong thực tiễn, nhiều vụ án đã bị chệch hướng, dẫn đến oan, sai do thiếu sự tham gia của LS từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, kể từ khi một người bị bắt tạm giữ, tạm giam. Đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền, Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng: “Luật tố tụng hình sự hiện nay không có quy định nào về quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ nhưng cũng đã quy định rất rõ là bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mình có tội. Tuy nhiên, do chưa có quy định về quyền im lặng nên nhiều người bị tạm giữ, tạm giam khi không khai đã bị khép lỗi không thành khẩn và bị tăng nặng hình phạt. Còn nếu khai không đúng theo ý chí của cơ quan điều tra có khi bị coi là “khai báo quanh co”, “gian dối”. Do đó tới đây khi sửa đổi luật tố tụng hình sự mà đưa được quy định về quyền im lặng vào thì rất tốt. Như thế sẽ tránh được tình trạng bức cung, nhục hình để buộc bị can phải khai nhận tội. Đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng oan sai vốn đã xảy ra nhiều như thời gian vừa qua”.

PGS.TS.Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC đồng tình với ý kiến trên và cho rằng:“Quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của luật sư để tránh tự mình buộc tội mình, gây thiệt hại cho bản thân. Do đó, nếu qui định trong phạm vi thực tế nhất định có thể đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo”.

Thế nhưng, theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: “Nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ, đề nghị UBTVQH cho định hướng vì hiện tại đang có xung đột lớn về quan điểm, cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này còn giới luật sư lại ủng hộ. Ý kiến quá khác nhau nên cơ quan soạn thảo Luật Tố tụng hình sự đến giờ vẫn chưa dám đưa vào”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây không phải là đề nghị của luật sư mà phải căn cứ vào Hiến pháp để thể hiện; không phải là tạo điều kiện thuận lợi mà là buộc phải tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia chứ có ai cho luật sư tuyên án đâu".

Quyền im lặng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho công lý, cho quyền con người và hoạt động tư pháp. Nó thể hiện ở chỗ công dân khi bị tình nghi và bắt buộc phải khai báo với cơ quan điều tra, họ biết là họ có luật sư, đồng thời họ được luật sư tư vấn một cách hợp pháp. Khi đó lời khai của họ sẽ công bằng, khách quan hơn, hiện tượng phản cung sẽ giảm đi rất nhiều, hiện tượng mớm cung, bức cung và nhục hình cũng sẽ giảm đi vì khi có những hiện tượng đó họ sẽ báo cho luật sư biết ngay. (LS. Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt nam)                                   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân có quyền im lặng khi bị bắt?